|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc đời J.P. Morgan: Từ trùm đường sắt đến người hùng Phố Wall, ông chủ ngân hàng lớn nhất nước Mỹ

13:09 | 23/02/2023
Chia sẻ
J.P. Morgan là một trong những nhà đầu tư tài chính lỗi lạc nhất thế giới trong hai thập kỷ trước khi bùng nổ Thế chiến thứ nhất. Ông đã đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng, tổ chức lại các tuyến đường sắt lớn và thiết lập các tập đoàn công nghiệp khổng lồ.

Ông J.P. Morgan được ví như người thống trị chủ nghĩa tư bản Mỹ cho đến khi qua đời vào năm 1913. (Ảnh: themorgan.org)

Ông J.P. Morgan, tên đầy đủ là John Pierpont Morgan, sinh ngày 17/4/1837 tại Hartford, Connecticut, Mỹ và mất ngày 31/3/1913, tại Rome, Italy.

Khởi nghiệp

Là con trai của nhà đầu tư tài ba Junius Spencer Morgan (1813 - 1890), John Pierpont Morgan học tập tại thành phố Boston (Mỹ) và Đại học Göttingen (Đức).

J.P. Morgan bắt đầu sự nghiệp vào năm 1857 trong vị trí kế toán cho ngân hàng Duncan, Sherman and Company tại New York. Đây là chi nhánh tại Mỹ của công ty George Peabody and Company có trụ sở chính ở London. Năm 1861, Morgan trở thành nhân viên trong ngân hàng của cha ông tại thành phố New York.

Trong giai đoạn 1864–1871, ông là thành viên của công ty Dabney, Morgan and Company, và vào năm 1871, ông trở thành đối tác (partner) trong công ty Drexel, Morgan and Company tại thành phố New York. Công ty này nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp tài chính chủ lực cho chính phủ Mỹ.

Nhờ kết nối với công ty Peabody, ông Morgan đã xây dựng được mối quan hệ mật thiết với thế giới tài chính London, và trong suốt những năm 1870, ông có thể lấy nguồn vốn từ các chủ ngân hàng Anh để cung cấp cho các tập đoàn công nghiệp đang phát triển nhanh chóng tại Mỹ.

Năm 1895, Dabney, Morgan and Company đổi tên thành J.P. Morgan and Company và dần trở thành một trong những tập đoàn ngân hàng quyền lực nhất trên thế giới, nhờ tài năng của ông Morgan.

Ông trùm đường sắt

Ông Morgan bắt đầu tái tổ chức các tuyến đường sắt vào năm 1885, thông qua việc dàn xếp một thỏa thuận giữa hai trong số các công ty đường sắt lớn nhất nước Mỹ là New York Central Railroad và Pennsylvania Railroad nhằm giảm thiểu cuộc chiến giá cả và sự cạnh tranh trong ngành đường sắt.

Năm 1886, ông thiết lập hai công ty đường sắt lớn hơn nhằm ổn định cơ sở tài chính cho doanh nghiệp. Trong quá trình tái cấu trúc, ông Morgan trở thành thành viên hội đồng quản trị của nhiều công ty đường sắt, qua đó gây dựng được sức ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp này.

Từ năm 1885 đến 1888, ông Morgan mở rộng tầm ảnh hưởng của mình sang các công ty đường sắt có trụ sở tại Pennsylvania và Ohio. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1893, ông nhận được lời kêu gọi khôi phục một số tuyến đường sắt hàng đầu trong nước, bao gồm Southern Railroad, the Erie Railroad, and the Northern Pacific.

Năm 1902, ông hợp nhất các hãng tàu xuyên Đại Tây Dương, trong đó có White Star, để thiết lập International Mercantile Marine (IMM).

Ông đã giúp ổn định giá cước đường sắt và ngăn cản sự cạnh tranh hỗn loạn ở phía đông. Bằng cách giành quyền kiểm soát phần lớn cổ phần của các công ty đường sắt, ông Morgan trở thành một trong những “ông trùm” đường sắt quyền lực nhất thế giới khi kiểm soát khoảng 8.000 km đường sắt của nước Mỹ vào năm 1902.

