|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

[PhotoStory] Nhìn lại một năm chiến sự tại Ukraine

08:28 | 20/02/2023
Chia sẻ
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm thứ hai. Cho đến nay, kết cục vẫn chưa ngã ngũ, nhưng thiệt hại với cả hai bên là vô cùng lớn.

Một năm đã sắp sửa trôi qua kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại nước láng giềng Ukraine. Thời điểm đó, cả Moscow và các chuyên gia quân sự đều dự đoán rằng cuộc chiến sẽ kết thúc trong thời gian ngắn.

Song, quân đội Ukraine đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi có thể cầm cự trước cuộc tấn công của Nga và sau đó triển khai một loạt các cuộc phản công, phá huỷ vũ khí, cản đường tiếp tế và làm tiêu hao nhân lực của Moscow.

Hồi đầu tháng 2 năm nay, các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu ước tính số binh lính thương vong của Nga và Ukraine cho đến nay lần lượt là khoảng 180.000 và 100.000 người. Phía Washington còn cho rằng số binh sĩ Nga thiệt mạng và bị thương ở Ukraine "đang tiến sát mốc 200.000".

Nga được cho là đã mất hơn 650 xe tăng và khoảng 3.000 xe bọc thép cùng nhiều thiết bị hạng nặng khác trong cuộc chiến. Trong khi đó, theo nền tảng Oryx, Ukraine đã mất ít nhất 400 xe tăng, cùng nhiều vũ khí khác.

Ngay thời điểm hiện tại, chiến tuyến đã căng thẳng trở lại. Các lực lượng của Moscow, được củng cố bằng cuộc huy động quân lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, đã thay đổi chiến thuật.

Giờ đây, Nga đang đánh cược vào một cuộc chiến tiêu hao ở khu vực Donbass nhằm tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc sau nhiều tháng dậm chân tại chỗ và lộ nhiều thiếu sót tại Ukraine, Reuters viết.

Chiến sự khốc liệt đã tàn phá Ukraine. Nhiều thành phố và thị trấn đã bị san phẳng bởi các cuộc pháo kích và tấn công bằng tên lửa. Hàng chục nghìn dân thường đã thiệt mạng hoặc bị thương.

Khoảng 8 triệu người Ukraine, chiếm khoảng 20% dân số trước chiến sự, đã tháo chạy ra nước ngoài để tìm kiếm sự an toàn. Hàng triệu người khác cũng đang di tản trên khắp cả nước.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào những thành phố lớn của Ukraine còn đồng nghĩa với việc thủ đô Kiev thường xuyên chìm trong bóng tối, hệ thống tàu điện ngầm trong khu vực trở thành hầm tránh bom.

Những cánh đồng từng là “vựa lúa mì của châu Âu” giờ khô héo, hằn vết hố pháo và xe tăng, Reuters mô tả. Các quan chức chính phủ và nhà hoạch định chính sách phải ra sức chèo chống nền kinh tế Ukraine từ hầm tránh bom.

Ở diễn biến khác, kể từ khi Moscow động binh, Mỹ, Liên minh châu Âu và các đồng minh đã tung ra nhiều đợt trừng phạt nhằm vào hệ thống tài chính, ngân hàng trung ương và xuất khẩu dầu mỏ cùng nhiều hàng hoá công nghiệp của Nga.

Doanh thu tài khoá của Nga đang bắt đầu bị ảnh hưởng. Theo nhận định của giới chức phương Tây, các biện pháp trừng phạt sẽ không gây thiệt hại lớn ngay tức thì, mà sẽ siết chặt nền kinh tế Nga trong trung và dài hạn.

Cùng lúc, nhiều công ty nước ngoài, bao gồm chuỗi đồ ăn nhanh McDonald’s, đã tự nguyện rút khỏi thị trường Nga để phản đối cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin.

Bên dưới là một số hình ảnh mà Reuters đã ghi lại được kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2/2022.

Xe tăng Nga trên đường tiến vào Ukraine sau khi Tổng thống Vladimir Putin hạ lệnh tấn công, ngày 24/2/2022. Chữ Z xuất hiện trên nhiều xe tăng và xe tải quân sự của Nga. Z có thể là ký tự đầu của cụm từ "Za pobedy" (tạm dịch: cho chiến thắng) hoặc "Zapad" (tạm dịch: hướng Tây). (Ảnh: Maximilian Clarke).

Quân nhân của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine bảo vệ trung tâm Kiev khi các lực lượng của Nga tiến về thủ đô, ngày 25/2/2022. (Ảnh: Reuters).

Một dân thường Ukraine tập ném bom xăng để bảo vệ quê nhà, khi quân Nga tiếp tục đánh chiếm thành phố Zhytomyr, ngày 1/3. (Ảnh: Reuters). 

Một cô gái tên Olga ôm tạm biệt bạn trai Vlodomyr tại nhà ga xe lửa ở Lviv, trước khi anh được điều động ra tiền tuyến, ngày 9/3. (Ảnh: Reuters).

