Hai phi công Ukraine có mặt ở Mỹ, tham gia cuộc đánh giá liên quan tiêm kích F-16
Theo các quan chức cấp cao trong Quốc hội và Nhà Trắng, hai phi công người Ukraine đang có mặt tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở thành phố Tucson, bang Arizona để tham gia một cuộc đánh giá.
Mục đích của chương trình này là xác định quân đội Mỹ sẽ mất bao lâu để đào tạo phi công Ukraine lái các máy bay cường kích và cả tiêm kích F-16.
Các quan chức Mỹ cho biết kỹ năng của hai phi công sẽ được đánh giá dựa trên các thiết bị mô phỏng và trong tương lai sẽ có thêm phi công Ukraine tham gia.
Chia sẻ với NBC News, các quan chức thông tin thêm rằng chính phủ đã phê duyệt việc đưa thêm 10 phi công Ukraine tới Mỹ vào đầu tháng 3.
“Thông qua chương trình mới, chúng tôi có thể đánh giá khả năng của các phi công Ukraine để tư vấn tốt hơn về cách sử dụng các vũ khí mà họ đang có cũng như những gì Mỹ đã cung cấp cho họ”, một quan chức nói.
Hai quan chức khác nhấn mạnh rằng đây không phải là một chương trình huấn luyện và phi công Ukraine sẽ không lái bất kỳ máy bay chiến đấu nào trong thời gian ở Mỹ.
Họ cũng lưu ý rằng chính phủ chưa công bố thông tin mới nào về quyết định cung cấp F-16 cho Ukraine, ngoài những gì quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc chia sẻ trước Quốc hội tuần trước.
Ông Colin Kahl, vị quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, đã nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác chưa quyết định cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine.
Ông cũng cho biết Mỹ “chưa bắt đầu huấn luyện lái F-16” cho phi công Ukraine và thời hạn bàn giao loại máy bay chiến đấu này “về cơ bản” tương đương với thời gian huấn luyện là 18 tháng.
Theo NBC News, các quan chức quốc phòng khác của Mỹ cho biết khoá huấn luyện có thể được rút ngắn xuống còn 6 đến 9 tháng, tuỳ thuộc vào quá trình huấn luyện trước đó cũng như kiến thức về máy bay chiến đấu của Ukraine.
Theo giới chức Mỹ và phương Tây, các quan chức Ukraine từng cho biết họ có gần 20 phi công có thể tới Mỹ để tham gia huấn luyện lái F-16 và khoảng 30 phi công khác trong tương lai gần.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần yêu cầu Mỹ cung cấp tiêm kích F-16 cho Kiev, nhưng cho đến nay Tổng thống Joe Biden vẫn khước từ.
Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News vào tháng trước, ông Biden nói Ukraine không cần F-16 vào thời điểm này, đồng thời cho biết rằng quyết định đó là dựa trên lời khuyên của quân đội Mỹ.
“Hiện tại, tôi xin loại trừ khả năng Ukraine sẽ nhận được tiêm kích F-16 từ Mỹ”, ông Biden nhấn mạnh.
Tuần trước, Tổng thống Biden từng chia sẻ với các phóng viên rằng ông và người đồng cấp Zelensky đã thảo luận về F-16 trong chuyến thăm bất ngờ đến thủ đô Kiev vào ngày 20/2, nhưng không tiết lộ chi tiết cuộc trao đổi.
Trong lần xuất hiện trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện, ông Kahl - hiện là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết Kiev đã yêu cầu Washington cung cấp tới 128 máy bay chiến đấu, gồm F-15, F-16 và F-18.
Theo vị quan chức cấp cao, Không quân Mỹ ước tính Ukraine sẽ cần khoảng 50 - 80 chiếc F-16 để thay thế cho số máy bay chiến đấu hiện tại. Mỹ sẽ mất 3 - 6 năm để bàn giao cho Ukraine máy bay F-16 mới chế tạo hoặc 18 - 24 tháng nếu là các mẫu F-16 cũ được tân trang lại.
Chi phí để viện trợ F-16 cho Ukraine sẽ lên tới 11 tỷ USD, tuỳ thuộc vào kiểu máy bay và số lượng bàn giao.
“Việc cung cấp tiêm kích F-16 này sẽ tiêu tốn một phần lớn viện trợ an ninh còn lại [cho Ukraine] mà chúng tôi có cho năm tài khoá hiện nay”, ông Kahl lưu ý.
Hôm 5/3, Hạ nghị sĩ Michael McCaul (Đảng Cộng hoà) cho biết các quan chức quân sự Mỹ nói với ông rằng họ ủng hộ việc cung cấp F-16 cho Ukraine.
Trên đài ABC News, ông McCaul cho hay: “Tôi đã tham dự Hội nghị An ninh Munich, gặp gỡ rất nhiều quan chức quân sự cấp cao, bao gồm cả chỉ huy tối cao của các nước đồng minh”.
“Tất cả đều ủng hộ viện trợ F-16 cho Ukraine, thậm chí muốn cung cấp thêm pháo binh tầm xa để tiêu diệt máy bay không người lái Iran của bán đảo Crimea”, vị hạ nghị sĩ nói thêm.