Mỹ phản đối ngừng bắn ở Ukraine, châu Âu dự kiến gửi 1 triệu viên đạn pháo
Mỹ phản đối lệnh ngừng bắn
RT dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby cho biết bất kỳ sáng kiến hòa bình nào cho Ukraine là “không thể chấp nhận được” trong tình hình hiện nay.
Ông Kirby đã nhắc đến chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow trong ba ngày từ 20 đến 22/3 để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. Ông Kirby khẳng định rằng Washington sẽ phản đối bất cứ sáng kiến hòa bình nào được đưa ra sau cuộc họp này.
“Chúng tôi xin nhắc lại rằng bất cứ lời kêu gọi ngừng bắn nào được đưa ra trong cuộc gặp gỡ sắp tới đều không thể chấp nhận được, bởi [những đề xuất trên sẽ] là sự chấp thuận cho cuộc chinh phạt của Nga”, ông Kirby tuyên bố.
Ông Kirby cũng cảnh báo rằng gần đây, Moscow và Bắc Kinh đã “tăng cường hợp tác và quan hệ”. Hai quốc gia đang cùng hợp sức để làm suy yếu và “viết lại” cái gọi là “các quy tắc quốc tế”.
Nga và Trung Quốc “là hai quốc gia chống lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Mỹ và nhiều đồng minh đã xây dựng kể từ khi Thế chiến II kết thúc”, ông nói.
Gần đây, Trung Quốc đã công bố bản lộ trình 12 điểm để kết thúc xung đột ở Ukraine. Moscow ủng hộ lộ trình này nhưng phương Tây tỏ ra lạnh nhạt. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Ông Putin đang vỗ tay hoan nghênh, thế thì đề xuất này chẳng có gì tốt đẹp cả".
Châu Âu dự kiến 1 triệu viên đạn pháo cho Ukraine
Nguồn tin của Bloomberg cho biết các nhà lãnh đạo EU cũng có thể thông qua cam kết cung cấp cho Ukraine 1 triệu viên đạn pháo vào cuối tuần này.
Kiev tuyên bố cần 1 triệu viên đạn pháo trong năm nay. Estonia ước tính chi phí cho số đạn dược này là 4 tỷ EUR. Estonia là quốc gia đầu tiên đưa vấn đề đạn dược cho Ukraine lên bàn đàm phán cách đây một tháng, đề nghị tài trợ khẩn cấp nhằm nâng cao năng lực sản xuất.
Vào thời điểm một tháng trước, Estonia cho biết Ukraine đang tiêu tốn trung bình từ 60.000 đến 210.000 viên đạn pháo mỗi tháng, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chỉ có năng lực sản xuất 25.000 viên/tháng. Trong khi đó, Nga đang sử dụng khoảng 20.000 đến 60.000 viên đạn pháo/ngày.
Ngoài thỏa thuận chính trị dự kiến được thông qua, châu Âu cần giải quyết một số vấn đề kỹ thuật. Trước hết, hiện vẫn chưa rõ số lượng đạn pháo 155 mm trong kho dự trữ của các nước là bao nhiêu. Có khoảng 15 nhà sản xuất đạn pháo 155 mm, nằm tại 11 quốc gia EU.
Một vấn đề khác là liệu các nỗ lực mua sắm vũ khí có nên chỉ tập trung vào doanh nghiệp châu Âu, hay nên tìm kiếm cả những nhà cung cấp ngoài khối. Ngoài ra, ngành công nghiệp quốc phòng EU cũng phải đối mặt với thách thức tìm kiếm đủ nguồn cung thuốc súng, bởi nguyên liệu này chỉ được sản xuất tại một số ít quốc gia.