Tượng đài của Duke de Richelieu, người sáng lập thành phố cảng Odessa, được bọc bằng gần trăm bao cát để đề phòng trường hợp bị phá huỷ trong các cuộc pháo kích của Nga, ngày 10/3. (Ảnh: Reuters).

Các cuộc tấn công của Nga đã phá huỷ một cây cầu ở Irpin, cản đường tháo chạy của cư dân Ukraine, ngày 3/8. Kể từ khi Nga động binh, cảnh tượng nhà cửa, đường xá đổ nát và chìm trong khói lửa này đã xuất hiện khắp nơi tại Ukraine. (Ảnh: AP).

Đoàn xe bọc thép của quân đội thân Nga đang trên đường đến thành phố cảng Mariupol của Ukraine, ngày 28/3. Nếu Nga chiếm được Mariupol, diễn biến này không chỉ có ý nghĩa về mặt chiến lược, kinh tế mà còn có tác dụng như một liều thuốc tinh thần giúp vực dậy sĩ khí của binh lính Nga sau nhiều tuần bế tắc. Ban đầu, Moscow tin rằng quân đội nước này sẽ đánh nhanh thắng nhanh tại Ukraine. (Ảnh: Reuters). 

 

Một quân nhân Ukraine đi ngang qua xác máy bay chở hàng Antonov An-225 Mriya, chiếc máy bay lớn nhất thế giới, ngày 3/4. Antonov An-225 Mriya bị phá huỷ trong một cuộc tấn công của Nga tại sân bay quân sự ở Hostomel gần Kiev. (Ảnh: Reuters). 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm các lực lượng vũ trang gần chiến tuyến với phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbass, ngày 9/4. Thông qua các cuộc gọi trực tuyến tới Quốc hội Mỹ và các nước châu Âu, ông Zelensky đã nhiều lần kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ để Ukraine đẩy lùi quân Nga. Ảnh: Reuters). 

Nhiều ngôi mộ mới được chuẩn bị để an táng những người thiệt mạng trong cuộc tấn công của Nga, tại một nghĩa trang ở Irpin gần thủ đô Kiev, ngày 18/4. (Ảnh: Reuters).

Thành phố Irpin trở thành đống đổ nát sau nhiều tuần giao tranh ác liệt giữa các lực lượng Nga và Ukraine, ngày 2/5. (Ảnh: New York Times). 

Các quân nhân Ukraine bắn đạn từ khẩu lựu pháo M777 do Mỹ viện trợ tại chiến tuyến ở vùng Kharkiv, ngày 28/7. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến ngày 6/1/2023, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cam kết viện trợ cho Ukraine tổng cộng 24,9 tỷ USD. (Ảnh: Reuters).

Một đơn vị pháo binh thuộc Lữ đoàn 58 của Ukraine gần thị trấn Bakhmut bắn đạn tấn công một đơn vị bộ binh Nga đang tiến về phía thị trấn Pokrovske, ngày 10/8. Trong khi quân đội Nga rơi vào bế tắc trên chiến trường, binh lính Ukraine, nhờ vũ khí do phương Tây hỗ trợ, đã đẩy mạnh phản công. (Ảnh: New York Times).

Tại một sự kiện ngày 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh "động viên một phần", triệu tập thêm 300.000 quân. Lệnh động viện này được áp dụng với lực lượng dự bị, chủ yếu là quân nhân đã giải ngũ, có chuyên môn và kinh nghiệm quân sự nhất định. (Ảnh: Getty Images).

Trung tâm thủ đô Kiev chìm trong bóng tôi sau khi cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng bị tên lửa Nga tấn công, ngày 24/10. Theo các nhà phân tích, mục đích của Moscow là phá huỷ các hạ tầng năng lượng quan trọng, đẩy cuộc sống của người dân Ukraine vào cảnh khó khăn nhằm gián tiếp gây sức ép lên chính quyền Kiev. (Ảnh: Reuters).

Một máy bay chiến đấu của Nga bay phía trên một tuyến đường sắt bốc cháy sau vụ pháo kích ở thị trấn Shakhtarsk gần Donetsk, ngày 27/10. Lúc này, Nga và Ukraine đang bước vào giai đoạn thế giằng co tại các chiến trường quan trọng. (Ảnh: Reuters).

Binh sĩ Ukraine đứng gác tại Soledar, gần Bakhmut, ngày 11/1/2023. Đến ngày 13/1, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các lực lượng của họ đã chiếm được Soledar, song phía Ukraine phủ nhận. (Ảnh: AP).

Ngày 11/1, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trangValery Gerasimov (bên phải) sẽ trở thành chỉ huy mới phụ trách chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đại tướng Sergei Surovikin, chỉ huy của lực lượng Nga tại Ukraine trong ba tháng trước đó, sẽ trở thành cấp phó của ông Gerasimov. Từ đầu chiến dịch đến nay, đây đã là lần thay chỉ huy thứ hai của phía Nga. (Ảnh: AFP).

Khả Nhân