|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phương Tây lo sợ thời gian đứng về phía Nga trong xung đột Ukraine

14:55 | 30/01/2023
Chia sẻ
Ukraine đang có nhu cầu khẩn cấp đối với các loại vũ khí hạng nặng mới giữa bối cảnh Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến lâu dài.

Các pháo thủ Ukraine chiến đấu gần Bakhmut. (Ảnh: WSJ)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 29/1 cho biết Ukraine cần vũ khí mới và công tác chuyển giao nhanh hơn để đối phó với tình huống rất khó khăn trước các cuộc tấn công liên tục của lực lượng Nga ở khu vực phía đông Donetsk.

Ông nói: "Nga muốn chiến tranh kéo dài và làm kiệt quệ lực lượng của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi cần các loại vũ khí mới."

Phát biểu của ông Zelenskiy được đưa ra sau khi ngày 25/1, Mỹ thông báo kế hoạch gửi 31 xe tăng M1A1 Abrams tới Ukraine. Chính phủ Đức cũng đồng ý viện trợ hai tiểu đoàn xe tăng Leopard 2, trước mắt gửi sớm 14 chiếc và dần dần cung cấp số xe tăng còn lại. Ngoài ra, Đức cũng cho phép các nước mua xe tăng Đức cung cấp lại cho Ukraine.

Đám tang người lính Ukraine ở thành phố Lviv. (Ảnh: WSJ) 

Mối lo của phương Tây

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), lý do khiến phương Tây tăng mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine gần đây là nỗi lo thời gian có thể đứng về phía Nga.

Mối lo ngại trên cho thấy cơ hội dành cho Ukraine không phải là vô thời hạn và nước này cần những vũ khí hạng nặng của phương Tây như xe tăng chủ lực, các phương tiện bọc thép khác cũng như nhiều hệ thống phòng không trong thời gian sớm nhất để củng cố động lực mà Ukraine đạt được trong các cuộc tấn công thành công xung quanh Kiev, Kharkiv và Kherson hồi năm ngoái.

Bối cảnh trên trái ngược với mùa xuân năm 2022 khi quân đội Nga đang rút lui khỏi Kiev. Vào thời điểm đó, các chính phủ phương Tây đã hy vọng cuộc chiến càng kéo dài, Ukraine càng có nhiều khả năng thắng thế.

Các quan chức phương Tây từng cho rằng nếu châu Âu và Mỹ giữ vững tinh thần đoàn kết sau một mùa đông khó khăn, các vấn đề kinh tế và sự thất bại về quân sự cùng với lệnh trừng phạt sẽ buộc Nga phải tìm cách thoát khỏi cuộc xung đột hoặc đưa ra giải pháp hòa bình.

Tuy nhiên, khi xung đột Nga-Ukraine sắp tròn một năm, niềm tin của phương Tây đã phai nhạt. Thay vào đó, một số quốc gia đang lo ngại Điện Kremlin sẵn sàng tiếp tục cung cấp nhân lực và vật lực cho cuộc chiến. Điều này có thể giúp Nga giành lợi thế trong cuộc xung đột kéo dài.

Do đó, phương Tây đã lên phương án khả thi hơn là cung cấp cho Ukraine những vũ khí tiên tiến hạng nặng để giúp nước này thay đổi cục diện và áp đảo khả năng chiến đấu của Nga.

Chiến lược trên được đưa ra khi quân đội Nga đã chịu tổn thất nặng nề về cả nhân lực lẫn trang thiết bị và có những dấu hiệu cho thấy Moscow thiếu các thiết bị quân sự quan trọng, trong đó có tên lửa dẫn đường.

Pháo binh Nga bị phá hủy trên một cánh đồng ở khu vực Kharkiv.(Ảnh: WSJ) 

Phương Tây đổi chiến lược

Sự thay đổi quan điểm của phương Tây về sự cần thiết đẩy nhanh cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine là một bước ngoặt lớn.

Vài tháng trước, khi Ukraine thành công trong một cuộc phản công, giành lại nhiều vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng, các quan chức phương Tây đã tin tưởng rằng Kiev đang đạt được những thành tựu cần thiết để ngăn chặn bước tiến của Nga.

