Trung Quốc nhập hàng chục tấn uranium từ Nga, khiến Mỹ lo ngại một cuộc chạy đua hạt nhân mới
Vào tháng 12, khi các nhà ngoại giao Trung Quốc và Mỹ tổ chức một cuộc đàm phán để giảm căng thẳng quân sự, các kỹ sư Nga đã chuyển một lượng lớn nhiên liệu hạt nhân đến một hòn đảo xa xôi mang tên Trường Biểu, cách Đảo Đài Loan 220 km về phía bắc.
Trên đảo Trường Biểu, Trung Quốc đang xây dựng lò phản ứng neutron nhanh (FBR). Cơ sở hạt nhân này là một trong những nơi được theo dõi chặt chẽ nhất thế giới.
Các quan chức tình báo Mỹ dự báo khi đi vào hoạt động vào năm nay, lò phản ứng CFR-600 sẽ có thể tạo ra nhiên liệu plutonium dùng trong vũ khí, đủ sức giúp Bắc Kinh nâng số đầu đạn lên gấp 4 trong vòng 12 năm tới.
Với số lượng đầu đạn này, Trung Quốc sẽ sánh ngang với Mỹ và Nga về số vũ khí hạt nhân đang triển khai, trở thành một cường quốc hàng đầu về hạt nhân.
Ông Pavel Podvig, một nhà phân tích hạt nhân của Viện nghiên cứu giải trừ quân bị tại Liên Hợp Quốc, cho biết: “Hoàn toàn có khả năng chương trình hạt nhân này nhằm mục đích dân sự”.
“Điều khiến tôi lo lắng là Trung Quốc đã ngừng báo cáo về các kho dự trữ plutonium dân sự và plutonium đã phân tách. Đây không phải là một dấu hiệu tốt”, ông nói.
Trong tự nhiên, các loại nhiên liệu hạt nhân như uranium (U) hay plutonium (Pu) tồn tại dưới dạng hỗn hợp các đồng vị bền và đồng vị phóng xạ. Để khai thác năng lượng từ những nhiên liệu này, trước hết người ta phải làm giàu bằng cách tăng tỷ lệ đồng vị phóng xạ.
Tùy vào tỷ lệ đồng vị phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân có thể được dùng để sản xuất vũ khí, hoặc dùng cho mục đích dân sự. Theo Union of Concerned Scientists (UCS), với nhiên liệu là plutonium, để sản xuất vũ khí, tỷ lệ đồng vị Pu-240 (đồng vị không thích hợp) phải nhỏ hơn 7%. Trong khi đó, để trở thành nhiên liệu cho lò phản ứng, tỷ lệ đồng vị Pu-240 chỉ cần được giảm còn khoảng 24% trở xuống.
Plutonium được chọn làm nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân bởi nguyên tố này có thể được lấy từ phụ phẩm lò phản ứng hạt nhân sử dụng uranium.
Nga-Trung hợp lực
Nguy cơ Trung Quốc chạy đua hạt nhân nổi lên khi Mỹ và Nga ngừng hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng. Vào ngày 21/2, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố đình chỉ việc Nga tham gia thỏa thuận New START. Đến ngày 28/2, ông Putin chính thức đặt bút ký sắc lệnh.
Trong cuộc gọi ngày 30/12 năm ngoái, ông Putin đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng hợp tác quốc phòng và công nghệ quân sự “có một vị trí đặc biệt” trong quan hệ hai nước. Bà Hanna Notte, một chuyên gia kiểm soát vũ khí người Đức, nhận định: “Rõ ràng, Trung Quốc đang hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Nga”.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lần cảnh báo về tham vọng hạt nhân của Trung Quốc. Các nhà hoạch định quân sự đánh giá rằng lò phản ứng CFR-600 sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng kho đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc lên 1.500 vào năm 2035. Hiện tại Trung Quốc chỉ sở hữu khoảng 350 đầu đạn hạt nhân.
Các quan chức Lầu Năm Góc nhận định rằng việc Rosatom (Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nga) cung cấp 6.477 kg uranium cho Trung Quốc vào ngày 12/12 đang thúc đẩy một chương trình hạt nhân có thể làm xáo trộn cán cân sức mạnh quân sự châu Á.
Các chuyên gia cho biết Trung Quốc hiện sở hữu rất ít công cụ để mở rộng kho dự trữ plutonium, sau khi chương trình sản xuất của nước này bị ngừng vào những năm 1990.
