Tổng thống Mỹ tuyên bố không gửi máy bay F-16 cho Ukraine
Theo CNN, vào ngày 30/1, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ông sẽ không gửi máy bay chiến đấu của Mỹ đến Ukraine.
Washington đang tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, bằng cả pháo binh lẫn xe tăng chủ lực hiện đại. Khi được phóng viên hỏi ông có gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine hay không, Tổng thống Biden đáp: “Không”.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã yêu cầu máy bay chiến đấu của phương Tây để giúp Ukraine duy trì cuộc chiến. Trong khi đó, ông Biden liên tục khẳng định rằng Washington sẽ không chuyển giao máy bay.
- TIN LIÊN QUAN
-
Sau xe tăng chủ lực, Ukraine nhắm tới máy bay chiến đấu từ phương Tây 27/01/2023 - 09:03
Vào tuần trước, Mỹ đã thay đổi lập trường khi quyết định gửi 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine. Các quan chức Mỹ từng nói rằng xe tăng M1 không phù hợp với điều kiện của Ukraine.
Các nhà lãnh đạo Ukraine đã liên tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với CNN: “Tôi đã gửi một danh sách điều ước cho ông già Noel vào năm ngoái, và máy bay chiến đấu cũng nằm trong danh sách này”.
Hôm 27/1, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby thừa nhận rằng phía Kiev đã yêu cầu viện trợ máy bay chiến đấu. “
“Chúng tôi liên tục nói chuyện với người Ukraine về nhu cầu của họ và muốn đảm bảo rằng chúng tôi đang cố gắng hết sức để đáp ứng – và nếu Mỹ không có khả năng, thì một số đồng minh và đối tác của chúng tôi có thể”, ông Kirby nói.
Phát biểu tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng, Tổng thống Biden cũng tuyên bố không chắc liệu ông có tới thăm châu Âu vào tháng tới nhân lễ kỷ niệm xung đột Ukraine tròn một năm hay không. Ông Biden tiết lộ dự định tới thăm Ba Lan, nhưng không khẳng định chắc chắn là khi nào.
Pháp, Ba Lan, Hà Lan xem xét
Theo RT, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ý tưởng gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine không bị "loại trừ".
Khi được hỏi về khả năng chuyển giao máy bay chiến đấu cho quân đội Kiev, ông Macron nói với các phóng viên rằng “về nguyên tắc không có gì bị loại trừ”, theo hãng tin AFP của Pháp. Tổng thống Pháp nói thêm rằng Kiev sẽ bị cấm sử dụng máy bay phản lực của Pháp để tấn công lãnh thổ Nga.
Pháp là thành viên NATO, nhưng với nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, quốc gia này tự sản xuất xe tăng và máy bay chiến đấu, chứ không phụ thuộc vào Mỹ hay EU. Máy bay chiến đấu chủ yếu trong lực lượng không quân Pháp hiện nay là Dassault Rafale.
Ông Macron đưa ra phát biểu trên sau cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ông Rutte đã tuyên bố với các phóng viên rằng chính phủ Hà Lan thấy “không có gì cấm kỵ” xung quanh việc gửi máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất tới Ukraine, nhưng thừa nhận động thái trên sẽ là một “bước tiến lớn”.
Anh đã bác bỏ ý tưởng chuyển giao máy bay chiến đấu Typhoon cho Ukraine, cho rằng quyết định này “quá leo thang”.
Trong khi đó, Ba Lan sẵn sàng chuyển giao những chiếc F-16 của mình nếu các thành viên NATO khác làm theo. Đức đã tuyên bố rằng việc viện trợ những chiếc Tornado là “không thể xảy ra”.