Vì sao phương Tây e ngại trừng phạt ngành năng lượng hạt nhân của Nga?
Ngoại lệ đáng chú ý
Kể từ khi chiến sự với Ukraine nổ ra, phương Tây đã trừng phạt hầu hết các mặt hàng năng lượng xuất khẩu của Nga, trừ một ngoại lệ là năng lượng hạt nhân.
Rosatom, công ty năng lượng hạt nhân độc quyền của chính quyền Moscow, đã kiểm soát nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu tại khu vực Zaporizhzhia của Ukraine, sau khi quân đội Nga chiếm giữ nó một năm trước.
Tờ CNN cho biết Rosatom hiện đang xuất khẩu và làm giàu uranium cũng như xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới.
Kiev cáo buộc Moscow đã biến nhà máy tạiZaporizhzhia thành căn cứ quân sự và sử dụng nó làm vỏ bọc để tiến hành các cuộc tấn công do biết Ukraine lo ngại mình có thể bắn trúng một trong các lò phản ứng của nhà máy trong quá trình đáp trả. Ukraine cũng đổ lỗi cho Nga về các vụ nổ tại nhà máy.
Ông Petro Kotin, Giám đốc tạm thời của công ty năng lượng nguyên tử Energoatom của Ukraine, lo lắng rằng nhà máy Zaporizhzhia đang bị quân sự hóa. Ông Kotin cũng e ngại rằng nhân viên có trình độ tại chỗ củanhà máy này đã giảm đáng kể.
Vị giám đốc nói rằng nếu có sự cố gì xảy ra, Energoatom không thể can thiệp kịp thời vì Nga đang kiểm soát khu vựcZaporizhzhia.
Giới chuyên gia cho biết Rosatom vẫn "bình an vô sự" bởi vai trò thiết yếu của công ty trong ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu và thực tế là công ty này không dễ bị thay thế.
Trên hết, Rosatom là nhà xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân lớn trên thế giới. Năm 2021, khoảng 14% lượng uranium cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ đến từ Rosotom. Các công ty năng lượng của châu Âu cũng mua gần 1/5 nhiên liệu hạt nhân từ Rosatom.
Ông Paul Dorman, cố vấn lâu năm của chính phủ Anh về ngành hạt nhân, cho biết Liên minh châu Âu (EU) hầu như chưa đạt được tiến triển nào để giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành hạt nhân của Nga.
Rosatom còn cung cấp dịch vụ làm giàu uranium, đáp ứng 28% nhu cầu của Mỹ vào năm 2021. Công ty cũng đã xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới và thậm chí còn tài trợ cho một số công trình.
Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia ước tính đến cuối năm 2021, gần 20% số nhà máy điện hạt nhân trên thế giới nằm ở Nga hoặc do Nga xây, và Rosatom đang xây dựng thêm 15 nhà máy khác bên ngoài nước Nga.
Sự phụ thuộc lớn
Ông Kacper Szulecki, Giáo sư nghiên cứu tại Viện Các vấn đề quốc tế của Na Uy, cho biết chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn đến mức chúng chỉ có chính phủ mới có thể tài trợ cho chúng. Trong một số trường hợp, đến cả chính phủ cũng không có đủ nguồn lực.
Trong những trường hợp đó, Rosatom thường đứng ra giải quyết, cung cấp hạn mức tín dụng được bảo đảm bởi chính phủ Nga. Đôi khi, Rosatom còn ký kết hợp đồng dài hạn để cung cấp nhiên liệu hạt nhân hoặc thậm chí là vận hành nhà máy.
Sự phụ thuộc đó có thể vượt qua mọi cân nhắc khác. Ví dụ, trong số các thành viên EU, Hungary là nước phản đối việc trừng phạt Rosatom mạnh mẽ nhất. Hungary cũng đồng thời là một trong số ít các quốc gia EU dựa vào năng lượng hạt nhân cho hơn 40% sản lượng điện trong nước và có thỏa thuận dài hạn để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với Rosatom.
Các chuyên gia cho biết việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới để thay thế Rosatom trong ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu sẽ mất nhiều năm. Đó có thể là lý do việc chiếm đóng nhà máy Zaporizhzhia không khiến Rosatom mất đi các khách hàng tương lai. Thậm chí doanh thu nước ngoài của công ty trong năm 2022 còn được ước tính là sẽ tăng trưởng 15%.
Chủ tịch Kotin của Energoatom tin rằng Rosatom bảo trì thiết bị rất kém, việc Nga chiếm đóng nhà máy ởZaporizhzhia có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục được. Ông nói: “Nếu tình trạng này diễn ra thêm một năm nữa thì chúng tôi sẽ không thể khởi động lại nhà máy”.
Phía Nga nhiều lần cáo buộc chính Ukraine đã nã đạn vào nhà máy Zaporizhzhia và Rosatom phủ nhận việc có thiết bị quân sự hạng nặng tại địa điểm này.