|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Từ khởi đầu khiêm tốn, chương trình khí cầu của Trung Quốc giờ đã vươn tầm cao mới

14:48 | 14/02/2023
Chia sẻ
Bắt đầu từ việc góp nhặt những kiến thức của Đức và Nhật Bản, các nhà khoa học và giờ là một số doanh nghiệp do nhà nước hậu thuẫn đã góp công phát triển chương trình khí cầu của Trung Quốc, gây bất ngờ cho cả Mỹ.

Khởi đầu khiêm tốn

Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu khinh khí cầu tầm cao từ cuối những năm 1970 nhưng phải đến năm 1983 mới đạt bước tiến đáng kể đầu tiên, theo các tài liệu mà CNNWall Street Journal thu thập được.

Thông qua mổ xẻ các văn bản tiếng Đức và Nhật, các nhà khoa học của Viện Khoa học Trung Quốc đã cặm cụi tính toán và dán những mẩu báo lại với nhau để thiết kế một khí cầu, hy vọng nó có thể bay đến rìa vũ trụ.

Sở dĩ Trung Quốc học hỏi từ Nhật Bản là vì trong Thế chiến thứ hai, quân đội Nhật Bản đã triển khai dự án Fu-Go, khai thác các luồng gió để tạo ra một loại "vũ khí bay vượt đại dương" đầu tiên trên thế giới: những quả khinh khí cầu mang bom.

Xuyên suốt cuộc chiến tranh, Nhật Bản đã phóng lên trời khoảng 9.000 quả khinh khí cầu như vậy, ít nhất hàng trăm quả đã băng qua đại dương và thành công đến được Mỹ.

Quay trở lại với các nhà khoa học Trung Quốc, khi đã hoàn thành một nguyên mẫu, nhóm nhà nghiên cứu đã quyết định thử nghiệm khí cầu mới vào dịp Tết Trung thu, thời điểm người dân Trung Quốc có truyền thống thả lồng đèn lên trời.

Khí cầu thử nghiệm có kích thước bằng một khinh khí cầu du lịch nhỏ và được trang bị máy móc để phát hiện một loại hạt vũ trụ năng lượng cao, phục vụ cho nghiên cứu của nữ nhà khoa học He Zehui.

Theo một bài báo của Xinhua, khí cầu đã thành công biến mất vào tầng bình lưu. Các nhà khoa học gọi nguyên mẫu này là “HAPI”, đồng âm với từ “happy” trong tiếng Anh để bày tỏ tâm trạng vui mừng của họ.

Các nhà khoa học Trung Quốc thử nghiệm khinh khí cầu thời tiết tại biên giới Trung Quốc - Nepal hồi tháng 5/2021. (Ảnh: Zuma Press).

Ngày nay, Bắc Kinh cho biết những nỗ lực của mình vẫn mang tính khoa học. Song, tuần này, Washington và các nước phương Tây đã nhìn thấy một bức tranh lớn hơn về lĩnh vực nghiên cứu khinh khí cầu tại Trung Quốc.

Từ ngày 28/1, một khinh khí cầu màu trắng của Trung Quốc đã xuất hiện trong không phận bang Montana, Mỹ. Khí cầu này bay vượt độ cao hành trình của các máy bay phản lực và Mỹ cáo buộc đây là công cụ do thám của quân đội Trung Quốc (PLA).

Trong liên tiếp nhiều ngày sau đó, Mỹ và Canada đã phát hiện ba vật thể lạ khác trong không phận. Quân đội Mỹ đã bắn hạ toàn bộ 4 vật thể này và đang tiến hành trục vớt để điều tra.

Đáp lại cáo buộc của Washington, Bắc Kinh khẳng định đây là một khí cầu dân sự không người lái, được sử dụng cho “các mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng học” và nó đã đi chệch hướng. Bắc Kinh còn cho biết có ít nhất 10 khinh khí cầu của Mỹ đã đi vào không phận của Trung Quốc kể từ năm 2022.

Đầu tuần này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh đã nhiều lần cung cấp thông tin về khí cầu, đồng thời cáo buộc Washington đang khơi mào một cuộc “chiến thông tin”.

Các thủy thủ Mỹ trục vớt khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, ngày 5/2. (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Lớn mạnh hơn nhưng đầy bí mật

Đi từ khởi đầu khiêm tốn là vậy, sau hơn 50 năm, chương trình khí cầu tầm cao của Trung Quốc rõ ràng là đang ngày càng phát triển, gây bất ngờ cho cả Mỹ. Song, thông tin về các tổ chức tham gia hay vốn đầu tư của Bắc Kinh lại không được tiết lộ mấy.

Theo những tài liệu ít ỏi được công bố trên website của một vài tổ chức, báo cáo của chính phủ và dữ liệu của các nhà phân tích nước ngoài, Trung Quốc đã ghi nhận đóng góp của một vài viện và doanh nghiệp do nhà nước hậu thuẫn.

