|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ bất an khi Nga và Trung Quốc hợp tác phát triển công nghệ hạt nhân then chốt

14:33 | 23/03/2023
Chia sẻ
Trung Quốc và Nga đang tăng cường hợp tác về một công nghệ nguyên tử then chốt, khiến các quan chức Lầu Năm Góc của Mỹ lo lắng vì điều này có khả năng sẽ làm đảo lộn cán cân vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Hệ thống tên lửa đạn đạo RS-24 Yars của Nga. (Ảnh: Reuters).

Giữa tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã công bố một thoả thuận dài hạn để tiếp tục phát triển các lò phản ứng neutron tức thời.

Thoả thuận trên là một phần trong nhiều hiệp định mà hai nhà lãnh đạo đạt được khi ông Tập đến thăm thủ đô Moscow của Nga trong ba ngày, từ ngày 20 đến 22/3, theo Bloomberg.

Hồi tháng 12 năm ngoái, tập đoàn hạt nhân khổng lồ Rosatom do Điện Kremlin kiểm soát đã hoàn tất việc chuyển 25 tấn uranium được làm giàu cao tới lò phản ứng tức thời đầu tiên của Trung Quốc - CFR-600.

Các nhà phân tích trong lĩnh vực quốc phòng cho biết, CFR-600 có thể sản xuất nhiên liệu cho khoảng 50 đầu đạn hạt nhân mỗi năm.

 

Quốc hội Mỹ đã và đang thúc giục Nhà Trắng kiềm chế mối quan hệ “nguy hiểm” giữa Rosatom và Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC).

Trong một lá thư gửi cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan vào tuần trước, chủ tịch các ủy ban quân sự, đối ngoại và tình báo thuộc Quốc hội Mỹ bày tỏ: “Mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực hạt nhân đang đi quá xa so với các dự án dân sự đơn thuần”.

Bất chấp các lệnh trừng phạt mà Moscow phải hứng chịu sau khi tấn công Ukraine, xuất khẩu hạt nhân của Nga đã tăng mạnh trong năm qua, thúc đẩy doanh thu của Điện Kremlin và củng cố ảnh hưởng của nước này với một thế hệ khách hàng mới trên phạm vi toàn cầu.

Hiện tại, Nga đang là nhà cung cấp nhiên liệu và lò phản ứng hạt nhân lớn nhất thế giới. Các lò phản ứng tức thời của Trung Quốc được xây dựng dựa trên công nghệ của Nga. Chúng được làm mát bằng kim loại lỏng thay vì nước.

 

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về tham vọng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc kể từ khi gửi một báo cáo lên Quốc hội vào năm 2021.

Lầu Năm Góc cho rằng lò phản ứng CFR-600 sẽ đóng một vai trò quan trọng, giúp kho dự trữ đầu đạn của Trung Quốc tăng từ con số khoảng 400 hiện nay lên 1.500 vào năm 2035.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ lo ngại của Mỹ. Bắc Kinh cho biết CFR-600 đang liên kết với lưới điện quốc gia và là một phần quan trọng trong chương trình lớn trị giá 440 tỷ USD nhằm giúp Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nhà sản xuất năng lượng hạt nhân hàng đầu thế giới vào giữa thập kỷ tới.

Ở diễn biến khác, vào tháng trước, khi căng thẳng với phương Tây leo thang, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng Moscow sẽ tạm dừng áp dụng New START, một trong những hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng vẫn còn hiệu lực.

Thoả thuận nói trên sẽ giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai, theo Wall Street Journal. Một số chuyên gia lo sợ rằng Nga có thể sử dụng số vũ khí này tại Ukraine, gây ra hậu quả nặng nề.

Đồng thời, ông Putin cũng cho biết mức độ trang bị của lực lượng hạt nhân Nga là 91,3%. Mỹ và Nga hiện là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất, số đầu đạn của mỗi nước sở hữu nhiều hơn mọi quốc gia khác trên thế giới cộng lại. 

Đôi nét về gã khổng lồ hạt nhân Rosatom của Nga:

Rosatom là nhà xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân lớn trên thế giới. Năm 2021, khoảng 14% lượng uranium cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ đến từ Rosatom. Các công ty năng lượng của châu Âu cũng mua gần 1/5 nhiên liệu hạt nhân từ Rosatom.

Rosatom còn cung cấp dịch vụ làm giàu uranium, đáp ứng 28% nhu cầu của Mỹ vào năm 2021. Công ty cũng đã xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới và thậm chí còn tài trợ cho một số công trình.

Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia ước tính đến cuối năm 2021, gần 20% số nhà máy điện hạt nhân trên thế giới nằm ở Nga hoặc do Nga xây, và Rosatom đang xây dựng thêm 15 nhà máy khác bên ngoài nước Nga. 

Khả Nhân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.