Tháng 4/1912, ông Morgan đặt chỗ trên chuyến đi đầu tiên của con tàu nổi tiếng Titanic của hãng White Star. Song, ông buộc phải hủy bỏ chuyến đi do bị ốm. Nhờ đó, ông may mắn thoát nạn khi con tàu này chìm giữa Đại Tây Dương lạnh giá và khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.

Người hùng Phố Wall

Trong thời kỳ suy thoái sau cuộc khủng hoảng năm 1893, ông Morgan giúp huy động lượng vàng trị giá 62 triệu USD để đưa vào kho dự trữ cạn kiệt của chính phủ, giải quyết cuộc khủng hoảng của Bộ Tài chính.

Ông Morgan cũng lãnh đạo cộng đồng tài chính Mỹ ngăn chặn thành công nguy cơ sụp đổ sau cơn hoảng loạn trên thị trường chứng khoán năm 1907.

Ông Morgan đã triệu tập một cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng khác tại Thư viện Morgan. Ông khóa trái phòng họp lại và nhét chìa khóa vào túi. Ông khẳng định sẽ chỉ mở cửa cho đến khi mọi người thống nhất được một giải pháp để cứu hệ thống ngân hàng khỏi khủng hoảng.

Sau cùng, lãnh đạo các ngân hàng đã thống nhất được một thỏa thuận nhằm bảo vệ khả năng thanh toán của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là Hank Paulson cũng áp dụng cách làm tương tự như J.P. Morgan đã làm 101 năm trước: Trong ba ngày cuối tuần 12, 13 và 14/9/2008, Paulson triệu tập chủ tịch HĐQT các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ khi đó gồm JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Citigroup, Merrill Lynch ... đến tòa nhà của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tại New York.

Nhiệm vụ của "nhóm tinh hoa tài chính" này là tìm cách giải cứu Lehman Brothers. Theo đề xuất của Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO của JPMorgan Chase, các ngân hàng đồng ý góp tiền để cứu Lehman. Tuy nhiên, nỗ lực này cuối cùng đã thất bại vì vướng mắc quy định pháp luật. Lehman phá sản và thế giới rơi vào suy thoái. 

Hợp nhất doanh nghiệp

Ông Morgan đã cấp vốn cho một loạt các vụ sáp nhập trong lĩnh vực công nghiệp nhằm định hình lại cấu trúc doanh nghiệp sản xuất của Mỹ.

Dự án đầu tiên là vụ dàn xếp sáp nhập Edison General Electric và Thomson-Houston Electric Company vào năm 1891, để thành lập General Electric, tập đoàn sản xuất thiết bị điện lớn nhất tại Mỹ.

Sau khi tung tiền để thành lập Federal Steel Company vào năm 1898, ông Morgan đã sáp nhập doanh nghiệp này với Carnegie Steel Company và các công ty thép khác vào năm 1901 để thành lập United States Steel Corporation, tập đoàn trị giá hàng tỷ USD đầu tiên trên thế giới.

Năm 1902, Morgan tập hợp một số nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp hàng đầu để thành lập tập đoàn chuyên về máy gặt đập International Harvester Company.

Sau khi ngừng thực hiện các cuộc sáp nhập lớn, ông Morgan tập trung gia tăng quyền kiểm soát các ngân hàng và các công ty bảo hiểm.

Thông qua một hệ thống liên kết chặt chẽ các thành viên trong hội đồng quản trị các doanh nghiệp mà ông đã tái tổ chức, ông Morgan và tập đoàn của ông giành được quyền kiểm soát đáng kể đối với một số tập đoàn và tổ chức tài chính hàng đầu của quốc gia. Nhờ đó, ông được ví như người thống trị chủ nghĩa tư bản Mỹ cho đến khi qua đời vào năm 1913.

Ông Morgan cũng là một trong những nhà sưu tập sách và nghệ thuật lớn nhất trong thời đại của ông. Nhà tài phiệt này đã tặng nhiều tác phẩm nghệ thuật cho Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở thành phố New York.

Bộ sưu tập sách của ông và tòa nhà chứa bộ sưu tập này tại thành phố New York trở thành thư viện tham khảo công cộng vào năm 1924. Ngày nay, nó trở thành Thư viện & Bảo tàng Morgan. 

Ngày nay, ngân hàng JPMorgan Chase mang tên ông vẫn là nhà băng lớn nhất nước Mỹ xét theo quy mô tổng tài sản.

 

Trà My