|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Quân đội Mỹ chưa sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc

11:14 | 22/09/2022
Chia sẻ
Bloomberg nhận định rằng Mỹ cần phải có được một bài học quan trọng từ xung đột Ukraine, cũng như chính từ những kinh nghiệm trong Thế chiến II để xây dựng quân đội sẵn sàng cho các cuộc chiến dài hơi.

Máy bay F-18 cất cánh từ tàu sân bay USS Gerald R. Ford năm 2018. (Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters). 

“Kẻ ngốc học bằng trải nghiệm của mình. Người khôn học từ trải nghiệm của kẻ khác”, Thủ tướng nổi tiếng của nước Đức Otto von Bismarck đã từng nói.

Trong cuộc phỏng vấn với CBS News vào hôm 15/9, Tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ bảo vệ đảo Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công.

Tuy nhiên, sau cuộc phỏng vấn, một quan chức Nhà Trắng cho biết chính sách của Mỹ về vấn đề đảo Đài Loan vẫn không thay đổi. Mỹ vẫn tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao dựa trên sự “mơ hồ chiến lược” về trạng thái của đảo Đài Loan. 

Nhiều quan chức Washington tin rằng Trung Quốc sẽ có những động thái với đảo Đài Loan trong ba đến 5 năm tới, một khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hoàn tất quá trình hiện đại hóa.

Tuy nhiên, việc Mỹ có sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc hay không lại là một vấn đề khác. Lầu Năm Góc đã cảnh báo trong nhiều năm rằng quá trình xây dựng quân đội của Trung Quốc đang thay đổi cán cân sức mạnh tại Đông Á. 

Mỹ hiện vượt trội hơn Trung Quốc về số lượng xe tăng, máy bay, tàu ngầm và tàu chiến cỡ lớn những khoảng cách đang được thu hẹp nhanh chóng trong những năm gần đây.

Giáo sư Hal Brands của Đại học Johns Hopkins nhận định rằng những hành động của các nhà lập pháp Mỹ hiện nay, chẳng hạn như chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cho thấy Washington dường như không nhận ra mối nguy.

Mối nguy với Mỹ

Các trò chơi chiến tranh mô phỏng (war game) diễn ra trong những điều kiện khá thuận lợi với Washington cho thấy Mỹ có thể giành được chiến thắng trong xung đột với Trung Quốc trên đảo Đài Loan, nhưng với một cái giá quá đắt về nhân lực và vật lực. Nếu điều kiện kém thuận lợi hơn, chiến thắng thường thuộc về Bắc Kinh.

Tất nhiên, khó mà biết được điều gì sẽ xảy ra trên chiến trường. Cuộc xung đột Ukraine cho thấy động lực chiến đấu, tài năng của lãnh đạo và những yếu tố vô hình khác có thể tạo khác biệt lớn.

Tuy nhiên, xung đột vừa qua cũng cho thấy Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn lớn trong việc bù đắp những tổn thất phải chịu về trang bị, vũ khí. Chiến tranh hiện đại vô cùng đắt đỏ, tiêu tốn số lượng khổng lồ về tên lửa, pháo, phá hủy số lượng lớn máy bay, xe tăng và tàu chiến.

Xung đột Ukraine là ví dụ cho thấy sự khó khăn để duy trì một cuộc xung đột ở cường độ cao. Liên minh phương Tây, dẫn đầu bởi cường quốc hàng đầu thế giới, đang vật lộn để đáp ứng nhu cầu về đạn dược cho chính quyền Kiev.

Mỹ đã viện trợ 1/3 kho tên lửa chống tăng Javelin ngay trong tuần đầu tiên. Washington và các quốc gia khác có thể sẽ phải mất nhiều năm để bổ sung những vũ khí này. Cuộc xung đột là lời cảnh tỉnh cho Mỹ về mức độ khó khăn trong hậu cần (logistics) trong một cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Bài học Thế chiến II

Tác giả Hal Brands và Michael Beckley viết trong cuốn “Vùng nguy hiểm: Cuộc chiến tương lai với Trung Quốc” rằng giai đoạn đầu trong cuộc xung đột giữa hai cường quốc sẽ khủng khiếp về cường độ và mức độ tàn phá.

Washington sẽ nhanh chóng sử dụng kho tên lửa, ngư lôi, bom dẫn đường và các loại vũ khí tương đối khan hiếm khác nhằm ngăn cản Trung Quốc đổ bộ.

Thiệt hại về tàu chiến và máy bay có thể tồi tệ hơn tất cả những gì mà quân đội Mỹ từng trải qua kể từ Thế chiến II. Theo một trò chơi chiến tranh được tổ chức gần đây, Mỹ có thể mất 2 tàu sân bay và từ 700 đến 900 máy bay chiến đấu (tương đương gần một nửa không quân). Và cuộc mô phỏng này diễn ra với điều kiện có lợi dành cho Washington.

Thiệt hại sẽ ngày càng tăng lên khi xung đột kéo dài, bởi cả hai bên đều không thể giành chiến thắng tuyệt đối.

Trong Thế chiến II, Mỹ thắng lợi nhờ việc chuyển nền kinh tế sang trạng thái thời chiến và sản xuất với tốc độ chóng mặt. Thế chiến II là một cuộc thi sức bền, và Mỹ chiến thắng là nhờ khai thác được tiềm năng kinh tế và công nghiệp vô song của mình.

