|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc: Mỹ đang phát đi 'những tín hiệu nguy hiểm' về Đài Loan

09:56 | 26/09/2022
Chia sẻ
Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ phát đi “những tín hiệu rất sai lầm và nguy hiểm” về vấn đề đảo Đài Loan sau cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc vào hôm 23/9.

Theo CNBC, đảo Đài Loan là trọng tâm của cuộc đối thoại “trực tiếp và thẳng thắn” giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) tại New York.

“Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định rằng chính sách "một Trung Quốc" vẫn không thay đổi, đồng thời việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là cực kỳ quan trọng”, một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ cho hay.

Trong một tuyên bố về buổi đối thoại, Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết Mỹ đã gửi đi “những tín hiệu rất sai lầm và nguy hiểm” về vấn đề đảo Đài Loan. Ông cũng cho rằng hoạt động đòi độc lập tại hòn đảo này càng mạnh thì khả năng về một giải pháp hòa bình càng thấp.

“Đảo Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và Mỹ không có quyền can thiệp vào việc [Bắc Kinh] lựa chọn biện pháp nào để giải quyết”, ông Vương nói.

Căng thẳng liên quan đến đảo Đài Loan đã tăng lên sau chuyến thăm vào tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, kéo theo cuộc tập trận lớn của quân đội Trung Quốc và tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc sẽ bảo vệ hòn đảo này.

Phát biểu của ông Biden là tuyên bố rõ ràng nhất về khả năng đưa quân đội Mỹ để bảo vệ đảo Đài Loan. Dường như Tổng thống Biden đã đi quá giới hạn của chính sách “mơ hồ chiến lược” về tình trạng hòn đảo này. Về mặt chính sách, Washington không khẳng định hay phủ nhận việc sẽ đáp trả một cuộc tấn công lên đảo Đài Loan.

 

Nhà Trắng tiếp tục nhấn mạnh rằng chính sách về đảo Đài Loan vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng tuyên bố của ông Biden đã gửi tín hiệu sai lầm tới những người tìm kiếm độc lập cho hòn đảo này.

Trong một cuộc điện đàm với ông Biden vào tháng 7, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng “Những kẻ đùa với lửa sẽ bị thiêu rụi”.

Bắc Kinh coi đảo Đài Loan như một tỉnh và từ lâu đã hứa sẽ kiểm soát lại lãnh thổ này đồng thời không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực. Chính quyền đảo Đài Loan phản đối những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và cho rằng chỉ 23 triệu cư dân của hòn đảo này mới có quyền quyết định tương lai.

Trả lời cuộc họp giữa ông Blinken và ông Vương, cơ quan ngoại giao của đảo Đài Loan cho biết “những hành động khiêu khích gần đây” của Trung Quốc đã khiến eo biển Đài Loan trở thành trọng tâm của cuộc bàn luận. Đồng thời, cơ quan này cáo buộc Bắc Kinh đang cố “gây nhầm lẫn cho cộng đồng quốc tế bằng những luận điểm và chỉ trích đi ngược lại với hiện thực”.

Ông Antony Blinken (trái) và ông Vương Nghị tại UNGA hôm 23/9. (Ảnh: David 'Dee' Delgado/Reuters).

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc thảo luận giữa ông Blinken và ông Vương là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm “duy trì liên lạc cởi mở và đảm bảo cạnh tranh một cách có trách nhiệm”. Ngoại trưởng Blinken cũng nhấn mạnh lại sự cởi mở của Mỹ trong việc “hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu”.

Ông Blinken đồng thời cũng cảnh báo về “những tác động” nếu Trung Quốc hỗ trợ về mặt vật chất cho Nga trong xung đột Ukraine hoặc giúp Moscow né tránh trừng phạt. Các quan chức Mỹ từng cho biết  Trung Quốc chưa có những động thái hỗ trợ Nga.

Ông Blinken “nhấn mạnh rằng Mỹ, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế cần phải có nghĩa vụ chống lại ảnh hưởng của cuộc xung đột cũng như ngăn cản Nga thực hiện thêm các hành động khiêu khích”.

“Phá hủy mối quan hệ song phương”

Cuộc đối thoại của ông Blinken với ông Vương diễn ra sau cuộc gặp giữa các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm Bộ Tứ (Quad) gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Các bộ trưởng của Nhóm Bộ Tứ đã đưa ra một tuyên bố chung, đề cập đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng hoặc gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Kể từ chuyến công du của bà Pelosi "Trung Quốc đã thực hiện một số động thái khiêu khích với mục tiêu thay đổi hiện trạng", một quan chức Mỹ cho biết.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thảo luận về an ninh đảo Đài Loan trong các cuộc gặp song phương với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc trong chuyến thăm tuần tới.

Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết việc ông Blinken và ông Vương gặp nhau là rất quan trọng sau những sóng gió do chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Pelosi.

Ông Russel hy vọng rằng hai bên sẽ đạt được một số tiến bộ trong việc dàn xếp cuộc gặp gỡ giữa ông Tập và ông Biden bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào tháng 11.

“Cuộc gặp của ông Vương và ông Blinken tại New York không đảm hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ-Trung có thể gặp nhau suôn sẻ vào tháng 11. Nhưng nếu hai ngoại trưởng không đối thoại, thì triển vọng về một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh vào Hội nghị G-20 sẽ rất thấp”, ông Russel nói.

Trong một bài phát biểu trước Hiệp hội Châu Á ở New York hôm thứ 22/9, Ngoại trưởng Vương cho biết vấn đề đảo Đài Loan đang trở thành rủi ro lớn nhất giữa quan hệ Mỹ-Trung.

"Nếu vấn đề này bị xử lý sai lầm, thì rất có thể sẽ phá hủy mối quan hệ song phương [Mỹ-Trung]", ông Vương nói.

Tương tự, đạo luật phác thảo các mối quan hệ không chính thức giữa Washington với đảo Đài Loan khẳng định rằng quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1979 “dựa trên kỳ vọng rằng tương lai của đảo Đài Loan sẽ được xác định bằng các biện pháp hòa bình”. Bắc Kinh coi đạo luật này không có giá trị.

Minh Quang