|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khó trông cậy Trung Quốc giải cứu nền kinh tế thế giới

15:39 | 15/02/2023
Chia sẻ
Thế giới đang trông chờ nền kinh tế Trung Quốc phục hồi để làm điểm tựa cho tăng trưởng toàn cầu và ngăn chặn nguy cơ suy thoái. Song, Wall Street Journal lại không lạc quan như vậy.

Chuyện đáng mừng

Trong một báo cáo mới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán năm nay, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 5,2%, dễ dàng vượt xa tốc độ 1,4% của Mỹ và 0,7% của Liên minh châu Âu (EU).

Theo IMF, Trung Quốc sẽ chiếm hơn 30% tăng trưởng toàn cầu, trong khi Mỹ và châu Âu cộng lại chỉ khoảng 10%. Đóng góp của đất nước tỷ dân vào tăng trưởng chung sẽ quay về mức trung bình 5 năm trước khi COVID-19 bùng phát.

Ở báo cáo khác, Goldman Sachs ước tính việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ đóng góp thêm 1 điểm % vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, chủ yếu thông qua nhu cầu năng lượng, nhập khẩu và du lịch quốc tế cao hơn.

Các nhà kinh tế của đại gia ngân hàng Mỹ cho rằng các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất là các nhà xuất khẩu dầu mỏ và những nước láng giềng của Trung Quốc ở khu vực châu Á.

“Thật đáng mừng khi Trung Quốc phục hồi trở lại, vì năm nay, nền kinh tế Mỹ và châu Âu được dự đoán sẽ giảm tốc mạnh”, ông Hoe Ee Khor, kinh tế trưởng tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Asean+3, cho hay.

Quầy xét nghiệm COVID biến thành quầy hàng ăn vặt ở thành phố Tô Châu, ngày 25/1. (Ảnh: Getty Images).

Những người Trung Quốc giàu có có thể giúp thúc đẩy cỗ máy kinh tế thế giới bằng cách chi tiêu cho hàng xa xỉ ở châu Âu và tổ chức các chuyến nghỉ dưỡng ở những nơi như Đông Nam Á.

Hồi tháng 1, nhà sản xuất đồng hồ Thuỵ Sỹ Swatch Group cho biết, dựa vào sự phục hồi doanh số tại Trung Quốc ngay sau khi nước này mở cửa, hãng kỳ vọng sẽ ghi nhận một năm kỷ lục về doanh thu nhờ kết quả kinh doanh tích cực tại đại lục, Hong Kong và Macau khi hoạt động du lịch được nối lại.

Ông Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm CEO của gã khổng lồ hàng hiệu LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, từng chia sẻ vào cuối tháng 1 rằng nhiều cửa hàng ở Macau đã chật kín khách trở lại. “Thay đổi khá ngoạn mục”, ông bày tỏ.

Tương tự, CEO David Calhoun của Boeing từng mô tả việc Trung Quốc mở cửa trở lại là “một sự kiện lớn trong ngành hàng không”. Boeing đang đặt mục tiêu đưa những máy bay đã “nằm đất” thời gian dài quay trở lại hoạt động.

Đồng thời, ông Calhoun cho biết Boeing hy vọng sẽ tiếp tục xuất xưởng máy bay đến Trung Quốc, bởi các hãng hàng không tại đại lục sẽ cần thêm 737 MAX để đáp ứng nhu cầu đi lại lớn dần.

Nhưng đừng trông cậy

Cuộc phục hồi của Trung Quốc sau ba năm đóng cửa có thể sẽ rất khác với những lần trước đó. Và đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới, tác động lan toả từ Trung Quốc có thể sẽ không được như kỳ vọng của chính phủ và doanh nghiệp.

Để tự thoát khỏi các cú sốc kinh tế, Trung Quốc thường dựa vào các gói kích thích, rót vốn vào bất động sản, cơ sở hạ tầng và lĩnh vực chế tạo. Sự kết hợp này từng giúp kéo nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng ảm đạm.

Năm 2009, Trung Quốc tăng trưởng 9,4% nhờ gói kích thích trị giá 586 tỷ USD, tạo ra một sự tương phản mạnh mẽ với các nền kinh tế phát triển đang bị bầm dập bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nhờ nhu cầu hàng hoá và máy móc của Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới cũng được hưởng lợi, chẳng hạn như các nhà sản xuất máy công nghiệp ở Đức, các công ty khai thác đồng ở Mỹ Latin, doanh nghiệp xuất khẩu than ở Australia.

 

Lần này, Trung Quốc đang chìm trong cảnh nợ nần, thị trường nhà đất gặp trục trặc và phần lớn các dự án cơ sở hạ tầng mà nước này cần đều đã được xây dựng xong, theo tờ Wall Street Journal.

Do đó, sự hồi sinh của nền kinh tế tỷ dân nhiều khả năng sẽ được dẫn dắt bởi người tiêu dùng. Dữ liệu cho thấy người dân đang mua sắm và ăn uống bên ngoài trở lại và có một số dấu hiệu cho thấy làn sóng COVID tồi tệ nhất đã qua.

Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn khá thấp. Trong khi những người giàu có đang mở rộng hầu bao, thì nhiều người khác lại chọn cách tiết kiệm phòng bất trắc.

Những tín hiệu ban đầu cho thấy tác động lớn nhất của cuộc phục hồi sẽ chủ yếu giới hạn tại Trung Quốc. Dữ liệu chính thức, bao gồm khảo sát doanh nghiệp, doanh số bán hàng và lưu lượng giao thông, cho thấy mức tăng trưởng lớn nhất sẽ đến từ các ngành dịch vụ như nhà hàng, quán bar và du lịch.

Điều đó có nghĩa là mặc dù sự vực dậy của Trung Quốc là tin tốt cho đà tăng trưởng mong manh của toàn cầu, tác động trực tiếp đến các khu vực kinh tế khác nhau trên khắp thế giới sẽ không rõ nét như trong quá khứ.

Ông Frederic Neumann, kinh tế trưởng của HSBC tại châu Á, cho hay: “Trung Quốc sẽ tạo ra một cuộc phục hồi mạnh mẽ, nhưng tác động lan toả sang phần còn lại của thế giới sẽ khá hạn chế do bản chất của sự phục hồi lần này”.

Một số nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Mỹ khó có thể cảm nhận được nhiều lợi ích vì mức độ tiếp xúc giữa nước này với các ngành dịch vụ của Trung Quốc là khá thấp.

Tăng trưởng của Mỹ thậm chí có thể bị kìm hãm nếu việc mở cửa của Trung Quốc kích thích nhu cầu và kéo giá năng lượng toàn cầu đi lên, qua đó tạo thêm áp lực lạm phát cho phương Tây.

Đó là lý do tại sao nhiều công ty lại thận trọng hơn. Các hộ gia đình Trung Quốc không được chính phủ hỗ trợ tài khoá nhiều như ở các nước phát triển và nhiều người tiêu dùng vẫn lo lắng về triển vọng thị trường việc làm và bất động sản.

Đồng CEO Noel Wallace của Colgate-Palmolive từng nói rằng bất chấp sự háo hức về cuộc mở cửa kinh tế của Trung Quốc, doanh số bán hàng gia dụng của công ty tại thị trường tỷ dẫn vẫn thấp. “Trung Quốc là một dấu hỏi lớn”, ông nói.

Yum China Holdings, công ty quản lý các chuỗi nhà hàng như Kentucky Fried Chicken và Pizza Hut tại Trung Quốc, cho biết doanh số bán hàng đã nhảy vọt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng họ vẫn e ngại về triển vọng tương lai.

Du khách tham qua di tích nhà thờ Thánh Paul tại Macau, ngày 17/1. (Ảnh: Getty Images).

Dù các chuyến bay nội địa ở Trung Quốc đã bật tăng nhanh chóng, cần một thời gian để xu hướng tương tự diễn ra với các chuyến bay đến Mỹ và châu Âu, ông Olivier Ponti, Phó Giám đốc cấp cao tại hãng tư ForwardKeys, nhận định.

Tháng 1 năm nay, số chuyến bay đến các địa điểm bên ngoài Trung Quốc đại lục chỉ tương đương khoảng 15% so với mức của năm 2019. Các điểm đến phổ biến nhất đều khá gần, như Macau, Hong Kong, Tokyo và Seoul. 

Yên Khê

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.