Đến cả Trung Quốc cũng thiệt hại vì ‘vũ khí năng lượng’ của Nga
Trung Quốc không gặp may
Châu Âu đã phải trải qua khoảng thời gian khó khăn vì quyết định hạn chế xuất khẩu khí đốt của Nga. Nhưng thời tiết ấm áp vào mùa đông và nỗ lực phi thường để tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới đã giúp châu lục này giảm bớt được thiệt hại.
Thay vào đó, tác hại từ chính sách của Moscow lại đang xuất hiện tại một thị trường vô cùng khác biệt và cần thiết cho ngành năng lượng của Nga: Trung Quốc.
Việc này xảy ra một phần là do xui xẻo. Khác với châu Âu, mùa đông năm nay tại một số khu vực phía bắc Trung Quốc cực kỳ lạnh. Nhưng giá khí đốt cao tại Trung Quốc cũng phản ánh một sự thực tế khó chịu. Việc Nga vũ khí hóa vị thế của mình trên thị trường khí đốt toàn cầu đang tạo ra rắc rối kinh tế và chính trị cho Bắc Kinh.
- TIN LIÊN QUAN
-
Châu Âu gặp vận may không tưởng trong cuộc khủng hoảng năng lượng 13/01/2023 - 10:20
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), những đường ống mới cần thiết để Trung Quốc tận dụng mối quan hệ hợp tác với Nga phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thành.
Các cải cách ngành năng lượng của Trung Quốc kể từ năm 2020 – và chính sách lớn trong những năm gần đây nhằm sử dụng nhiều khí đốt hơn để bảo vệ môi trường – đã khiến một số công ty năng lượng nhà nước ở Trung Quốc trở nên dễ bị tổn thương hơn khi giá toàn cầu tăng.
Hệ quả là một số người dân bị giới hạn nguồn cung khí đốt. Hiện không rõ chính xác vấn đề nghiêm trọng đến mức nào.
Tuy nhiên, hôm 13/1, phó giám đốc cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc đã chỉ ra rằng “một số địa điểm và doanh nghiệp” đã không thực hiện đúng các biện pháp cần thiết để đảm bảo năng lượng và ổn định giá cả, dù nguồn cung khí đốt vẫn đủ trên góc độ toàn quốc.
Đầu tháng 1, tờ Caixin của Trung Quốc đưa tin rằng nguồn cung khí đốt đang bị hạn chế tại một số khu vực ở tỉnh Hà Bắc. Tờ báo dẫn lời một người dân rằng công ty khí đốt đã cắt nguồn cung của ông từ đêm cho đến 6 giờ sáng.
Không có gì ngạc nhiên khi các công ty phân phối khí đốt – đặc biệt là tại những khu vực nhỏ và vùng nông thôn – đang gặp áp lực.
Khí đốt mà Trung Quốc nhập khẩu đã trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Giá khí nhập khẩu qua đường ống trong tháng 12/2022 của Trung Quốc đã tăng 57% so với tháng 9/2021. Giá khí tự nhiên hóa lỏng cũng cao hơn trước 49%, theo dữ liệu của CEIC. Nhưng giá người dân phải trả cho các công ty năng lượng theo quy định thì hầu như không đổi.
Cải cách dang dở
Rắc rối có thể đang bị khuếch đại bởi các cải cách lớn nhưng chưa hoàn thành của ngành năng lượng Trung Quốc.
Năm 2020, các đơn vị quản lý ống dẫn khí đốt đường dài của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc — còn gọi là CNPC — và các công ty năng lượng nhà nước lớn khác đã được tách thành một thực thể mới: PipeChina.
Bắc Kinh muốn tái tạo mạng lưới đường ống dẫn khí đốt truy cập mở của Mỹ, nơi các nhà nhập khẩu, sản xuất và người sử dụng khí đốt đều có thể ký hợp đồng trực tiếp, nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư thượng nguồn và tạo ra một thị trường quốc gia thực sự.
Tuy nhiên, xét từ góc độ lợi ích của Bắc Kinh, hệ thống cũ có một ưu điểm lớn. Đó là khi giá khí đốt toàn cầu tăng cao thì CNPC có thể hấp thụ cú sốc đến biên lợi nhuận từ lãi của hoạt động khai thác dầu – và bảo vệ các công ty năng lượng địa phương và người tiêu dùng.
Trên thực tế, cơ chế trên có vẻ vẫn đang diễn ra dù với cấp độ thấp hơn trước. PetroChina, công ty con của CNPC, vẫn báo cáo khoản lỗ lên đến 8,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,3 tỷ USD) vì nhập khẩu khí đốt với giá cao trong quý III/2022 nhưng vẫn phải bán theo giá quy định ở hạ nguồn.
Nhưng các công ty năng lượng địa phương mà PipeChina đang phục vụ có thể sẽ phải chịu thêm tổn thất tài chính khi giá khí đốt toàn cầu đi lên. Điều này sẽ tiếp diễn chừng nào họ không thể đẩy chi phí sang phía người dân.
Việc Nga quay lưng với các các khách hàng phương Tây mà nước này đã gắn bó từ lâu hứa hẹn sẽ đem đến một số lợi ích lâu dài cho Trung Quốc. Một khi các đường ống mới và những cơ sở hạ tầng khác được hoàn thiện, giá khí đốt từ Nga đến Trung Quốc sẽ trở nên rẻ hơn nhiều.
Nhưng từ giờ đến đó, Trung Quốc sẽ phải xoay xở với giá năng lượng đắt đỏ và biến động trong thời điểm xấu, giữa mùa đông giá rét và khi công cuộc cải cách giá khí đốt vẫn còn dở dang.