Vì sao chuyến thăm bất ngờ của ông Biden đến Kiev lại gây thêm rắc rối cho chứng khoán Trung Quốc?
Căng thẳng Mỹ-Trung
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã nhận được cú hích sau khi chính phủ mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích gần đây cho biết cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine đang khơi mào rắc rối mới trong bối cảnh đà tăng của thị trường có dấu hiệu suy yếu.
Hiện tại, chiến sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc. Mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Nga đã làm tăng rủi ro địa chính trị đối với cổ phiếu Trung Quốc.
Chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Joe Biden tới thủ đô Kiev và cam kết hỗ trợ của Washington dành cho Ukraine đồng nghĩa với việc cuộc chiến có vẻ sẽ kéo dài.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), thời điểm của chuyến thăm này cực kỳ tồi tệ đối với cổ phiếu Trung Quốc và Hong Kong, vốn đang trải qua các đợt rung lắc do nhà đầu tư lo ngại về sức mạnh của cuộc phục hồi kinh tế Trung Quốc hậu COVID-19.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã rớt hơn 8% từ đỉnh thiết lập trong tháng 1, còn chỉ số Shanghai Composite của cổ phiếu đại lục giảm gần 2%.
Ông Dai Ming, nhà quản lý quỹ tại Huichen Asset Management ở Thượng Hải, nhận xét: “Xung đột Nga-Ukraine kéo dài sẽ tạo ra thêm lực cản đối với cổ phiếu – cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế. Chúng tôi hy vọng hai nước có thể quay lại bàn đàm phán và kết thúc cuộc chiến nhanh nhất có thể”.
Trung Quốc chủ yếu duy trì vị thế trung lập đối với cuộc chiến, phản đối các hành động quân sự và từ chối lên án Moscow. Washington đang cảnh giác cao độ trước khả năng Bắc Kinh sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Moscow.
Ông Tan Qian, nhà phân tích tại công ty chứng khoán China Fortune Securities, cho biết: “Sự leo thang của xung đột Nga-Ukraine gần đây và vụ ồn ào xoay quanh việc khinh khí cầu bị bắn hạ đã làm tăng yếu tố khó đoán cho quan hệ Trung-Mỹ. Điều này làm giảm khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư”.
Áp lực lạm phát
Xung đột quân sự kéo dài sẽ gây hại cho cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu, bởi thị trường hàng hoá sẽ có nguy cơ bị đảo lộn lần nữa. Áp lực giá có thể thúc đẩy Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ và gây ra tình trạng tháo chạy dòng vốn tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc.
Nền kinh tế Nga có quy mô 1.800 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 1/10 Trung Quốc và 1/14 Mỹ. Tuy nhiên, Nga lại có vị thế thống trị trên thị trường hoàng hóa toàn cầu. Theo Sealand Securities, Nga có trữ lượng khí tự nhiên lớn nhất trên thế giới và là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong năm 2021. Quốc gia này cũng là nhà sản xuất lúa mỳ hàng đầu.
- TIN LIÊN QUAN
-
Phân bón trở thành công cụ ngoại giao sắc bén, hơn 30% sản lượng nằm trong tay Trung Quốc và Nga 20/02/2023 - 17:49
Amundi Asset Management, công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, cho biết chiến lược phòng vệ tốt nhất trước cuộc chiến Nga-Ukraine là sở hữu các hàng hóa có khuynh hướng tăng giá.
Báo cáo ngày 21/2 của Amundi viết: “Trong môi trường phức tạp hiện nay, hàng hóa có thể là lựa chọn hấp dẫn. Giao tranh Nga-Ukraine đã gây ra các tác động khác nhau đối với các nhóm ngành và doanh nghiệp.
Nhà đầu tư phải đối mặt với một môi trường địa chính trị mới với các đặc điểm là chuỗi giá trị ngắn hơn, chủ nghĩa bảo hộ mạnh hơn và lạm phát cao hơn”.
Amundi cho rằng thị trường mới nổi và các nước thu nhập thấp sẽ chịu tác động nặng nề nhất khi lạm phát gia tăng, bởi năng lượng và thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số giá tiêu dùng của những nước này.
Sự nóng lên của lạm phát sẽ dẫn đến việc các nước thắt chặt tài chính và làm giảm triển vọng tăng trưởng. Trong khi đó, nhiều khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ do lạm phát tại Mỹ vẫn chưa được khống chế.
Riêng tại Trung Quốc, công ty môi giới CSC Financial khuyến nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu quốc phòng, vì bất ổn toàn cầu gia tăng sẽ thúc đẩy Bắc Kinh chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.