 

Trong Thế chiến II, Mỹ sản xuất gần 300.000 máy bay, nhiều hơn cả Đức và Nhật Bản cộng lại. Vào năm 1944, các xưởng đóng tàu của Mỹ hạ thủy 2.247 tàu chiến, hơn tất cả phần còn lại thế giới cộng lại. 

Ngành công nghiệp của Washington không chỉ cung cấp vũ khí và trang bị cho quân đội Mỹ, mà còn cho cả Đồng Minh. Thông qua chương trình viện trợ Lend-Lease, Mỹ đã chuyển cho Anh, Liên Xô và các đồng minh khác 37.000 xe tăng, 800.000 xe tải.

Nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin vào năm 1943 từng phải nói “Thứ quan trọng nhất trong cuộc chiến này là máy móc chiến tranh. Và nước Mỹ là quốc gia của máy móc”.

Mặc dù binh sĩ Mỹ không phải lúc nào cũng vượt trội hơn Nhật Bản hay Đức, nhưng lượng khí tài khổng lồ đã tạo ra sự khác biệt. Một chỉ huy Đức tại Normandy đã nói: “Tôi không thể hiểu nổi người Mỹ. Mỗi tối chúng tôi đều gây thiệt hại lớn, phá hủy hệ thống hậu cần. Nhưng đến sáng hôm sau, chúng tôi lại phải đối mặt với các tiểu đoàn mới, với nhân lực, máy móc, lương thực, công cụ và vũ khí được thay thế. Chuyện này cứ diễn ra hết ngày này qua ngày khác”.

Không phải chuyện một sớm một chiều

Phải tới cuối năm 1943 và 1944 thì lệnh tổng động viên của Mỹ mới phát huy hết sức mạnh, bởi cần có thời gian để giải quyết hết những tắc nghẽn và thiếu hụt nguyên liệu, chuyển từ sản xuất hàng dân dụng sang xe tăng và bom, và chuyển nền kinh tế sang thời chiến.

Hơn nữa, Mỹ có thể tổng động viên một cách hiệu quả như vậy bởi quốc gia này đang trải qua thời đại công nghiệp, với nền kinh tế sản xuất hàng loạt, phù hợp để tạo ra công cụ cho một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Trên hết, Mỹ có thể đạt được sản lượng khổng lồ trong Thế chiến II bởi các nhà lãnh đạo không đợi đến năm 1941 mới bắt đầu quá trình chuẩn bị. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ đã tăng mạnh kể từ sau khủng hoảng Munich năm 1938, từ dưới 2% GDP lên mức 5% vào 1941, sau đó đạt đỉnh là 37% vào 1944.

 

Sự khác biệt giữa thời điểm đó và hiện nay đã quá rõ ràng. Quân đội Mỹ vẫn đứng vị trí hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, sẽ thật sai lầm khi nghĩ rằng nếu chiến tranh xảy ra, Mỹ có thể sản xuất vượt đối thủ.

Nền kinh tế Mỹ vẫn dẫn đầu, nhưng Trung Quốc lại là công xưởng của thế giới. Bắc Kinh hiện sở hữu lợi thế gấp 3 lần trong việc đóng tàu.

Nhà kinh tế Noah Smith ước tính rằng: “Mặc dù Nga không thể sản xuất đủ nhu cầu cho xung đột kéo dài với châu Âu, nhưng Trung Quốc có thể cung cấp cho bản thân và Nga” trong cuộc chiến với phương Tây.

Trung Quốc đang chi lớn cho việc hiện đại hóa quân đội của mình.

Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã yếu đi trong những năm qua. Số lượng các nhà cung ứng quốc phòng đã giảm mạnh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khiến Lầu Năm Góc khó lòng mở rộng sản xuất một cách nhanh chóng.

Ông Mark Cancian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế viết: “Nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ được thiết kế cho thời bình, chứ không phải sản xuất hàng loạt trong thời chiến, bởi việc duy trì năng lực sản xuất dư thừa là rất tốn kém”. Kết quả là, Mỹ có thể rơi vào thế khó chỉ sau vài tháng, hay thậm chí vài tuần giao tranh.

Các quan chức Mỹ cũng đã nhận ra vấn đề. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks đã đi đầu trong nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất với những trang bị cần thiết nhất. Lục quân đang lên kế hoạch tăng gấp đôi việc sản xuất tên lửa phóng từ mặt đất và đạn pháo. Lầu Năm Góc đang muốn mua thêm tên lửa vác vai Javelin và Stinger.

Mở rộng năng lực sản xuất không phải là một vấn đề đơn giản, đặc biệt khi chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn và các thành phần quan trọng bị thiếu hụt, một phần do đại dịch COVID.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, nếu Mỹ chờ đợi thêm một thời gian nữa mới tái vũ trang, thì có lẽ đã quá muộn. Trung Quốc không hề phạm sai lầm như Mỹ. Khi Bắc Kinh đưa ra lời đe dọa, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc cũng đang hạ thủy tàu chiến với tốc độ chóng mặt.

Minh Quang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.