Kho vũ khí hạt nhân của Nga lớn đến đâu và hệ thống 'Bàn tay chết chóc' là gì?
Hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát đi một lời cảnh báo về vũ khí hạt nhân tới phương Tây. Ông tuyên bố đã chấm dứt New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ.
Đồng thời, ông chủ Điện Kremlin còn thông báo đã đưa thêm đầu đạn hạt nhân mặt đất vào trạng thái chiến đấu cũng như cảnh báo rằng Moscow có thể sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân.
Mỹ, châu Âu và NATO đã bày tỏ lo ngại sau tuyên bố của ông Putin. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, vì có thêm nhiều vũ khí hạt nhân và ít thoả thuận kiểm soát hơn nên thế giới đang trở thành một nơi nguy hiểm hơn.
Vậy, trên thực tế, kho vũ khí hạt nhân của Nga đang có những gì, quy mô như thế nào và do ai nắm quyền chỉ huy? Dưới đây là một vài thông tin do Reuters tổng hợp:
Siêu cường quốc hạt nhân
Nga hiện là quốc gia có kho đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), tính đến cuối năm 2022, ông Putin đang kiểm soát khoảng 5.977 đầu đạn hạt nhân.
Khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân của Nga không còn được sử dụng (nhưng có thể vẫn còn nguyên vẹn) và khoảng 2.889 đầu đạn khác nằm trong kho dự trữ.
Ước tính 1.588 đầu đạn đang được triển khai, tức là chúng đang được lắp đặt tại các căn cứ tên lửa, trên máy bay ném bom hoặc trên tàu ngầm và đang trong tình trạng sẵn sàng cao.
Theo tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists (BAS), khoảng 812 đầu đạn đang được triển khai trên các tên lửa đạn đạo đối đất, 576 đầu đạn được đặt trên tàu ngầm và 200 đầu đạn đặt tại các căn cứ có máy bay ném bom hạng nặng.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ có khoảng 5.428 đầu đạn hạt nhân và đang triển khai khoảng 1.644 đầu đạn. Trung Quốc có tổng cộng 350, Pháp có 290 và Anh có 225 đầu đạn, theo FAS.
Sở hữu số lượng đầu đạn lớn như vậy, cả Moscow và Washington đều có thể huỷ diệt thế giới nhiều lần nếu triển khai toàn bộ kho vũ khí hạt nhân.
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô có nhiều nhất khoảng 40.000 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có cao nhất là khoảng 30.000.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để các nước, khi cần, có thể triển khai vũ khí hạt nhân, từ tên lửa, tàu ngầm cho đến máy bay ném bom mang đầu đạn.
Nga được cho là đang có khoảng 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được trang bị bệ phóng đầu đạn hạt nhân. BAS ước tính các hệ thống này có thể mang tới 1.185 đầu đạn.
Trong khi đó, Nga hiện vận hành khoảng 10 tàu ngầm có thể mang tối đa 800 đầu đạn, và có khoảng 60 đến 70 máy bay ném bom hạt nhân.
Kho vũ khí tân tiến hơn
Trong báo cáo năm 2022, Mỹ cho biết Nga và Trung Quốc đang mở rộng cũng như hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân của mình.
Đồng thời, Mỹ cho biết nước này sẽ theo đuổi hướng tiếp cận dựa trên các biện pháp kiểm soát vũ khí để ngăn chặn các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói ông có thông tin rằng Mỹ đang phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, chỉ một vài quốc gia đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân, theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí. Các nước này là Mỹ lần cuối vào năm 1992, Trung Quốc và Pháp lần cuối vào năm 1996, Ấn Độ và Pakistan vào năm 1998 và Triều Tiên lần cuối vào năm 2017.
Liên Xô thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần cuối vào năm 1990.
Ai có quyền triển khai vũ khí hạt nhân của Nga?
Tổng thống Nga là người ra quyết định cuối cùng về việc triển khai vũ khí hạt nhân, bao gồm vũ khí chiến lược và phi chiến lược.
Chiếc cặp hạt nhân, hay “Cheget”, luôn ở bên Tổng thống Nga. Chiếc cặp này được đặt tên theo núi Cheget ở dãy Kavkaz.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, hiện là ông Sergei Shoigu, và Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, hiện là Đại tướng Valery Gerasimov, cũng được cho là sở hữu những chiếc cặp như vậy.
Về cơ bản, cặp hạt nhân là một công cụ liên lạc giữa Tổng thống Nga và các tướng hàng đầu trong quân đội.
Từ đó, Tổng thống Nga sẽ kết nối được với các lực lượng tên lửa thông qua mạng lưới chỉ huy và kiểm soát điện tử cực kỳ bí mật có tên “Kazbek”. Kazbek sẽ hỗ trợ một hệ thống khác được gọi là “Kavkaz”.
Đoạn video do kênh truyền hình Zvezda của Nga chiếu vào năm 2019 cho thấy chiếc cặp có một vài nút bấm. Trong phần “lệnh” có hai nút: nút “khởi động” màu trắng và nút “huỷ” màu đỏ. Theo Zvezda, chiếc cặp được kích hoạt bằng một thẻ flashcard đặc biệt.
Nếu Nga cho rằng họ đang phải đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân chiến lược, Tổng thống Putin, thông qua cặp Cheget, sẽ gửi lệnh phóng trực tiếp tới bộ tổng tham mưu và các đơn vị chỉ huy dự bị nắm giữ mã hạt nhân.
Mệnh lệnh sẽ nhanh chóng được chuyển xuống các hệ thống thông tin liên lạc khác nhau, tới các đơn vị lực lượng tên lửa chiến lược, sau đó bắn đầu đạn hạt nhân vào Mỹ và châu Âu.
Nếu Nga đã xác nhận rằng có một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào nước này, ông Putin có thể kích hoạt hệ thống “Bàn tay chết chóc” hay “Perimeter” - nỗi khiếp sợ của nhiều quốc gia phương Tây.
Perimeter có khả năng tiến hành một cuộc tấn công trả đũa tự động, ngay cả khi giới lãnh đạo cấp cao của đất nước thiệt mạng toàn bộ.