Tổng thống Nga tuyên bố chấm dứt hiệp ước hạt nhân cuối cùng với Mỹ, răn đe phương Tây
Chiều 21/2 theo giờ Việt Nam (tức sáng cùng ngày theo giờ Nga), Tổng thống Vladimir Putin đã có bài phát biểu trước Quốc hội Nga và nhân dân cả nước. Nội dung xuyên suốt mà ông Putin đề cập là các cáo buộc nhằm vào phương Tây và khẳng định sức mạnh của Nga.
“Giới thượng lưu ở phương Tây không thèm che giấu mục đích của mình, nhưng họ cũng phải nhận ra rằng việc đánh bại nước Nga trên chiến trường là không thể”, ông Putin tuyên bố hùng hồn.
Tổng thống Nga còn cảnh báo Mỹ đang thổi bùng cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay thành một cuộc chiến tranh toàn cầu, đồng thời ông tuyên bố dừng tham gia Hiệp ước New START về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng còn sót lại giữa Washington và Moscow.
“Hôm nay tôi buộc phải thông báo rằng nước Nga sẽ dừng tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược”, ông Putin phát biểu ngày 21/2.
Hiệp ước này được ký vào năm 2010 giữa Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama và Tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev.
Ông Obama hiện đã mãn nhiệm và không còn giữ vị trí gì trong chính phủ Mỹ, còn ông Medvedev đang là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga – vị trí chỉ sau Tổng thống Putin. Thỏa thuận này đến năm 2026 mới hết hiệu lực.
Ông Putin tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng rằng một số người ở Washington đang nghĩ đến việc nối lại các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Bộ Quốc phòng Nga và lực lượng hạt nhân do vậy cũng cần phải sẵn sàng để thử nghiệm đầu đạn hạt nhân nếu cần thiết, ông Putin nói. Cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân cuối cùng trên thế giới được thực hiện vào tháng 9/1992.
“Tất nhiên chúng ta sẽ không làm trước. Nhưng nếu Mỹ tiến hành thử nghiệm thì chúng ta cũng sẽ làm. Không ai được phép có những ảo tưởng nguy hiểm rằng sự cân bằng chiến lược toàn cầu có thể bị phá vỡ,” Tổng thống Nga nói ngày 21/2/2023.
“Một tuần trước, tôi đã ký sắc lệnh đưa thêm các hệ thống vũ khí mặt đất chiến lược vào trạng thái chiến đấu? Liệu bọn họ có định nhúng mũi cả vào các hệ thống đó hay sao?”
Theo Reuters, hiện chưa rõ Nga đã đưa hệ thống vũ khí chiến lược nào vào trạng thái chiến đấu. Ông Putin nói rằng Ukraine từng tìm cách tấn công vào một cơ sở quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, nơi có các máy bay ném bom hạt nhân.
Nga và Mỹ hiện là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, bỏ xa các quốc gia còn lại. Chỉ riêng hai nước này đã nắm giữ 90% tổng số đầu đạn hạt nhân trên khắp hành tinh.
Theo Reuters, ông Putin đang cảnh báo rằng nếu phương Tây không lùi bước khỏi cuộc xung đột ở Ukraine, ông có thể phá bỏ cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân hiện có, bao gồm thỏa thuận giữa Nga và Mỹ về dừng thử nghiệm đầu đạn hạt nhân.
Ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, đến thăm Moscow ngày 21/2. Trung Quốc cũng cảnh báo cả hai bên không được leo thang hạt nhân vì cuộc xung đột Ukraine.
Trong gần một năm giao tranh từ 24/2/2022 đến nay, quân đội Nga tại Ukraine đã ba lần bị phản công và hiện chỉ chiếm được một số thị trấn nhỏ, không kiểm soát thêm thành phố lớn nào của Ukraine.
Tổng thống Putin cáo buộc liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO do Mỹ dẫn đầu đang thổi bùng lên ngọn lửa xung đột ở Ukraine vì niềm tin mù quáng rằng phương Tây có thể đánh bại Nga trong một cuộc chiến toàn cầu.
“Bọn chúng muốn biến một cuộc xung đột cục bộ thành một giai đoạn của quá trình đối đầu toàn thế giới. Chúng ta hiểu chính xác âm mưu này và chúng ta sẽ có hành động hợp lý, vì trong trường hợp này chúng ta đang phải tính đến sự tồn vong của đất nước," ông Putin nói.