|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Putin giám sát tập trận hạt nhân, Mỹ đưa quân đến sát biên giới Ukraine

16:07 | 27/10/2022
Chia sẻ
Cuộc tập trận của Nga diễn ra trong bối cảnh các bình luận từ phía Moscow cho thấy xung đột Ukraine có thể chuyển thành chiến tranh hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ đã triển khai một lực lượng lớn binh sĩ tới gần biên giới Ukraine.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars rời khỏi bệ phóng tại Plesetsk, miền tây bắc nước Nga. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Theo Al Jazeera, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã theo dõi cuộc tập trận của lực lượng hạt nhân chiến lược, bao gồm phóng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Ông Putin đã quan sát cuộc tập trận có tên “Grom” (Sấm sét) từ phòng điều khiển.

“Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, một buổi diễn tập đã được tổ chức với lực lượng răn đe chiến lược trên bộ, trên biển và trên không, bao gồm cả việc phóng tên lửa đạn đạo và hành trình”, Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo với ông Putin rằng hoạt động tập trận nhằm mô phỏng một “cuộc tấn công hạt nhân khổng lồ” bởi Moscow để đáp trả hành động tấn công hạt nhân vào nước Nga.

Động thái trên diễn ra sau khi ông Putin cảnh báo về việc sẵn sàng “sử dụng mọi công cụ” để đẩy lùi các cuộc tấn công lên lãnh thổ nước Nga. Phát biểu này hàm ý tới kho vũ khí hạt nhân của Nga.

Các kênh truyền hình của Nga đã chiếu đoạn phim ghi lại cảnh thủy thủy đoàn tàu ngầm chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo Sineva từ Biển Barents, Bắc Cực.

Tàu ngầm hạt nhân Tula của Nga chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-29RMU Sineva. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars đã được phóng từ bệ phóng phía bắc Plesetsk. Moscow cũng phóng tên lửa tại Bán đảo Kamchatka, miền Viễn Đông của Nga. Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 đã tham gia phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu giả định.

Điện Kremlin tuyên bố rằng mọi nhiệm vụ đặt ra đã được hoàn thành và tất cả tên lửa phóng thử đều đã trúng đích.

Cuộc tập trận của Nga diễn ra khi NATO cũng đang tổ chức tập trận tại khu vực tây bắc châu Âu cho tới ngày 30/10. Cuộc tập trận của NATO có tên gọi “Steadfast Noon”, là hoạt động thường niên, với sự tham gia của 60 máy bay, bao gồm cả máy bay ném bom tầm xa B-52 của Mỹ và máy bay chiến đấu có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân.

Cuộc tập trận Grom cũng là hoạt động thường niên của Nga nhằm huấn luyện lực lượng hạt nhân và thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu. Một cuộc tập trận tương tự cũng được tổ chức chỉ vài ngày trước khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng 2 năm nay.

Vào hôm 25/10, Mỹ cho biết Nga đã thông báo về cuộc tập trận thường niên này. Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao cho biết Moscow đã tuân thủ với các điều khoản của thỏa thuận kiểm soát vũ khí Nga-Mỹ trong việc thông báo cho Washington biết về các cuộc tập trận sắp diễn ra.

Mỹ đưa quân đến gần Ukraine

Trang thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hoạt động triển khai lực lượng của Mỹ tại Romania đang làm tăng mối nguy hiểm với Nga và Moscow sẽ xem xét động thái trên nhằm đảm bảo an ninh.

“Lực lượng Mỹ càng gần biên giới của chúng ta, nguy hiểm với nước Nga càng lớn. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ đáp trả tốt hơn và sẽ tiếp tục đáp trả trong khi đảm bảo an ninh cho chính mình”, ông Peskov nói.

Ông cho biết thêm rằng trong mọi trường hợp thì việc triển khai quân đội Mỹ ở gần biên giới Nga sẽ “không dẫn đến sự chắc chắn và ổn định” trong khu vực.

Sư đoàn Dù 101 của Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. (Ảnh: Lục quân Mỹ).

Trước đó, CBS đưa tin rằng Sư đoàn Dù 101 của Mỹ đã được điều động tới Romania, chỉ cách biên giới với Ukraine khoảng 5 km và sẵn sàng tiến vào lãnh thổ Ukraine trong trường hợp leo xung đột giữa Moscow và Kiev leo thang, hoặc xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào thành viên NATO.

Lần đầu tiên trong gần 80 năm, Washington đã triển khai Sư đoàn Dù 101 để củng cố sườn phía đông của NATO vào mùa hè năm ngoái. Theo CBS, quân số được triển khai là khoảng 4.700 lính.

Đại tá Edwin Matthaidess, chỉ huy Lữ đoàn 2 của Sư đoàn Dù 101, cho biết đơn vị của ông đang gần lãnh thổ Ukraine hơn bất cứ lực lượng nào khác của Mỹ. Đơn vị này đang “theo dõi sát sao" các hành động của Nga, "đặt mục tiêu huấn luyện" và có các cuộc tập trận "chính xác" mô phỏng những gì đang xảy ra ở Ukraine.

Mỹ nhanh chóng đưa bom hạt nhân tới châu Âu

Theo tờ Politico, ban đầu Mỹ định chuyển phiên bản nâng cấp của bom hạt nhân B61 tới châu Âu vào mùa xuân năm 2023. Theo một nguồn tin, các quan chức Mỹ đã nói với đồng minh NATO trong một cuộc họp kín tại Brussels vào tháng 10/2022 rằng hoạt động triển khai dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine và những mối đe dọa xuất phát từ Nga. Tuy vậy, Lầu Năm Góc đã kiềm chế và không đưa ra bất cứ mối liên hệ trực tiếp nào.

Máy bay chiến đấu F-35 thả bom hạt nhân B61-12 thử nghiệm. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

"Hoạt động hiện đại hóa bom hạt nhân B61 đã diễn ra trong nhiều năm. Kế hoạch để đổi những vũ khí cũ sang phiên bản B61-12 mới một cách an toàn và có trách nhiệm đã là một phần của nỗ lực hiện đại hóa được lên kế hoạch từ lâu", người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder nới với Politico.

"Hoạt động này không hề liên quan tới các sự kiện đang diễn tại Ukraine và cũng không được đẩy nhanh", ông cho biết thêm. 

Các chuyên gia cho rằng quyết định của Mỹ chủ yếu hướng tới châu Âu hơn là Nga. Một chuyên gia cho biết nỗ lực này như "một cách để trấn an đồng minh khi họ cảm thấy bị đe dọa bởi Nga".

Bom B61 đã phục vụ trong biên chế Mỹ từ năm 1968 và có nhiều phiên bản cải tiến. Loại bom B61-12 mới có thể được thả từ máy bay ném bom chiến lược B-2 và B-21, cũng như máy bay chiến đấu F-15, F-16, F-35 và Tornado.

Minh Quang