|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống Nga đang chờ phương Tây hết kiên nhẫn và 'bỏ rơi’ Ukraine

12:08 | 24/02/2023
Chia sẻ
Theo tờ Al Jazeera, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chờ phương Tây chấm dứt sự ủng hộ đối với Ukraine. Do đó, các nước phương Tây nên thành lập một liên minh chính thức với Kiev để chặn đứng chiến lược này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu thường niên tại Moscow vào ngày 21/2. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Một năm sau khi bùng nổ xung đột Nga-Ukraine, Kiev đã thành công trong việc ngăn chặn cuộc tấn công chớp nhoáng được Tổng thống Nga Vladimir Putin kỳ vọng sẽ mang lại một chiến thắng nhanh chóng. Ukraine cũng đã thực hiện một cuộc phản công hiệu quả ở phía đông và phía nam.

Kết quả là Nga không kiểm soát được một phần đáng kể lãnh thổ mà nước này tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022. Bất chấp thành tích không mấy ấn tượng của quân đội Nga, ông Putin không có dấu hiệu từ bỏ cuộc xung đột. Trong thông điệp liên bang ngày 21/2, ông Putin khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Lập trường của phương Tây

Cho đến nay, phương Tây đã thể hiện rõ ràng lập trường ủng hộ Ukraine. Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy, ông Biden đã cam kết rằng Washington sẽ ủng hộ Ukraine "đến cùng".

Ngày hôm sau, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng tới Kiev để gặp Tổng thống Ukraine. Bà khẳng định sự ủng hộ của Italy đối với Ukraine và cho biết chính phủ của bà dự định cung cấp các hệ thống phòng không Spada và Skyguard cho quân đội Ukraine, bên cạnh hệ thống SAMP-T/Mamba mà nước này đã quyết định cung cấp cùng với Pháp.

Vài ngày trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich, các nhà lãnh đạo châu Âu khác đã cam kết ủng hộ Ukraine và thậm chí thừa nhận họ đã quá chậm chạp trong việc cung cấp những vũ khí cần thiết để đẩy lùi lực lượng của Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi phương Tây cung cấp nhiều xe tăng cho Ukraine “ngay bây giờ” mặc dù chính ông đã đắn đo nhiều tháng về quyết định này. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng tán thành việc các đồng minh gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine và huấn luyện các phi công Ukraine sử dụng các máy bay phản lực tiên tiến nhất.

Phương Tây cũng đã kiên định đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nhằm làm suy yếu năng lực quân sự của Điện Kremlin.

Lệnh trừng phạt lớn mới nhất là lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm tinh chế dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào ngày 5/2. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang thảo luận về kế hoạch áp dụng các biện pháp trừng phạt mới có thể được công bố trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 24/2.

Tuy nhiên, phương Tây chưa dành cho Ukraine sự hỗ trợ trong một số khía cạnh nhất định, khi họ không tán thành việc xóa nợ cho nước này. Trong khi đó, đề xuất lấy các tài sản tịch thu từ Ngân hàng Trung ương Nga và các nhà tài phiệt Nga nằm trong danh sách cấm vận để trao cho Kiev như một khoản bồi thường vẫn chưa được tiến hành.

Bên cạnh đó, Ukraine cũng đang phải đối mặt với khó khăn về sản xuất và cũng như quá trình chuyển giao vũ khí từ các nước thứ ba. Điều này đang đe dọa khả năng cung cấp đủ đạn dược cho Kiev.

 

Mỹ viện trợ nhiều hệ thống pháo phản lực HIMARS cho Ukraine để chống lại Nga. (Ảnh: Lục quân Mỹ).

 

Một liên minh chính thức

Trước những diễn biến của cuộc xung đột, ông Putin dường như đang hy vọng phương Tây dừng hỗ trợ Ukraine, qua đó đảm bảo một chiến thắng trong dài hạn của Nga.

Theo ông Maximilian Hess, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, ông Putin nhận thức rõ rằng cuộc chiến càng kéo dài, phương Tây sẽ càng tốn kém nhiều hơn để tài trợ cho Ukraine. Gánh nặng kinh tế của cuộc chiến có khả năng giúp đưa các nhà lãnh đạo phương Tây “hiền hòa” hơn lên nắm quyền trong những năm tới.

Đứng đầu trong số các chính trị gia “ôn hòa” là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có nhiều khả năng để trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa một lần nữa trong cuộc đua tổng thống năm 2024. Ông đã chỉ trích sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev, đồng thời bày tỏ tin tưởng ông có thể đảm bảo một thỏa thuận hòa bình với ông Putin nếu tái đắc cử.

Tại châu Âu, cũng có những chính trị gia có thiện cảm với ông Putin. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán vẫn duy trì sự ủng hộ với Điện Kremlin, bất chấp sự phụ thuộc của nước này vào ngân sách của Liên minh châu Âu (EU). Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen cũng được biết đến với cách tiếp cận mềm mỏng với Nga.

Chuyên gia Maximilian Hess cho rằng điều quan trọng hiện nay là phải đảm bảo sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine được duy trì trong thời gian dài và việc thiếu một liên minh chính thức giữa phương Tây và Ukraine là nguy cơ cần được giải quyết.

Binh sỹ Ukraine bên súng máy DShK cỡ nòng 12,7mm. (Ảnh: Bộ Tổng tham mưu Ukraine).

Để ngăn chặn nguy cơ sự ủng hộ dành cho Ukraine dao động do mất đoàn kết, phương Tây phải bắt đầu cân nhắc chiến lược về một cuộc chơi lâu dài. Nếu Mỹ, EU và Anh đồng ý kết nạp Ukraine vào một liên minh chính thức, động thái này sẽ chứng minh cho ông Putin thấy chiến lược chiến tranh hiện tại sẽ thất bại và phương Tây sẽ củng cố sự ủng hộ lâu dài đối với Kiev.

Xung đột kéo dài một năm qua đã chứng tỏ Ukraine có thể thua nếu bị phương Tây bỏ rơi. Đảm bảo sự ủng hộ lâu dài của phương Tây là hy vọng duy nhất để buộc Tổng thống Nga ngồi vào bàn đàm phán.

Trà My

Thị trường phân hóa, VN-Index tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm
Dòng ngân hàng có tín hiệu hồi phục đầu tiên với VBB tăng hết biên độ lên 11.100 đồng/cp. Cùng chiều, giao dịch khởi sắc còn được chứng kiến ở SHB (+2,3%), ABB (+1,3%), VCB (+1,2%), KLB (+0,9%), BID (+0,3%), …