Mỹ, châu Âu và NATO lo ngại khi Nga dừng tham gia hiệp ước hạt nhân cuối cùng
Theo RT, Tổng thống Vladimir Putin đã đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ, với lý do Washington không tôn trọng thỏa thuận và can dự ngày càng sâu vào xung đột Ukraine.
Trong thông điệp chung với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba và Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lấy làm tiếc về việc Nga rút khỏi hiệp ước New START.
“Tôi lấy làm tiếc về quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước New START của Nga”, ông nói. “Trong những năm qua, Nga đã vi phạm và từ bỏ nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng”.
“Với quyết định [rời bỏ] New START ngày hôm nay, toàn bộ cấu trúc về kiểm soát vũ khí đã bị phá hủy”, ông cảnh báo. “Tôi hối thúc Nga xem xét lại quyết định của mình và tôn trọng những thỏa thuận đã có”.
Khi được phóng viên hỏi về những nguy cơ từ việc Nga rút khỏi thỏa thuận New START, ông Stoltenberg cho rằng việc có thêm nhiều vũ khí hạt nhân và ít thỏa thuận kiểm soát vũ khí đang khiến thế giới trở thành một nơi nguy hiểm hơn.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell cho rằng việc Moscow đình chỉ thỏa thuận hạt nhân New START là “Một minh chứng khác cho thấy những gì Nga đang làm là phá hủy hệ thống an ninh được xây dựng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.
Theo ông, châu Âu phải “làm việc nhanh chóng để cung cấp đạn dược [cho Ukraine] trong thời gian ngắn”, đồng thời “bắt đầu nghĩ về hệ thống an ninh trong tương lai”.
Theo New York Times, sau bài phát biểu của Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken cho biết ông sẵn sàng đàm phán một hiệp ước mới “vì lợi ích an ninh của Mỹ” và “lợi ích an ninh của Nga”.
Ông cũng cho rằng tuyên bố của Tổng thống Nga là “vô cùng đáng tiếc và vô trách nhiệm”, đồng thời gợi ý rằng Mỹ sẽ không thay đổi việc tuân thủ hiệp ước, bất kể Moscow có làm gì.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta tiếp tục hành động có trách nhiệm trong lĩnh vực này”, ông nói. “Đó cũng là điều mà phần còn lại của thế giới mong đợi từ Mỹ”.
New START là gì?
Thỏa thuận “New START” là kết quả của nỗ lực từ thời Mỹ và Liên xô nhằm ngăn chặn thảm họa hạt nhân thông qua việc hạn chế kho vũ khí và xây dựng niềm tin đôi bên.
START viết tắt của “Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược”, là văn bản được Tổng thống Mỹ George H. W. Bush (Bush cha) và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết vào năm 1991.
Thỏa thuận START, cùng với Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo (ABM) năm 1972 và Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987 là nỗ lực của hai siêu cường nhằm hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân mà cả hai sở hữu.
New START là thỏa thuận mới nhất, được ký kết năm 2010 dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev. Hiệp ước này hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân cũng như công cụ phóng, bao gồm ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa), SLBM (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) và máy bay tầm xa, mà Mỹ và Nga được sở hữu, triển khai.
Tuy nhiên, giới hạn này vẫn đủ để cả hai nước duy trì vị thế siêu cường về hạt nhân. Đồng thời, hiệp ước cho phép hai bên đặc quyền kiểm tra các cơ sở quân sự của nhau để đảm bảo sự tuân thủ.
Cho đến nay, hai hiệp ước là ABM và INF đều đã bị chấm dứt bởi phía Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến sẽ để hiệp ước New START hết hiệu lực, tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã gia hạn thỏa thuận này đến năm 2026.
Trong cuộc xung đột Ukraine, Mỹ và Nga đã cáo buộc lẫn nhau không tạo điều kiện cho các cuộc thanh tra theo quy định của New START. NATO cũng đã lên án Moscow về vi phạm hiệp ước.
Khi công bố quyết định đình chỉ tham gia hiệp ước, ông Putin cáo buộc NATO giúp Ukraine thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào sân bay có máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga.
Ông cho rằng với việc Washington đang theo đuổi “một thất bại chiến lược của Nga, [nên] không còn ý nghĩa gì để [Moscow] tuân thủ thỏa thuận”. Nhà lãnh đạo Nga cũng nói thêm rằng kho vũ khí của Anh và Pháp sẽ cần được tính đến trong các thỏa thuận hạt nhân tương lai.