|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Rủi ro hạt nhân khi Nga rút khỏi hiệp ước cuối cùng với Mỹ: Số đầu đạn triển khai có thể lên tới 4.000 trong một đêm

12:30 | 22/02/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia lo ngại việc Nga rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ có thể làm gia tăng rủi ro một cuộc chạy đua vũ trang mới diễn ra song song với xung đột quân sự ở Ukraine.

Một tên lửa RS-24 Yars của Nga có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến lược. (Ảnh: AFP). 

Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ (New START) đã rơi vào vòng nguy hiểm từ trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố dừng tham gia hôm 21/2. Giờ đây, thỏa thuận này có thể đã không còn cứu vãn được nữa.

Trong hơn 50 năm qua, Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga) đã ký kết nhiều thỏa thuận hạt nhân nối tiếp nhau để luôn tạo khuôn khổ ổn định và dễ tiên đoán về các loại vũ khí chiến lược. Sau khi New START đổ vỡ, một cuộc chạy đua vũ trang mới có thể xảy ra cùng lúc với xung đột ở Ukraine.

 Theo Reuters, các nhà phân tích an ninh cho rằng việc Nga rút khỏi thỏa thuận hạt nhân cuối cùng sẽ làm phức tạp hóa thêm rất nhiều những toan tính về sự răn đe lẫn nhau giữa hai siêu cường Mỹ - Nga, đồng thời kích thích các quốc gia hạt nhân khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan mở rộng kho vũ khí hủy diệt của mình.

Trong bài phát biểu hôm 21/2/2023, tức gần một năm kể từ ngày Nga tiến công Ukraine, Tổng thống Putin cho biết Nga không từ bỏ hoàn toàn hiệp ước New START ký kết vào năm 2010 với nội dung hạn chế số đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Nga và Mỹ triển khai.

Tuy nhiên, các chuyên gia về hạt nhân chỉ ra rằng hiệp ước này không có điều khoản nào cho phép hai bên được “tạm dừng tham gia” như phía Nga tuyên bố. Nói cách khác, nếu Nga không còn tham gia đầy đủ thì có nghĩa là Nga đã rút lui hoàn toàn. 

Ông Putin cho biết Moscow sẽ chỉ nối lại các cuộc thảo luận nếu như kho vũ khí hạt nhân của Anh và Pháp – hai đồng minh thân thiết của Mỹ - cũng được tính đến trong thỏa thuận. Các nhà phân tích cho rằng điều kiện này của Nga chắc chắn sẽ không được Mỹ chấp nhận và đòi hỏi phải viết lại toàn bộ hiệp ước.

Ông William Alberque, Giám đốc chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng Nga muốn từ bỏ hiệp ước New START nhưng lại đang tìm cách đổ lỗi cho Washington. 

“Nga đã toan tính rằng hiệp ước này sẽ chết. Nỗ lực của phía Nga hiện được dồn vào việc khiến cho Mỹ phải chịu thiệt”, ông Alberque trả lời phỏng vấn Reuters.

Hiệp ước New START giới hạn số đầu đạn trên mỗi tên lửa mà mỗi nước có thể triển khai. Việc hiệp ước này đổ vỡ có thể khiến số đầu đạn hạt nhân được triển khai nhanh chóng tăng gấp nhiều lần.

Theo thống kê của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), trong năm 2022, Nga có tổng cộng 5.977 đầu đạn hạt nhân các loại, trong khi Mỹ cũng không cách xa với 5.428 đầu đạn.

“Chỉ sau một đêm, cả hai bên có thể đưa số đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai từ 1.550 lên 4.000”, ông Alberque nói. Động thái này tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định vì tâm lý “không dùng là mất”. Việc nhiều đầu đạn hạt nhân của đối thủ tập trung ở một số ít địa điểm sẽ tạo ra các mục tiêu tấn công hấp dẫn.

Nga có nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới. 

Cực kỳ bất ổn

Tổng thống Putin ngày 21/2 lập luận rằng việc Mỹ đòi kiểm tra kho vũ khí hạt nhân của Nga theo hiệp ước New START là hết sức “lố bịch” vì Mỹ và NATO đang cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại quân đội Nga.

Hồi tháng 12 năm ngoái, lực lượng Ukraine đã tổ chức các cuộc tập kích vào căn cứ không quân Engels nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cách Moscow 730 km về phía đông nam. Các máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga được đặt ở sân bay này.

Tổng thống Putin cáo buộc rằng phía NATO đã “trang bị và hiện đại hóa” các máy bay không người lái để giúp Ukraine tấn công sân bay Engels, tuy nhiên ông Putin không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Chính sách của phía Ukraine là không công khai phủ nhận hay xác nhận các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga. 

Ông James Cameron, chuyên gia nghiên cứu tại Dự án Hạt nhân Oslo, nói rằng nếu New START bị hủy bỏ, cả hai bên sẽ quay lại với việc suy đoán năng lực và ý định hạt nhân của đối phương tương tự như thời Chiến tranh Lạnh.

“Mối quan hệ sẽ cực kỳ bất ổn vì cả hai bên đều hành động theo kịch bản xấu nhất, …, cuối cùng sẽ dẫn tới một tình huống hết sức mất ổn định giữa hai nước và khiến cho rủi ro sử dụng vũ khí hạt nhân cao hơn”, ông Cameron nói.

Cả hai nhà phân tích Alberque và Cameron đều lo ngại việc ông Putin nhắc đến khả năng nối lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Lần cuối cùng Nga (Liên Xô) thử bom nguyên tử là vào tháng 10/1990, Mỹ là tháng 9/1992, tức là hơn 30 năm trước.

Ông Putin nói rằng Nga sẽ không thử vũ khí trừ khi Mỹ làm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia lo rằng Tổng thống Nga có thể sẽ cáo buộc Washington đã tiến hành thử nghiệm hoặc đang chuẩn bị một cuộc thử nghiệm để tiến hành hoạt động hạt nhân theo ý mình.

Ông Alberque cho biết Mỹ và Liên Xô từng sử dụng các cuộc thử vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh “để ra tín hiệu với đối phương rằng mình đang tức điên”.

Ông Cameron chỉ ra rằng một vụ thử hạt nhân của Nga sẽ được coi là một nấc leo thang căng thẳng tại Ukraine và “thể hiện Nga ngày càng sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân” trên chiến trường Đông Âu.

Trong 12 tháng kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022 đến nay, ông Putin đã nhiều lần nhắc nhở phương Tây rằng Nga có vũ khí hủy diệt hàng loạt và sẵn sàng sử dụng để bảo vệ lãnh thổ Nga cũng như 4 khu vực của Ukraine mà Moscow đã sáp nhập.

Sự sụp đổ của Hiệp ước New START sẽ có ý nghĩa gì với Ấn Độ và Pakistan, và Trung Quốc sẽ làm gì? Nhà phân tích Alberque cho rằng tình hình hiện nay có thể còn nguy hiểm hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh bởi vì hiện có nhiều nước trên đường đua hạt nhân hơn và thực tế này là “cực kỳ tồi tệ đối với an ninh toàn cầu”.

Tổng số đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga hiện thấp hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh nhưng vẫn đủ hủy diệt Trái Đất.

Đức Quyền