Reuters: Mỹ muốn cùng đồng minh trừng phạt Trung Quốc nếu Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Nga
Mỹ cân nhắc trừng phạt Trung Quốc
Theo 4 quan chức chính phủ Mỹ và các nguồn tin khác của Reuters, Washington đang thông báo tới các đồng minh thân cận về khả năng trừng phạt Trung Quốc nếu Bắc Kinh viện trợ vũ khí cho Nga.
Các cuộc tham vấn vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ. Mục đích của Washington là kêu gọi thêm sự ủng hộ từ nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước G7, để phối hợp cùng Mỹ nếu lệnh trừng phạt Trung Quốc được ban hành.
Hiện chưa rõ chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đề xuất những biện pháp trừng phạt cụ thể nào. Giới chức Mỹ chưa bao giờ tiết lộ về các cuộc thảo luận này trước đây.
Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan đi đầu về các lệnh trừng phạt, từ chối trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Trong vài tuần gần đây, Washington và các đồng minh cho biết Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga, song Bắc Kinh phủ nhận. Các trợ lý của ông Biden chưa công khai bằng chứng nào.
Dù vậy, họ đã trực tiếp cảnh báo Trung Quốc. Ngày 18/2, tại cuộc gặp trực tiếp bên lề hội nghị an ninh toàn cầu tại Munich, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhắn nhủ nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị nên thận trọng.
Theo nguồn tin của Reuters, giới chức Mỹ đang đặt nền móng cho các biện pháp trừng phạt Trung Quốc với các đồng minh thân cận nhất, cũng chính là các nước đã áp cấm vận Nga sau khi nước này tấn công Ukraine một năm trước.
Khi được hỏi về các cuộc tham vấn, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết cuộc chiến của Nga đã khiến quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu và một số quốc gia khác trở nên trắc trở.
“Cuộc chiến khiến Trung Quốc phân tâm, đồng thời có thể là một đòn giáng mạnh vào các mối quan hệ quốc tế của họ, Bắc Kinh có lẽ không cần và không muốn điều đó xảy ra”, vị phát ngôn viên nói thêm.
Tin tình báo ít ỏi
Một quan chức từ một quốc gia được Washington tham vấn cho biết họ chưa nhận được nhiều thông tin tình báo chứng tỏ Trung Quốc đang cân nhắc hỗ trợ quân sự cho Nga.
Song, một quan chức chính phủ Mỹ nói Washington đang cung cấp những thông tin tình báo chi tiết cho các đồng minh.
Vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến tại Ukraine dự kiến sẽ là một trong những chủ đề quan trọng khi ông Biden gặp Thủ tướng Olaf Scholz tại Nhà Trắng vào ngày 3/3.
Trước đó, tại New Delhi, ngoại trưởng từ hàng chục quốc gia, bao gồm Nga, Trung Quốc và Mỹ, sẽ thảo luận về cuộc chiến.
Tuần trước, Trung Quốc đã công bố một văn bản gồm 12 điểm, kêu gọi các bên ngừng bắn và dần tiến tới đàm phán hoà bình. Đề xuất của Bắc Kinh đã vấp phải sự hoài nghi của phương Tây.
Nguồn tin của Reuters cho biết, liên quan đến các biện pháp trừng phạt tiềm tàng nhắm vào Trung Quốc, Washington vẫn chưa đạt được sự đồng thuận với các quốc gia đồng minh.
Một nguồn tin nói chính quyền ông Biden trước tiên muốn nêu ý tưởng về các biện pháp trừng phạt phối hợp và sau đó các nước “cùng bắt tay hành động” nếu Trung Quốc thực sự gửi vũ khí đến Nga.
Trong bối cảnh nguồn cung đạn dược của Nga dần cạn kiệt, Ukraine và đồng minh lo ngại rằng nguồn cung vũ khí từ Trung Quốc có thể khiến cuộc xung đột nghiêng về phía có lợi cho Moscow.
Là một phần của nỗ lực ngoại giao liên quan, Washington đã giành được tiếng nói trong một tuyên bố của nhóm G7 vào ngày 24/2/2023, tròn một năm kể từ khi chiến sự nổ ra.
Trong đó, G7 kêu gọi “các nước thứ ba” “ngừng hỗ trợ vật chất cho cuộc chiến của Nga, nếu không sẽ phải đối mặt với cái giá đắt”.
Một trong các thách thức của Mỹ khi áp trừng phạt Trung Quốc là quan hệ mật thiết và sâu rộng của nước này với các nền kinh tế lớn của châu Âu và châu Á. Các đồng minh của Mỹ, từ Đức đến Hàn Quốc, đều không muốn xa lánh Trung Quốc.
Ông Anthony Ruggiero, chuyên gia về chính sách trừng phạt dưới thời Tổng thống Donald Trump, gợi ý Washington nên làm sao để buộc Trung Quốc phải lựa chọn giữa quyền tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ hoặc hỗ trợ cuộc chiến của Nga. Ông đã nhắc đến chính sách trừng phạt của Mỹ với Iran và Triều Tiên.