|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tòa Hình sự Quốc tế ra lệnh bắt Tổng thống Nga Putin với cáo buộc tội ác chiến tranh

08:27 | 18/03/2023
Chia sẻ
Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đã ra lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về Quyền trẻ em Maria Lvova-Belova. Phía Nga tuyên bố các lệnh bắt này đều vô hiệu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS).

Theo thông cáo ngày 17/3 của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, Tổng thống Putin và Ủy viên Maria Lvova-Belova bị cáo buộc “phạm tội ác chiến tranh vì trục xuất bất hợp pháp dân cư (trẻ em) và di dời bất hợp pháp dân cư (trẻ em) từ vùng bị chiếm đóng ở Ukraine đến Nga”.

Theo ICC, các hành vi phạm tội kể trên được thực hiện trong vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga chiếm đóng, ít nhất là từ ngày 24/2/2022 khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tòa Hình sự Quốc tế nhận thấy có lý do để tin rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân về các hành vi trục xuất và di dời bất hợp pháp người dân (trẻ em) từ Ukraine sang Nga vì ông đã thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc không kiểm soát cấp dưới của mình dẫn đến cấp dưới thực hiện các hành vi tội ác.

Các lệnh bắt của ICC thường được giữ bí mật để bảo vệ các nạn nhân và nhân chứng, cũng như để phục vụ quá trình điều tra. Tuy nhiên, Tòa Hình sự Quốc tế lần này công bố lệnh bắt với đầy đủ tên và hành vi cáo buộc vì ICC cho rằng các tội ác chiến tranh “có thể vẫn đang xảy ra, việc công chúng biết đến lệnh bắt có thể đóng góp vào khả năng ngăn ngừa hành vi phạm tội tiếp diễn”.

Ông Dmitry Peskov, Người phát ngôn Điện Kremlin, tuyên bố lệnh bắt giữ của ICC là hoàn toàn vô giá trị và Nga không công nhận thẩm quyền của ICC.

“Chúng tôi coi hành động này là quá xúc phạm và không thể chấp nhận được. Nga, cũng như nhiều quốc gia khác, không công nhận thẩm quyền của ICC và bất kỳ quyết định nào kiểu như thế này đều vô hiệu đối với Nga”, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Peskov nói.

Ông Peskov không trả lời khi được hỏi liệu lệnh bắt của ICC có ảnh hưởng tới kế hoạch của ông Putin khi đến thăm các nước đã phê chuẩn Quy chế Rome.

Bà Maria Zakharova, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, cho biết các quyết định của ICC không có ý nghĩa gì với Nga.

Một người phụ nữ bên cạnh căn nhà đổ nát vì xung đột vũ trang ở Ukraine, ngày 10/1/2023. (Ảnh: Reuters).

Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) được thành lập theo Quy chế Rome năm 1998. ICC không thuộc Liên Hợp Quốc và chỉ chịu trách nhiệm với 123 quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome.

Ba cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới đều không phải là thành viên của ICC. Nga đã ký Quy chế Rome nhưng chưa phê chuẩn. Mỹ đã ký nhưng sau đó rút lại chữ ký. Trung Quốc chưa ký. Ukraine cũng chưa phải thành viên của ICC.

Năm 2016, Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh hành chính nêu rõ rằng Nga sẽ không làm thành viên của ICC. Theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, ICC không hành động đúng như kỳ vọng của Nga và không phải là một tổ chức độc lập phục vụ công lý quốc tế.

Mỹ tỏ thái độ không hài lòng với ICC vào năm 2020 sau khi các công tố viên của tòa án này nói sẽ điều tra tội ác của quân đội Mỹ ở Afghanistan. 

Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc ICC ra lệnh bắt ông Putin nhưng cũng thừa nhận là Mỹ chưa công nhận thẩm quyền của Tòa án này.

ICC có thể bắt giữ được ông Putin hay không?

ICC không có thẩm quyền tại Nga, Ukraine, Mỹ, Trung Quốc vì các nước này không phê chuẩn Quy chế Rome 1998. ICC có thể ban hành lệnh bắt nhưng không thể tiến vào nước Nga để bắt ông Putin. ICC cũng không tổ chức các phiên tòa vắng mặt, nên ông Putin chỉ có thể bị xét xử nếu ông tình nguyện ra tòa hoặc ông bị bắt khi đến thăm các nước thành viên của ICC - cả hai kịch bản đều rất khó xảy ra.

Giả sử ông Putin đồng ý làm bị cáo tại ICC, ông sẽ phải đứng trước phiên tòa gồm ba thẩm phán. Nếu 2/3 hoặc 3/3 thẩm phán này cho rằng ông Putin phạm tội thì ông có thể sẽ phải chịu án tù tới 30 năm. 

Năm 2012, Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đã kết án lãnh chúa Thomas Lubanga Dyilo 14 năm tù giam vì ép buộc trẻ em 15 tuổi tham gia cuộc xung đột sắc tộc ở Cộng hòa Dân chủ Congo.  

Liên Hợp Quốc không có một toà án thường trực chuyên xét xử tội phạm chiến tranh nhưng có thể thành lập các tòa án đặc biệt để phục vụ cho từng cuộc xung đột cụ thể.

Năm 1993, Tòa án Hình sự Quốc tế về Liên bang Nam Tư cũ (ICTY) được thành lập để điều tra về các tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột ở bán đảo Balkan từ năm 1991 đến 2001. Trụ sở của ICTY cũng được đặt ở thành phố The Hague, Hà Lan giống như Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Tòa án này hoạt động đến năm 2017 thì giải thể. Trong 24 năm tồn tại, ICTY đã gọi đến 4.650 nhân chứng, tổng hợp hơn 2,5 triệu trang lời khai và đưa ra 161 bản án.

Ông Radovan Karadžić, Tổng thống của Republika Srpska – một nước cộng hòa tự xưng trong Bosnia, đã bị ICTY kết án phạm tội chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội diệt chủng. Năm 1995, ông Karadžić đã chỉ đạo thực hiện vụ thảm sát hơn 7.000 người Srebrenica. Hình phạt ban đầu là 40 năm tù giam, về sau tăng lên thành chung thân.

Ông Slobodan Milošević, Tổng thống Serbia giai đoạn 1991 - 1997, là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong lịch sử bị truy tố phạm tội ác chiến tranh. Ông Milošević bị đưa ra xét xử tại ICTY nhưng chết trong nhà giam trước khi tòa tuyên án.

Liên Hợp Quốc có thể thành lập một tòa án chuyên phục vụ việc điều tra và xét xử các tội ác diễn ra trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, tòa án này cũng gặp phải vấn đề tương tự như Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), đó là làm thế nào để đưa ông Putin đến The Hague, Hà Lan để hầu tòa?

Đức Quyền