|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cựu Tổng thống Trump cảnh báo: Mỹ gửi xe tăng tới Ukraine sẽ gây ra chiến tranh hạt nhân

15:13 | 27/01/2023
Chia sẻ

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số quan chức Nga cho rằng việc phương Tây tăng cường viện trợ các vũ khí hạng nặng cho Ukraine có thể khiến xung đột leo thang, thậm chí dẫn tới chiến tranh hạt nhân.

Ông Donald Trump phát biểu tại một nhà máy sản xuất xe tăng ở bang Ohio khi ông đang là Tổng thống Mỹ năm 2019. (Ảnh: Reuters).

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/1 cảnh báo việc Đức và Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ các xe tăng hiện đại như M1A1 Abrams và Leopard 2 cho Ukraine có thể dẫn tới việc vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng.

“Đầu tiên là xe tăng, sau đó đến hạt nhân. Hãy chấm dứt cuộc chiến tranh điên rồ này ngay. Quá dễ dàng”, ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social do ông lập ra.

Hôm 25/1, ông Konstantin Gavrilov, Trưởng phái đoàn Nga trong các cuộc đàm phán về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí ở Vienna (Áo), đã gọi việc các nước phương Tây viện trợ xe tăng và xe bọc thép cho Ukraine là “hành động khiêu khích hạt nhân” và đe dọa sẽ đáp trả thích đáng.

“Chúng tôi cảnh báo những nước phương Tây đang tài trợ cho cỗ máy quân sự của Kiev hãy dừng ngay hành động khiêu khích hạt nhân và tống tiền. Chúng tôi biết rằng xe tăng Leopard 2 và các xe chiến đấu bộ binh Bradley và Marder được trang bị đầu đạn xuyên giáp làm từ uranium”, ông Gavrilov nói.

Theo ông Gavrilov, việc sử dụng đầu đạn có chứa uranium sẽ gây ô nhiễm cho cả khu vực, tương tự như đã xảy ra ở Nam Tư và Iraq. Nếu Ukraine được phương Tây viện trợ và sử dụng loại đạn này, Moscow sẽ coi đây là “hành động sử dụng bom hạt nhân bẩn chống lại Nga và có hành động đáp trả thích đáng”.

Uranium nghèo (Depleted Uranium - DU) là loại vật liệu đặc biệt cứng và có mật độ rất cao, được Mỹ sử dụng làm đạn xuyên giáp khi tấn công xe tăng đối phương

Binh sỹ Mỹ mang một viên đạn pháo xuyên giáp chuẩn bị dùng cho xe tăng chủ lực M1 Abrams trong chiến dịch Lá chắn Sa mạc (Desert Shield) năm 1990 - 1991. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ). 

Ông Trump đã tuyên bố sẽ tái tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2024. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (2016 – 2020), ông Trump đã hai lần bị Quốc hội Mỹ luận tội.

Lần luận tội đầu tiên diễn ra hồi cuối năm 2019 xoay quanh việc ông Trump đã gây sức ép lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để điều tra Hunter Biden, con trai của ông Joe Biden, về tình nghi hối lộ và tham nhũng khi làm ăn ở Ukraine.

Joe Biden khi đó là cựu Phó Tổng thống Mỹ và đang tranh cử Tổng thống Mỹ, tức là đối thủ chính trị của ông Trump.

Tổng thống Trump lúc đó đã đóng băng khoản viện trợ quân sự đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt cho Ukraine, mục đích là ép buộc lãnh đạo đất nước Đông Âu này tìm bằng chứng gây bất lợi cho cha con nhà Biden.

Nỗ lực của ông Trump bất thành, Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ và hiện là một trong những nhà lãnh đạo phương Tây ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Ông Trump đã nhiều lần khen ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “thiên tài”, đồng thời lên tiếng phản đối việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Phương Tây ban đầu chỉ cung cấp cho Ukraine đạn pháo để dùng cho các khẩu pháo từ thời Liên Xô cũ và các vũ khí bộ binh như tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger. Sau đó, phương Tây chuyển giao cả pháo lẫn đạn pháo hiện đại do phương Tây sản xuất.

Mỹ và châu Âu từng gạt bỏ đề nghị của Ukraine về việc cung cấp lực lượng thiết giáp nhưng đến nay đã đồng ý gửi cả xe bọc thép, pháo tự hành lẫn xe tăng. Các tin tức tình báo mà Mỹ cung cấp cho Ukraine suốt từ đầu cuộc chiến cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Quân đội Ukraine sử dụng lựu pháo 155 mm do Mỹ viện trợ. (Ảnh: Bộ Tổng tham mưu Ukraine).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25/1 bày tỏ lòng biết ơn đối với các nước phương Tây vì đã đồng ý gửi xe tăng chủ lực hiện đại, đồng thời đề nghị được hỗ trợ thêm máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 như F-16 Fighting Falcon.

Vũ khí của phương Tây chuyển đến Ukraine càng nhiều, khả năng thất bại của Nga sẽ càng cao. Tuy nhiên, Nga sẽ không dễ dàng từ bỏ khi chưa dùng đến vũ khí hạt nhân.

Hôm 19/1, ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, đăng trên Telegram: “Việc một cường quốc hạt nhân thất bại trong chiến tranh truyền thống có thể châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân”.

Nói cách khác, khi Nga bị dồn vào bước đường cùng vì các vũ khí truyền thống không còn tác dụng, kho vũ khí hạt nhân khổng lồ sẽ là lựa chọn tiếp theo của Moscow.

Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng lời đe dọa của Nga về việc dùng vũ khí hạt nhân chỉ nhằm mục đích ngăn cản phương Tây hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, chứ Moscow không dám dùng đầu đạn hạt nhân thật vì chính Nga cũng có thể bị hủy diệt.

Đức Quyền - Song Ngọc