|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc không được lợi từ dầu thô Nga dù mua với giá rẻ

11:04 | 21/02/2023
Chia sẻ
Năm ngoái, nhập khẩu dầu thô từ Nga của Trung Quốc chỉ tăng 8% về khối lượng, nhưng lại tăng đến 44% về giá trị tính theo đồng USD. Chuyên gia nhận xét Trung Quốc có vẻ đang thận trọng trong việc ký kết các thỏa thuận năng lượng và đầu tư dài hạn mới với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters). 

Dễ bị tổn thương

Không ai dám khẳng định cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc như thế nào, nhưng có một kết luận mà mọi người đều có thể chỉ ra: Cuộc xung đột đã khiến thị trường năng lượng toàn cầu biến đổi sâu sắc.

Xuất khẩu năng lượng của Nga tới Liên minh châu Âu (EU) sụp đổ khi Brussels đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Moscow cắt giảm nguồn cung khí đốt tới khối này. Mặt khác, giá năng lượng tăng cao trong năm qua đã đem lại lợi nhuận lớn cho các nhà xuất khẩu như Mỹ và Trung Đông.

Đối với Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, triển vọng dài hạn vẫn khá mờ mịt.

Bà Erica Downs, học giả cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, nhận xét rằng trong ngắn hạn, cuộc chiến đã củng cố an ninh nguồn cung dầu mỏ của Trung Quốc bởi các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể mua dầu thô Nga với giá chiết khấu.

Bà nói tiếp: “Thêm vào đó, cuộc chiến đã làm tăng tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với năng lượng Nga. Do đó, trong tương lai, phía Trung Quốc có thể sẽ có thêm lợi thế khi đàm phán các hợp đồng cung cấp mới”.

Nhưng đồng thời, sự phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu của Trung Quốc – và lượng giao dịch lớn với Nga – cũng đặt nước này vào vị thế dễ bị tổn thương, đặc biệt là bởi thị trường năng lượng toàn cầu đã bị chính trị hóa hơn nhiều.

Theo tính toán của tờ South China Morning Post (SCMP) dựa trên dữ liệu chính thức, trong vài năm qua, hơn 70% lượng dầu thô và 40% lượng khí đốt của Trung Quốc đến từ nguồn nhập khẩu.

Dầu thô là hàng hóa có giá trị cao nhất trong thương mại Nga-Trung, chiếm một nửa nhập khẩu của Trung Quốc. Năm ngoái, nhập khẩu dầu thô Nga của Trung Quốc chỉ nhích 8% về khối lượng nhưng tăng 44% về giá trị tính theo đồng USD - mức cao nhất trong lịch sử.

Ông Kang Wu, quản lý cấp cao tại S&P Global Commodity Insights, chỉ ra rằng sau khi tính đến đà tăng của giá, lạm phát và lãi suất do cuộc chiến gây ra, Trung Quốc hầu như không được lợi gì.

Ông Wu nói: “Trên thực tế, Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn cho dầu nhập khẩu. Doanh thu của Nga từ mỗi thùng dầu bán ra đi xuống đáng kể bởi mức chiết khấu lớn của nước này. Tuy nhiên, mức chiết khấu mà Trung Quốc nhận được với tư cách là người dùng cuối lại ít hơn, trừ khi doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu trực tiếp từ Nga”.

Trung Quốc đã giảm bớt rủi ro kinh tế bằng cách nhập khẩu thêm dầu thô Nga với giá thấp hơn trong một năm qua. Nhưng ông Wu cho rằng thị trường dầu mỏ ổn định, không có xung đột sẽ là điều tốt hơn đối với Trung Quốc.

Trung Quốc thận trọng

Báo cáo tháng 1 của nhà cung cấp thông tin năng lượng Energy Intelligence chỉ ra rằng triển vọng năm 2023 của ngành năng lượng thế giới vẫn đang bị phủ bóng bởi xung đột địa chính trị.

Báo cáo viết: “Nga sẽ tiếp tục đưa dòng chảy dầu mỏ từ châu Âu tới các thị trường mới. Trung Quốc sẽ cẩn trọng hơn nhưng cũng có khả năng sẽ tăng cường mua dầu Nga. Việc định tuyến lại dòng chảy khí đốt của Nga sẽ khó khăn và cần nhiều thời gian hơn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng mới và nhu cầu của khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc”.

Báo cáo cũng nhận xét rằng nhiều khả năng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga trở nên sâu sắc hơn. Nhưng ông Wang Nengquan, chuyên gia năng lượng ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc đã học được rằng họ không thể trở nên quá phụ thuộc vào năng lượng của bất kỳ quốc gia nào.

Theo tính toán của tờ SCMP dựa trên dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Nga là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ hai của nước này trong năm 2022, chiếm 16,9% tổng lượng nhập khẩu, tăng 1,4 điểm % so với năm 2021. Trung Quốc mua 17,2% lượng dầu mỏ từ Arab Saudi.

Nhà nghiên cứu Downs đánh giá, dù Trung Quốc đã đẩy mạnh việc nhập khẩu dầu mỏ vào năm ngoái, các nhà chức trách và giới doanh nghiệp nước này có vẻ đang thận trọng trong việc ký kết các thỏa thuận năng lượng và đầu tư dài hạn mới với Nga.

Bà chỉ ra: “Chưa có thỏa thuận nào được ký kết cho đường ống Sức mạnh Siberia 2 và các công ty Trung Quốc cũng không mua tài sản ở thượng nguồn của Nga”.

Đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 có thể bơm 50 tỷ m3 khí đốt hàng năm tới miền bắc Trung Quốc qua Mông Cổ và sẽ được xây dựng bởi tập đoàn khí đốt Nga Gazprom. Theo các quan chức Nga và Mông Cổ, việc xây dựng dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào năm 2024.

Hiện tại, phần lớn khí đốt của Nga tới Trung Quốc bằng đường ống Tuyến Đông Nga-Trung. Hợp đồng giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Gazprom để cung cấp khí đốt qua đường ống này ước tính có trị giá 400 tỷ USD trong 30 năm.

Bà Elizabeth Wishnick, nhà khoa học cấp cao tại CNA, tổ chức nghiên cứu và phân tích phi lợi nhuận tại Mỹ, đánh giá rằng các quan chức Trung Quốc có thể không muốn có thêm đường ống khí đốt mới từ Nga.

Bà cho biết: “Các chuyên gia năng lượng nói rằng Trung Quốc có thể không cần thêm khí đốt từ Nga do đã có kế hoạch tăng cường nhập khẩu từ Turkmenistan. Hơn nữa, Trung Quốc luôn hoài nghi về tính an ninh của những đường ống đi qua nước thứ ba, còn Sức mạnh Siberia 2 sẽ cần đi qua Mông Cổ”.

Bà nói thêm rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa phê duyệt đường ống mới. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong chuyến thăm dự kiến ​​của ông Tập tới Moscow.

Giang