|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trước khi Nga đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus, Mỹ đã triển khai bom nguyên tử ở 5 nước châu Âu

15:21 | 03/04/2023
Chia sẻ
Mỹ hiện đang đặt khoảng 100 quả bom hạt nhân tại các căn cứ trải khắp châu Âu. Trong khi đó, Nga chỉ đang triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, và dự kiến sắp đưa sang Belarus.

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus. Lần đầu tiên kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Moscow dự kiến đưa vũ khí hạt nhân ra ngoài biên giới.

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) có trụ sở tại New York, Belarus từng là một trong 4 nước cộng hòa thuộc Liên Xô được giữ bom hạt nhân. Vào những năm 1990, cùng với Kazakhstan và Ukraine, Belarus đã trao trả vũ khí hạt nhân của mình cho Moscow, đổi lấy bảo đảm an ninh từ Nga, Mỹ và Anh. Hiện nay, Belarus đang là đồng minh thân cận nhất của Moscow tại Đông Âu, và là bàn đạp để quân đội Nga tấn công Ukraine từ phía bắc vào đầu năm 2022.

Ông Putin cho biết Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko từ lâu đã yêu cầu Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước mình. Tổng thống Nga cũng nói rằng việc đặt vũ khí hạt nhân tại Belarus tương tự như những gì mà Mỹ đã làm tại châu Âu trong nhiều thập kỷ.

Tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M của Nga. Nga đã chuyển giao hệ thống tên lửa này cho Belarus. (Ảnh: Maxim Shipenkov/EPA).

Mỹ đặt vũ khí hạt nhân ở đâu trên lãnh thổ châu Âu?

Kể từ những năm 1950, Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân tại các căn cứ NATO ở Tây Âu. Những vũ khí này được chuyển tới Anh vào năm 1954, rồi tới Đức, Italy, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Hy Lạp và Bỉ.

Hiện nay, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được đặt tại 6 căn cứ, thuộc 5 nước thành viên NATO: Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Anh và Pháp đã có lực lượng hạt nhân của riêng mình, và không còn lưu trữ vũ khí cho Mỹ.

Số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai tại châu Âu đã vượt hơn 7.000 đầu đạn vào những năm 1970, nhưng sau đó đã giảm mạnh vào cuối những năm 1980, đầu 1990 do các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và sự sụp đổ của Liên Xô.

Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), được ký kết vào năm 1987, đã buộc Mỹ và Liên Xô loại biên toàn bộ tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và bệ phóng. Trước khi có INF, cả hai cường quốc đều tăng cường triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Hiện nay, số lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ là tuyệt mật. Tuy nhiên, các nhà phân tích an ninh ước tính rằng Washington đang lưu trữ khoảng 100 bom hạt nhân trên 6 cơ sở tại châu Âu.

Mỹ đang để vũ khí hạt nhân ở Hà Lan, Bỉ, Đức, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.

Toàn bộ vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu là bom trọng lực B61, được thiết kế để thả từ máy bay ném bom hoặc máy bay chiến đấu. Loại vũ khí này đã phục vụ hơn 50 năm và được hiện đại hóa nhiều lần. B61 là vũ khí hạt nhân chiến thuật cuối cùng của Mỹ.

B61 có thể mang các đầu đạn với đương lượng nổ đa dạng, với sức công phá tới hàng trăm kiloton (kT). Để so sánh, những quả bom mà Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945, giết chết hơn 100.000 người, chỉ có đương lượng nổ lần lượt là 15 và 21 kT. Một kiloton có sức công phá tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT.

Ban đầu, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai để ngăn chặn sự tấn công của Liên Xô cũng như trấn an các đồng minh NATO. Vào thời Chiến tranh Lạnh, quân đội thông thường của các thành viên NATO không đông bằng quân đội Liên Xô và các đồng minh trong Hiệp ước Warsaw. Sự hiện diện của vũ khí hạt nhân từ Mỹ trên lục địa già được coi là một biện pháp nhằm bù đắp sự thiếu hụt của NATO.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều chiến lược gia quân sự phương Tây, những người ủng hộ hòa bình và chính trị gia đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc giữ vũ khí hạt nhân tại châu Âu.

Nhiều quan điểm cho rằng không chỉ Liên Xô đã biến mất và NATO được mở rộng đáng kể, mà bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ - bao gồm máy bay ném bom tầm xa, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa phóng từ tàu ngầm - đã đủ sức răn đe chống lại mọi đối thủ tiềm tàng, trong đó có Nga.

 

Nhiều nhà phân tích quốc phòng nói rằng máy bay ném bom có thể bị hệ thống phòng không tinh vi của đối phương bắn hạ. Tuy nhiên, những người ủng hộ lại cho rằng vũ khí hạt nhân tiếp tục cung cấp cho NATO khả năng răn đe quân sự cũng như là biểu tượng quan trọng cho cam kết của Mỹ với đồng minh.

Việc thu hồi những vũ khí này có thể gửi đi một thông điệp nguy hiểm về sự rút lui của Mỹ. Ngay cả khi bom hạt nhân có ít giá trị quân sự, chúng vẫn có thể được sử dụng như một con bài mặc cả trong tương lai, đặc biệt với Nga, khi Moscow từ lâu đã thúc đẩy việc loại bỏ vũ khí này.

Do vậy, những người ủng hộ cho rằng Washington không nên rút vũ khí hạt nhân về nước, trừ khi nhận được sự nhượng bộ đáng kể từ Nga.

Bom hạt nhân phiên bản cải tiến B61-12, với khả năng dẫn dường chính xác. (Ảnh: Jerry Refern).

Nga đặt vũ khí hạt nhân của mình ở đâu?

Các nhà phân tích phương Tây nói rằng Nga có bộ ba hạt nhân - ICBM, tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng - trải rộng ở hơn chục căn cứ trên khắp lãnh thổ rộng lớn của mình.

Một số nhà quan sát đặt câu hỏi về khả năng Moscow đặt vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad - một vùng lãnh thổ tách rời của Nga, nằm giữa hai thành viên NATO là Ba Lan và Litva (Lithuanania).

Năm 2018, một quan chức chính phủ Nga dường như đã xác nhận rằng Moscow đã gửi tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới Kaliningrad. Các nhà nghiên cứu phương Tây cho biết Moscow đang nâng cấp một kho chứa vũ khí hạt nhân tại vùng lãnh thổ này, mặc dù không thể khẳng định đầu đạn hạt nhân đã được chuyển đến hay chưa. 

Tháng 4/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Litva cho biết vũ khí hạt nhân của Nga "luôn được giữ ở Kaliningrad". Vào thời điểm trên, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO, thì Nga sẽ phải khôi phục sự cân bằng hạt nhân tại vùng Baltic.

Minh Quang