|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Động thái mới của hai Tổng thống Putin - Biden, báo hiệu một cuộc đối đầu ngày càng trực diện

11:43 | 21/02/2023
Chia sẻ
Tổng thống Vladimir Putin và Joe Biden sẽ cùng có bài phát biểu trong ngày 21/2, đánh dấu một năm cuộc xung đột Ukraine. Động thái này báo hiệu cuộc đối đầu ngày càng trực diện giữa hai nhà lãnh đạo cũng như giữa hai đất nước Nga và Mỹ.

Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 21/2. (Ảnh: Daniel Berehulak/The New York Times).

Theo New York Times (NYT), chuyến viếng thăm bất ngờ của Tổng thống Biden tới Kiev vừa để ủng hộ tinh thần của người Ukraine, nhưng cũng như một lời thách thức tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Cuộc chinh phạt của ông Putin đang thất bại”, ông Biden tuyên bố từ Phủ Tổng thống Ukraine. “Một năm sau, Kiev vẫn trụ vững, và Ukraine vẫn trụ vững. Nền dân chủ vẫn trụ vững”.

Xung đột Ukraine sẽ quyết định xem liệu trật tự thế giới được phương Tây xây dựng sẽ tiếp tục tồn tại trước những thách thức từ Moscow và Bắc Kinh hay không.

Ngoài ra, xung đột Ukraine cũng là cuộc tranh đấu giữa hai chiến binh già, một người là ông Putin năm nay 70 tuổi, người kia là ông Biden vừa bước qua tuổi 80. Vào ngày 21/2, thế giới quan trái ngược giữa hai nhà lãnh đạo trên sẽ trở nên rõ ràng.

Tổng thống Nga và Mỹ sẽ cùng có bài phát biểu cách nhau chỉ vài giờ và khoảng 1.200 km. Một ở Moscow, người kia ở Warsaw, Ba Lan, dự kiến sẽ cùng cam kết chiến đấu cho đến khi bên kia rút lui.

Hai bài phát biểu

Vào lúc 16h (giờ Việt Nam) ngày 21/2, ông Putin sẽ có bài phát biểu đánh dấu tròn một năm cuộc xung đột. Theo ước tính của phương Tây, tổng thương vong của Nga là 200.000 người, trong đó có 60.000 binh sĩ thiệt mạng. Theo thống kê chính thức của Moscow, trong 7 tháng đầu xung đột (từ 24/2 đến 24/9), có gần 6.000 binh sĩ Nga thiệt mạng.

Theo NYT, ông Putin sẽ lại khẳng định rằng Moscow đang cứu Ukraine khỏi “chủ nghĩa Phát-xít”, cũng như cứu Nga khỏi NATO. Dựa vào những bài phát biểu trong quá khứ, ông Putin sẽ sử dụng cơ hội này để mô tả cuộc xung đột như một phần trong cuộc chiến nhằm khôi phục những vùng đất lịch sử của Nga.

Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng ông Putin sớm động viên thêm hàng trăm nghìn người vào quân đội. Hồi tháng 9, Tổng thống Nga đã tuyên bố lệnh động viên 300.000 binh sĩ.

Vài giờ sau đó, từ Lâu đài Hoàng gia tại Warsaw, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ có bài phát biểu của riêng mình. Ông Biden đã tới Kiev vào ngày 20/2 trong 6 tiếng đồng hồ ngắn ngủi. 

Nhà Trắng đã thông báo với Điện Kremlin về việc ông Biden chuẩn bị tới Kiev. Theo ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, động thái này không mang tính chất ngoại giao, mà nhằm mục đích “giảm xung đột”.

Liệu ông Biden có tìm ra lối thoát

NYT cho rằng căng thẳng giữa ông Biden và ông Putin là cuộc đối đầu mang tính chất cá nhân nhất kể từ thời Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Tổng Bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev. Ngay cả trong những khoảng khắc đen tối nhất của cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962, cả hai nhà lãnh đạo vẫn trao đổi thư từ, và cuối cùng tìm ra một lối thoát. 

21 tháng trước, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã gặp mặt trực tiếp lần cuối cùng tại Geneva. Ông Putin ca ngợi phong cách và kinh nghiệm của ông Biden, còn Tổng thống Biden gọi Mỹ và Nga là “hai cường quốc”. Cả hai đạt được một số thành công, chẳng hạn như thiết lập đường dây đối thoại, giảm các cuộc tấn công mạng và kế hoạch kiểm soát vũ khí trong tương lai.

Hai nhà lãnh đạo đối thoại trực tuyến thêm hai lần nữa. Trong lần cuối cùng vào ngày 12/2/2022, ông Biden đã cảnh cáo rằng Nga sẽ “trả giá đắt và nhanh chóng” nếu tấn công Ukraine. Kể từ đó đến nay, hai nhà lãnh đạo chưa từng nói chuyện thêm.

Ông Biden và Zelensky tại thủ đô Kiev hôm 21/2. (Ảnh: Daniel Berehulak/The New York Times).

Vào tuần trước, trong Hội nghị An ninh Munich, Phó Thủ tướng Mỹ Kamala Harris đã cáo buộc Nga “phạm tội ác chống lại loài người”, còn Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron cảnh báo phương Tây phải chuẩn bị cho “xung đột kéo dài”.

Tại hội nghị này, đã có nhiều cuộc thảo luận về cách sản xuất đạn pháo 155 mm và tìm kiếm thêm xe tăng Leopard 2 để gửi tới Ukraine hơn là các giải pháp ngoại giao.

Ông Richard Fontaine, Giám đốc Trung tâm vì Nền an ninh Mới của Mỹ (CNAS) cho rằng viện trợ quân sự của phương Tây tới Ukraine sẽ không thể duy trì ở mức độ như hiện nay, đồng nghĩa “trong cuộc chiến dài hơi, Nga đang nắm cửa trên”.

Bất chấp chuyến thăm bất ngờ, Kiev vẫn cho rằng Washington chưa hành động đủ nhanh. Ông Biden vẫn lo ngại rằng tên lửa tầm xa và máy bay F-16 sẽ kích động một cuộc chiến trực tiếp hơn với Nga. 

Nga chiến đấu đến khi giành thắng lợi

Không rõ liệu chuyến thăm của ông Biden sẽ ảnh hưởng gì tới bài phát biểu của ông Putin. Bài phát biểu này sẽ là Thông điệp Liên bang lần đầu tiên của ông kể từ năm 2021. 

Bài phát biểu năm nay được kỳ vọng sẽ bao gồm những lời cáo buộc rằng Mỹ đang lợi dụng Ukraine để tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga. 

Ông Putin phát biểu Thông điệp Liên bang năm 2021. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Nga).

Ông Konstantin Malofeyev, một doanh nhân Nga ủng hộ chiến dịch quân sự, cho rằng ông Putin sẽ không sử dụng bài phát biểu để hạ nhiệt căng thẳng với phương Tây. Thay vào đó, Nga sẽ tiếp tục đấu tranh, cho tới khi giành được thắng lợi bởi “[ông Putin] hiểu rằng nước Nga giờ đây không còn lựa chọn nào khác”.

Truyền thông Nga sử dụng chuyến thăm của ông Biden tới Kiev để khẳng định cho quan điểm của ông Putin rằng Mỹ đang đứng sau cuộc xung đột Ukraine. 

Bà Tatiana Stanovaya, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng bài phát biểu của ông Putin vốn đã được kỳ vọng là rất diều hâu, "và các chính sửa bổ sung có thể khiến [bài phát biểu] trở nên cứng rắn hơn nữa".

Minh Quang