Bắc Kinh đã bác bỏ quan ngại của Mỹ. Bộ Ngoại giao nước này cho biết Trung Quốc “thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân” và tự nguyện báo cáo “một phần các hoạt động hạt nhân dân sự” cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đàm Khắc Phi tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 23/2 rằng Mỹ liên tục thổi phồng “mối đe dọa hạt nhân của Trung Quốc” như một cái cớ để mở rộng kho vũ khí chiến lược của riêng mình, trong khi Trung Quốc duy trì chính sách phòng thủ, bao gồm việc không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.
Sự phản đối của Mỹ cũng không ngăn cản nổi Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc nhận nhiên liệu từ Rosatom cho lò phản ứng CFR-600, dựa trên thiết kế của Nga, vận hành bằng kim loại lỏng thay vì nước.
Từ tháng 9 đến tháng 12, dữ liệu của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho thấy Nga đã xuất khẩu 25.000 kg uranium được làm giàu ở mức cao (HEU) sang Trung Quốc để sử dụng trong lò CFR-600. Trung Quốc đã trả khoảng 384 triệu USD cho lô hàng này.
Công ty nhiên liệu TVEL của Rosatom cho biết trong một tuyên bố vào ngày 28/12: Dự án CFR-600 “sẽ trở thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên có lò phản ứng nhanh công suất cao bên ngoài nước Nga” .
HEU có tỷ lệ đồng vị phóng xạ U-235 trên 20%. Tỷ lệ này càng cao, nhiên liệu càng thích hợp để sản xuất vũ khí. Việc cấm buôn bán uranium đã làm giàu ở mức cao là một trong ba trụ cột chính của chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân từ những năm 1990.
CFR-600 là một phần trong chương trình đầy tham vọng trị giá 440 tỷ USD của Trung Quốc nhằm vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp năng lượng hạt nhân hàng đầu thế giới vào giữa thập kỷ tới.
Không giống như các lò phản ứng nước nhẹ truyền thống, CFR-600 chạy bằng sự kết hợp giữa HEU và nhiên liệu oxit hỗn hợp tạo ra sản phẩm phụ là plutonium có thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Bắc Kinh cũng đang xây dựng một nhà máy trên sa mạc tại tỉnh Cam Túc để thu plutonium từ nhiên liệu đã qua sử dụng của CFR-600. Bắc Kinh đã ngừng việc báo cáo kho dự trữ plutonium của mình cho IAEA từ năm 2017.
Ông Tong Zhao, một học giả nghiên cứu tại Chương trình Khoa học và An ninh Toàn cầu của Đại học Princeton, cho biết: “Sự bí mật ngày càng tăng và những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ chống lại việc cung cấp thông tin minh bạch đã làm dấy lên sự nghi ngờ của quốc tế”.
Bắc Kinh cởi bỏ giới hạn
Chuyên gia kiểm soát vũ khí Alexei Arbatov cho biết : “Trước đây, Trung Quốc tự giới hạn bản thân ở cái gọi là ‘sự răn đe hạt nhân tối thiểu’. Tiềm lực hạt nhân của Bắc Kinh kém hơn nhiều so với Mỹ”.
“Nhưng sau đó, rõ ràng, Trung Quốc đã quyết định sánh ngang với Mỹ (và Nga) về số lượng và chất lượng của các lực lượng hạt nhân”, ông nhận định.
Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc kể từ khi hứng hàng chục nghìn lệnh trừng phạt của phương Tây. Bắc Kinh cũng thể hiện quyết tâm không từ bỏ đối tác ngoại giao của mình, bất chấp áp lực Mỹ và các đồng minh.
Lò phản ứng CFR-600 của Trung Quốc không chịu sự giám sát bắt buộc của IAEA, khiến Lầu Năm Góc và các chuyên gia kiểm soát vũ khí phải giả định về mục đích của cơ sở này.
Ông Frank von Hippel, một nhà vật lý và cựu cố vấn Nhà Trắng hiện đang làm việc tại Đại học Princeton, cho rằng lò phản ứng CFR-600 có thể sản xuất tới 50 đầu đạn mỗi năm.
“Đối với Trung Quốc, việc có được công nghệ và nhiên liệu là rất quan trọng”, bởi không có nhiều cách để sở hữu plutonium. Nga cũng sẽ không phản đối nếu nhiên liệu này được sử dụng cho vũ khí hạt nhân, ông Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết.