Lực lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ của Trung Quốc ngại rủi ro, đứng ngoài cuộc vui của thị trường chứng khoán
Bỏ lỡ cơ hội
Đầu năm nay, Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại sau ba năm áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Diễn biến này khiến nhiều người kỳ vọng về một cuộc phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế, đồng thời giúp thị trường chứng khoán tăng 13% trong ba tháng qua.
Song, các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Trung Quốc vẫn ngần ngại bước chân vào thị trường. Họ vẫn còn ám ảnh với các chiến dịch kiểm soát của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ và bất động sản, cũng như e dè sự biến động và thua lỗ trên thị trường từ năm 2021.
Trung Quốc hiện có khoảng 212 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ, tương đương với dân số của Brazil. Tâm lý e ngại của nhóm nhà đầu tư này sẽ tạo ra những tác động nhất định đến đợt tăng điểm hiện tại của thị trường chứng khoán.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Uỷ ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc Yi Huiman cho biết vào cuối năm 2022, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm 60% một thước đo về thanh khoản của cổ phiếu hạng A.
Ông Ma, một người gốc Thượng Hải ở độ tuổi cuối 40, là một trong những nhà đầu nhỏ lẻ đang do dự như vậy, theo Reuters.
“Trong suốt tháng qua, tôi đã hỏi khắp nơi xem mình nên mua cổ phiếu nào, vào thời điểm nào, từ các nhóm WeChat, những người bạn là nhà đầu tư kỳ cựu đến cả trên mạng xã hội”, ông Ma kể.
“Nhưng tôi chưa dám bước vào thị trường. Biến động từng ngày từng giờ khiến tôi lo lắng vì bản thân không có nhiều tiền nhàn rỗi để đầu tư. Năm ngoái, tôi đã lỗ nặng”, ông nói thêm.
Chuyển biến tích cực của thị trường cổ phiếu hạng A kể từ tháng 11 năm ngoái chủ yếu được thúc đẩy bởi việc dòng vốn ngoại quay trở lại. Nhà đầu tư quốc tế tin rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi.
Song, dữ liệu cho thấy hầu như không có thêm tài khoản chứng khoán mới được mở và số lượng giao dịch ký quỹ mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường sử dụng đã giảm xuống. Tiết kiệm hộ gia đình tăng mạnh cũng cho thấy nhà đầu tư đã trở nên thận trọng.
Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Trung Quốc, thị trường cổ phiếu hạng A ghi nhận 844.800 nhà đầu tư mới trong tháng 1, thấp hơn khoảng 36% so với mức tăng một năm trước.
Vắng nhà đầu tư nhỏ lẻ, chỉ số CSI 300 của cổ phiếu blue-chip hạng A chỉ tăng 17% kể từ cuối tháng 10, trong khi chỉ số Hang Seng China Enterprises của cổ phiếu hạng H niêm yết tại Hong Kong tăng 44%.
Tìm kiếm tia sáng
Ông Lei Meng, chiến lược gia cổ phiếu Trung Quốc tại UBS Securities, nhận định rằng các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang chờ đợi những tín hiệu chính sách rõ ràng hơn từ chính phủ.
“Một số nhà đầu tư đang theo dõi sức mạnh và tốc độ phục hồi kinh tế năm nay, đồng thời chờ đợi các tín hiệu chính sách từ kỳ họp quốc hội vào tháng 3 tới”, vị chiến lược gia cho hay.
Dù là “Gen Z” hay những người đã về hưu, các nhà đầu tư cho biết họ rất lạc quan nhưng chỉ dự định rót tiền khi triển vọng kinh tế trở nên sáng sủa hơn.
Li, một nhà đầu tư ở độ tuổi 40, chia sẻ: “Hiện tại, tôi không có kế hoạch chơi chứng khoán. Tiền có thể đi vào nhưng có thể không bao giờ ra”.
Những nhà đầu tư khác như cô Sun (khoảng 30 tuổi) thì sẽ tiếp tục gom cổ phiếu. Sun cho biết cô sẽ duy trì kế hoạch đầu tư tự động hiện tại và không thay đổi dự định trong năm nay.
Theo các nhà phân tích, một số người quá lạc quan rằng chính phủ đang nới lỏng quy định đối với lĩnh vực bất động sản và công nghệ. Đây cũng là lý do khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ thận trọng.
Ông Ting Lu, kinh tế trưởng của Nomura tại thị trường Trung Quốc, cho hay: “Chúng tôi dự đoán đà phục hồi của nền kinh tế tỷ dân sẽ mất đà trong nửa cuối năm nay”.
Tiết kiệm hộ gia đình tăng cao là một bằng chứng cho thấy tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư. Năm ngoái, tiền gửi hộ gia đình Trung Quốc đã tăng kỷ lục 17,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,61 nghìn tỷ USD), vượt xa mức tăng trưởng 9,9 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2021.
Zhou, một nhà đầu tư ở độ tuổi 50 tại Thượng Hải, đang chọn chứng chỉ tiền gửi thay vì cổ phiếu vì chúng ít rủi ro và biến động hơn. “Chúng ta không nên bỏ hết trứng vào một giỏ”, ông nói.
Dù vậy, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Wei He tại Gavekal Dragonomics, tiền tiết kiệm của người dân Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ được rót vào thị trường chứng khoán, khi nhà đầu tư bớt e ngại rủi ro.
“Do đó, tiền gửi ngân hàng của các hộ gia đình Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được dùng để đầu tư vào các tài sản tài chính hơn là để chi tiêu tiêu dùng”, ông He nói.