Nga tuyên bố sẽ đặt vũ khí hạt nhân gần biên giới giữa Belarus với NATO
Trong một động thái leo thang hạt nhân rõ ràng nhất kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, hôm 26/3 mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus.
Hôm 2/4, ông Boris Gryzlov, Đại sứ Nga tại Belarus, phát biểu rằng các vũ khí hạt nhân sẽ được đặt tại “biên giới phía tây” và “sẽ giúp tăng cường năng lực đảm bảo an ninh”.
“Việc này sẽ được thực hiện bất chấp những ồn ào ở châu Âu và Mỹ”, Đại sứ Gryzlov khẳng định trên truyền hình quốc gia Belarus.
Nga và Belarus từ lâu đã có quan hệ thân thiết. Tổng thống Nga Vladimir Putin là đồng minh quan trọng của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Tháng 2/2022, Belarus đã cho phép quân đội Nga đồn trú ở nước này để tấn công Ukraine từ phía bắc. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt về kinh tế và chính trị của phương Tây được áp dụng với cả Nga và Belarus.
Đại sứ Gryzlov không nói rõ các vũ khí sẽ được đặt ở vị trí nào, nhưng xác nhận rằng một kho chứa vũ khí sẽ được hoàn thành chậm nhất vào ngày 1/7 theo lệnh của Tổng thống Putin, sau được chuyển tới phía tây Belarus.
Belarus tiếp giáp với Lithuania và Latvia ở phía bắc và với Ba Lan ở phía tây. Cả ba người hàng xóm này đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022, lượng binh sỹ và khí tài quân sự tại ba quốc gia này đã được tăng cường mạnh mẽ.
Mỹ và các đồng minh khác của Ukraine từng bày tỏ quan ngại về khả năng Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nói hành động này của Nga và Belarus là “đáng lo”.
Phía Nga lập luận rằng Mỹ đang đặt vũ khí hạt nhân ở 6 căn cứ tại 5 nước thành viên NATO là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy không có lý do gì Nga lại không được phép đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus.
Hôm thứ Sáu tuần trước (31/3), Tổng thống Alexander Lukashenko cho biết Belarus có thể sẽ cho phép Nga đặt tên lửa hạt nhân đạn đạo trên lãnh thổ nước mình nếu cần thiết.
Ông Putin cho biết Nga sẽ đặt vũ khí ở Belarus nhưng quyền kiểm soát vũ khí vẫn sẽ ở trong tay Nga. Tuy vậy, nếu kế hoạch này trở thành hiện thực thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ giữa thập niên 1990 Nga đặt vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới.