|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Triều Tiên liên tục thử tên lửa, Nga kêu gọi các cường quốc hạt nhân kiềm chế

14:12 | 03/11/2022
Chia sẻ
Bình Nhưỡng đang thử nghiệm tên lửa với tần suất chưa từng có, làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Cảnh báo về việc Triều Tiên phóng tên lửa trên truyền hình Hàn Quốc hôm 3/11 (Ảnh: Heo Ran/Reuters).

CNN dẫn lời quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng ít nhất ba tên lửa đạn đạo vào hôm 3/11 theo giờ địa phương. Vụ phóng tên lửa này diễn ra chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bằng cách thử nghiệm một loạt vũ khí.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc tuyên bố phát hiện một tên lửa tầm xa được cho là phóng từ thủ đô Bình Nhưỡng, theo sau đó là hai tên lửa đạn đạo tầm ngắm, được cho là phóng từ khu vực Kaechon thuộc quận Nam Pyongan.

Tại Nhật Bản, vụ phóng đầu tiên đã kích hoạt cảnh báo sơ tán tại phía bắc tỉnh Miyagi, Yamagata và Niigata, nơi Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ban đầu dự kiến tên lửa sẽ bay qua. Sau đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa đã không đi qua lãnh thổ nước này.

Vụ thử tên lửa hôm 3/11 diễn ra chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp mặt người đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-sup tại Lầu Năm Góc.

Vào hôm 2/11, Triều Tiên đã phóng một loạt tên lửa và bắn đạn pháo sau khi cảnh báo về cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc với tên gọi “Vigilant Storm”. Cuộc tập trận bắt dầu hôm 31/10, bao gồm 240 máy bay và “hàng nghìn binh sĩ” từ cả hai nước, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, vào hôm 2/11, Triều Tiên đã phóng ít nhất 23 tên lửa tầm ngắn, bao gồm nhiều chủng loại, xuống phía đông và tây bán đảo Triều Tiên. Hôm 2/11 là ngày Triều Tiên phóng nhiều tên lửa tầm ngắn nhất trong lịch sử, bao gồm cả một tên lửa đạn đạo rơi gần vùng lãnh hải của Hàn Quốc, lần đầu tiên từ khi hai nước chia cắt.

Tên lửa trên đã rơi vào vùng biển quốc tế cách đảo Ulleung của Hàn Quốc 167 km về phía tây bắc, cách Đường giới hạn phía bắc (NLL) khoảng 26 km về phía nam. NLL là biên giới biển Liên Triều, không được phía Bình Nhưỡng công nhận.

Seoul đã đáp trả vào hôm 2/11 bằng cách phóng ba tên lửa không đối đất từ các máy bay chiến đấu F-15K và KF-16, vào các mục tiêu có cùng khoảng cách về phía bắc NLL.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Triều Tiên đang phóng tên lửa với tần suất chưa từng có. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Bà nói với CNN rằng Liên Hợp Quốc sẽ "gây áp lực" lên Trung Quốc và Nga để cải thiện và tăng cường các biện pháp trừng phạt.

Tên lửa của Triều Tiên

Vụ phóng hôm 3/11 đã nâng tổng số lần Triều Tiên thử tên lửa lên ít nhất 30 vụ trong năm nay. Các loại vũ khí được phóng bao gồm cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Trong năm 2022, Triều Tiên chủ yếu thử nghiệm tên lửa hành trình.

Tên lửa đạn đạo được phóng ra ngoài bầu khí quyển, sau đó bay trong không gian trước khi trở lại và lao xuống mục tiêu bằng trọng lực.

Trong khi đó, tên lửa hành trình thường sử dụng động cơ phản lực, bay trong bầu khí quyển Trái Đất và có cánh để điều hướng tương tự như máy bay. Tên lửa hành trình thường mang được đầu đạn nhỏ hơn và có tốc độ bay thấp hơn so với tên lửa đạn đạo.

Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong buổi diễu hành vào năm 2020. (Ảnh: Korean Central TV).

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, nhưng không có hạn chế với việc thử nghiệm tên lửa hành trình. Khả năng triển khai đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên trên bất kỳ loại tên lửa nào hiện vẫn chưa được kiểm chứng.

Nga kêu gọi kiềm chế

Theo RT, vào hôm 2/11, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow "nghiêm túc và nhất quán" theo nguyên tắc rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân là không thể chiến thắng và không bao giờ được xảy ra. Moscow kêu gọi các cường quốc hạt nhân khác "thể hiện trên thực tế" cam kết của mình với nguyên tắc này.

"Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng trong tình hình khó khăn và hỗn loạn hiện nay, vốn là kết quả của những hành động vô trách nhiệm và đạo đức nhằm phá hoại an ninh quốc gia của Nga, ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào giữa các cường quốc hạt nhân", Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Moscow đã ký tuyên bố chung ngày 3/1 với các nhà lãnh đạo của "5 cường quốc hạt nhân", bao gồm cả Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc về việc ngăn chặn chiến tranh và chạy đua vũ trang hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi các quốc gia khác trong "5 cường quốc hạt nhân" thể hiện cam kết này và "từ bỏ những nỗ lực nguy hiểm, xâm phạm lợi ích sống còn của nhau, tiến gần tới nguy cơ xung đột vũ trang trực tiếp hay cổ vũ các hành động khiêu khích bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, có nguy cơ dẫn tới hậu quả thảm khốc".

Về những cáo buộc của phương Tây rằng Moscow có nguy cơ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trường hợp có thể sử dụng vũ khí này đã được "vạch ra cực kỳ rõ ràng, mang tích chất phòng thủ hoàn toàn và không thể hiểu theo nghĩa rộng".

Theo đó, "Việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga chỉ được phép nhằm đáp trả hành động gây hấn bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc vũ khí thông thường, khi sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa".

Minh Quang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.