|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống Mỹ tới thăm Ukraine, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc lên đường đến Nga

11:57 | 21/02/2023
Chia sẻ
Ông Vương Nghị, quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc, sẽ đến Nga trong tuần này và có thể gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Vương Nghị, cố vấn ngoại giao cao cấp nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters). 

Trái ngược

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ukraine để gặp gỡ người đồng cấp Volodymyr Zelensky, quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đang di chuyển theo hướng ngược lại, trên đường tới Nga.

Moscow sẽ là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 8 ngày tới châu Âu của cựu Ngoại trưởng Vương Nghị, người vừa được thăng chức làm cố vấn ngoại giao cao cấp nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng trước.

Chuyến đi này là một trong những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm duy trì vị thế cân bằng với phương Tây kể từ khi Nga tấn công Ukraine một năm trước.

Điện Kremlin cho biết họ “không loại trừ” khả năng về một cuộc gặp giữa ông Vương và Tổng thống Putin.

Nếu hai người gặp mặt nhau, hình ảnh ông Vương và ông Putin bắt tay trong Điện Kremlin kiên cố sẽ đối lập hoàn toàn với cảnh ông Biden đi bộ với ông Zelensky tại Kiev giữa tiếng còi báo động không kích.

Hai chuyến đi này diễn ra chỉ vài ngày trước kỷ niệm một năm giao tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra, càng nhấn mạnh sự chia rẽ giữa hai siêu cường thế giới.

Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã tiếp tục xuống dốc trong thời gian qua bởi tranh cãi xung quanh vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ. Trong khi đó, Bắc Kinh và Moscow lại thân thiết hơn bao giờ hết kể từ khi hai vị nguyên thủ tuyên bố tình hữu nghị “không giới hạn” một năm trước.

Mối quan hệ hợp tác ngày càng gắn bó giữa Bắc Kinh và Moscow đã làm dấy lên lo ngại tại chính phủ các nước phương Tây, mặc cho nỗ lực của Trung Quốc nhằm thể hiện mình là nhà đàm phán cho hòa bình giữa Nga và Ukraine.  

Tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần trước, ông Vương gọi các quan chức châu Âu là “những người bạn thân mến” và tán dương cam kết hòa bình của Trung Quốc.

Ông Vương khẳng định: “Chúng tôi không đổ thêm dầu vào lửa, và chúng tôi phản đối việc trục lợi từ cuộc khủng hoảng”.

Theo tờ CNN, câu nói trên của ông Vương có ý chỉ trích Mỹ vì đã ủng hộ Ukraine chiến đấu nhằm thúc đẩy lợi ích địa chính trị và gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất vũ khí Mỹ.

Ông Vương khẳng định “cuộc chiến không thể tiếp diễn” và kêu gọi các quan chức châu Âu suy nghĩ về “khuôn khổ cần có để mang lại hòa bình lâu dài cho châu Âu, châu Âu nên đóng vai trò gì để thể hiện sự tự chủ chiến lược của mình”.

Ông Vương cũng thông báo về kế hoạch của Bắc Kinh nhằm vạch ra một “giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” vào dịp kỷ niệm một năm chiến sự diễn ra.

Song, lời đề cập mơ hồ của nhà ngoại giao Trung Quốc đã vấp phải sự nghi ngờ từ một số nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là khi họ đang theo dõi chặt chẽ xem liệu Trung Quốc có đang cân nhắc cung cấp “vũ khí sát thương” cho Nga như cáo buộc của Mỹ hay không.

Cảnh báo của châu Âu

Tại cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU) hôm 20/2, ông Josep Borrell, Cao ủy phụ trách Đối ngoại và An ninh của EU, cho biết ông đã có “cuộc đối thoại dài” với người đồng cấp Vương Nghị tại Munich vào cuối tuần trước và cảnh báo Trung Quốc không gửi vũ khí cho Nga.

Ông Borrell nói: “Gửi vũ khí cho Nga sẽ là lằn ranh đỏ đối với mối quan hệ giữa Trung Quốc với EU. Ông Vương nói với tôi rằng Trung Quốc không hề gửi và không có ý định làm vậy. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ cảnh giác”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp trả các cáo buộc của Mỹ. Họ lên tiếng chỉ trích Washington vì “đã đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi và lan truyền thông tin sai lệch”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 20/2: “Mỹ là bên liên tục cung cấp vũ khí cho cuộc chiến, chứ không phải Trung Quốc. Phía Mỹ không có tư cách để lên lớp Trung Quốc, và chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận để Mỹ ra lệnh hay gây áp lực lên mối quan hệ Trung-Nga”.

Nếu cáo buộc của Mỹ là đúng thì cuộc chiến giữa Nga-Ukraine sẽ bước sang giai đoạn mới đầy nguy hiểm và khó đoán.

Từ trước, Bắc Kinh đã cẩn thận tránh những hành động có thể khiến nước này hứng chịu đòn trừng phạt thứ cấp từ phương Tây, bởi họ lo sợ nền kinh tế đang oằn mình vì chính sách Zero COVID sẽ bị giáng cú đánh mạnh.

Tuy vậy, Trung Quốc không lên tiếng chỉ trích Nga vì cuộc tấn công vào Ukraine. Mối quan hệ giữa hai nước đã được củng cố trong một năm qua, được thể hiện qua kim ngạch thương mại, các cam kết ngoại giao và lịch trình tập trận quân sự chung.

Giang