Song, với mối lo thời gian không đứng về Ukraine, phương Tây đã chọn phương án mới. Sự thay đổi chiến lược của phương Tây đã thể hiện công khai trong những ngày gần đây khi Mỹ, Anh và Đức quyết định gửi xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây sản xuất tới Ukraine.

Cùng với các phương tiện bọc thép và hệ thống phòng không khác, những vũ khí mới được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine không chỉ đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga mà còn cung cấp phương tiện để Kiev tiến sâu hơn vào lãnh thổ do Nga nắm giữ và tạo cho Ukraine một vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán.

Các quan chức Anh đã đưa ra bình luận công khai rằng mối đe dọa từ Nga có thể gia tăng theo thời gian và cần khẩn trương cung cấp cho Ukraine loại thiết bị có thể giúp nước này giành lợi thế.

Hoan nghênh thông báo của Đức và Mỹ về việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine, Thủ tướng Anh Rishi Sunak viết trên Twitter mới đây rằng: “Chúng ta có cơ hội đẩy nhanh nỗ lực nhằm đảm bảo hòa bình lâu dài cho người dân Ukraine. Chúng ta hãy tiếp tục.”

Ông Gabrielius Landsbergis, Ngoại trưởng Lithuania, nói: "Nga vẫn là một quốc gia khổng lồ, có nguồn nhân lực lớn hơn nhiều Ukraine và có khả năng sản xuất các loại vũ khí không cần đến linh kiện phương Tây. Chúng ta càng cho Nga nhiều thời gian, Nga sẽ càng đẩy nhiều binh lính sang Ukraine".

Bên cạnh đó, còn có một yếu tố khác thúc đẩy phương Tây thay đổi chiến lược. Hiện tại, châu Âu và Mỹ vẫn kiên định lập trường ủng hộ viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, nhưng ông Putin có thể hy vọng sự hỗ trợ này sẽ không được duy trì qua nhiều năm và qua các cuộc bầu cử làm thay đổi chính phủ tại Mỹ và các nước khác.

Binh sĩ Ukraine trú ẩn trong một tầng hầm chứa đầy vỏ đạn ở Bakhmut. (Ảnh: WSJ) 

Nga không lùi bước

Một số biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của phương Tây đối với Nga như lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và chính sách áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga cũng chỉ mới bắt đầu có hiệu lực. Nền kinh tế “xứ bạch dương” được dự đoán sẽ phải chịu một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong năm nay và sẽ bị suy giảm trong nhiều năm tới.

Dù vậy, có rất ít dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt khiến quân đội Nga phải ngừng chiến đấu hoặc gây áp lực kinh tế quá lớn lên Điện Kremlin. Thay vào đó, Nga đang tìm cách phát động một cuộc tấn công mới trong những tháng tới, với những người lính nghĩa vụ được huấn luyện tốt hơn và sẵn sàng cho những trận chiến khốc liệt.

Quân đội Ukraine đã cho thấy những bước tiến vượt mong đợi về khả năng vận hành và tích hợp nhanh chóng các thiết bị quân sự phức tạp của phương Tây. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn rằng Ukraine có thể thành công một lần nữa trong các cuộc tấn công giống như mùa thu năm ngoái.

Bên cạnh đó, phương Tây cũng không có niềm tin rằng ông Putin sẽ chấm dứt xung đột khi Ukraine không chịu khuất phục.

Bà Anna Wieslander, Giám đốc khu vực Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn của Washington, bày tỏ sự nghi ngờ về việc các đồng minh phương Tây đã dàn xếp một chiến lược rõ ràng về mở rộng quy mô cung cấp vũ khí để hỗ trợ Ukraine.

Bà nói: “Hiện nay là một giai đoạn biến đổi trong cuộc xung đột. Phản ứng từ phương Tây cho đến nay chỉ đơn thuần là chiến thuật và thiếu một tầm nhìn chung về cách cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào.”

Trà My