|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger khuyến khích phương Tây trao cơ hội để Nga tái hoà nhập hệ thống quốc tế

08:03 | 18/01/2023
Chia sẻ
Hôm 17/1, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói rằng Nga nên được trao cơ hội để tái gia nhập hệ thống quốc tế sau khi các bên đạt được một thoả thuận hoà bình tại Ukraine.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng tham gia nhiều kỳ Diễn đàn Kinh tế Thế giới trước đây. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Lộ trình cho thoả thuận hoà bình

Hôm 17/1, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thuỵ Sỹ), cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gợi ý rằng Nga nên được trao cơ hội để một ngày nào đó tái gia nhập hệ thống quốc tế.

Theo ông, cơ hội nên được trao sau khi các bên đã đạt được một thoả thuận hoà bình cho cuộc chiến tại Ukraine. Ngoài ra, ông nói thêm rằng phương Tây nên tiếp tục đối thoại với Nga.

“Điều này có vẻ rất sáo rộng đối với các quốc gia từng chịu áp lực của Nga trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh”, vị cựu ngoại trưởng phát biểu thông qua một liên kết video đến Davos, theo đưa tin của CNBC.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Nga và phương Tây nên tránh leo thang xung đột. Nếu phương Tây huỷ hoại Nga, một khu vực rộng lớn trải dài 11 múi giờ của Nga sẽ có nguy cơ xảy ra xung đột nội bộ, cựu Ngoại trưởng Kissinger cảnh báo.

Chưa kể, Nga có thể bị nước ngoài can thiệp vào thời điểm nước này có từ15.000 vũ khí hạt nhân trên khắp lãnh thổ, ông lưu ý.

“Vì vậy, đó là lý do tại sao tôi tin rằng các nước nên tiếp tục đối thoại với Nga khi cuộc chiến tại Ukraine vẫn tiếp diễn...Tôi tin rằng đây là cách để ngăn cuộc chiến leo thang”, ông bày tỏ.

Cũng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Kissinger còn gợi ý hướng đi để lập lại hoà bình trên đất Ukraine. “Một lần nữa, tôi nghĩ rằng một lệnh ngừng bắn dọc theo các chiến tuyến là kết quả hợp lý nhất cho quân đội các bên”, ông nói.

Theo đề xuất của ông Kissinger, Nga sẽ rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được của Ukraine kể từ ngày 24/2/2022. Việc rút quân sẽ không bao gồm bán đảo Crimea, nơi mà Nga đã sáp nhập vào năm 2015.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã làm rõ rằng ông muốn lấy lại Crimea, coi đây là cơ sở cho bất kỳ thoả thuận hoà bình nào trong tương lai.

Ông Kissinger chia sẻ thêm: “Mỗi bên cần tự cân nhắc xem họ có thể giải quyết mối đe doạ đối với sự sống còn của người dân, trước sức huỷ diệt của vũ khí hay không...”

Ukraine gia nhập NATO

Hồi tháng 5 năm ngoái, ông Kissinger từng bị một chính trị gia Ukraine chỉ trích khi ông đề nghị Ukraine nên nhượng lại một số vùng đất cho Nga để đạt được một thoả thuận hoà bình, theo CNBC.

Tại diễn đàn hôm 17/1, vị cựu ngoại trưởng nói Mỹ nên tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine và nếu cần thiết thì có thể tăng cường hỗ trợ cho đến khi các bên đạt được hoặc chấp nhận ngừng bắn trong các cuộc thảo luận sơ bộ.

Ông Kissinger cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với đất nước Ukraine. Ông cho rằng Ukraine đã thành công trong việc tự bảo vệ chính mình và đoàn kết với phương Tây chống lại Nga.

“Tôi muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với Tổng thống Ukraine và hành động dũng cảm của người dân Ukraine”, ông bày tỏ.

Ông cũng cho rằng Ukraine có quyền gia nhập liên minh quân sự NATO nếu nước này muốn. Ông tin rằng vào một ngày nào đó, tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ là một “kết quả thích hợp”.

Ông Kissinger là Ngoại trưởng Mỹ từ năm 1973 đến năm 1977 dưới thời hai Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford. Đồng thời, ông còn là cố vấn an ninh quốc gia từ năm 1969 đến năm 1975. Ngoài ra, cựu Ngoại trưởng Kissinger còn là chủ nhân của giải Nobel Hoà bình năm 1973.

Khả Nhân