Một công ty đã đề cập trên website rằng PLA là khách hàng của mình, trong khi một số thực thể khác trích dẫn ứng dụng quân sự trong các sản phẩm và nghiên cứu của họ.

Công ty Nghiên cứu và Thiết kế Cao su Zhuzhou (Zhuzhou Rubber, đặt trụ sở tại tỉnh Hồ Nam) tự mô tả mình là nhà sản xuất khinh khí cầu thời tiết (weather balloon) lớn nhất cả nước, chiếm 80% thị phần tại Trung Quốc.

Khí cầu thời tiết của Zhuzhou Rubber có thể bay ở độ cao 50.000 m - gấp 4 lần so với các máy bay dân dụng. Theo thông tin trên website, Zhuzhou Rubber dự kiến sẽ xuất khẩu khí cầu đến hơn 40 quốc gia/khu vực, bao gồm Nga, Pháp, Mỹ, Đức và Anh.

Trên cửa hàng Taobao của Zhuzhou Rubber, một khí cầu tầm cao có thể bay tới 20.000 m chỉ có giá 170 nhân dân tệ (khoảng 25 USD), trong khi một khinh khí cầu bay cao tới 50.000 m có giá gần 20.000 nhân dân tệ (tương đương 2.950 USD).

Zhuzhou Rubber đang thuộc quyền kiểm soát của tập đoàn nhà nước Sinochem, thông qua một công ty niêm yết ở Thượng Hải có tên Công ty Công nghệ và Khoa học Hoá chất Haohua. 

Một quỹ của chính phủ Trung Quốc, vốn được thành lập nhằm đảm bảo rằng các công nghệ mới mang lại lợi ích cho quân đội, đã đầu tư vào Haohua, theo hồ sơ chứng khoán mà Wall Street Journal thu thập được.

Zhuzhou Rubber từng cho biết họ là nhà cung cấp cho Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương của PLA, tức cơ quan chịu trách nhiệm về chiến lược và tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Theo đưa tin từ tờ South China Morning Post, Zhuzhou Rubber đã phủ nhận có bất kỳ mối liên hệ nào với vụ việc khinh khí cầu tại Mỹ.

Chương trình phát triển khí cầu của Trung Quốc đã tiến lên một tầm cao mới. (Ảnh minh hoạ: Financial Times/Dreamstime).

Viện Khoa học Trung Quốc, tổ chức đứng sau thành công năm 1983, vẫn đang nỗ lực nghiên cứu công nghệ khinh khí cầu. Gần đây, viện đã xác lập một kỷ lục thế giới về quan sát khí quyển ở độ cao 9.032 m.

Khí cầu nổi Jimu số 1 mẫu III do viện tự phát triển từng đạt độ cao 4.762 m so với mặt đất. Các thành phần chính của khí cầu, bao gồm hệ thống điều khiển, đều được sản xuất độc lập tại Trung Quốc. Jimu số 1 mẫu III mang theo nhiều công cụ phân tích và đã thu được một số dữ liệu khí tượng quan trọng ở khu vực đỉnh Everest, tờ South China Morning Post thông tin.

Ngoài hai tên tuổi nói trên, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) cũng tham gia sản xuất khinh khí cầu. AVIC ông lớn hàng không vũ trụ quân sự thuộc sở hữu nhà nước.

Chính phủ Mỹ gọi AVIC là “người dùng quân sự đầu cuối” và đã đưa tập đoàn này vào danh sách trừng phạt hồi năm 2020. AVIC cũng đang sản xuất một mẫu máy bay thương mại mà Bắc Kinh đang cố đưa ra thị trường.

Mặt khác, vào ngày 10/2, Washington đã liệt thêm 6 tổ chức và doanh nghiệp khác vào danh sách đen, khẳng định họ có liên quan đến dự án phát triển khí cầu do thám của Bắc Kinh.

6 đơn vị bị trừng phạt gồm Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ Nam Giang Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu 48 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, Công ty Công nghệ Viễn thám Dongguan Lingkong, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Eagles Men, Công ty Công nghệ Hàng không Tian-Hai-Xiang và Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không Shanxi Eagles Men.

Trong đó, Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ Nam Giang Bắc Kinh là một đơn vị thuộc nhà phát triển địa ốc Deluxe Family. Công ty này đã hợp tác với Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh phát triển khí cầu quân sự-dân sự đầu tiên của Trung Quốc với tên gọi “Dream”, theo People’s Daily.

Còn theo thông tin đăng ký công khai, Dongguan Lingkong đã được đầu tư gián tiếp bởi Viện Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh ở Đông Quang. Dongguan Lingkong chuyên phát triển khí cầu không người lái.

Trong khi đó, cả Eagles Men và Shanxi Eagles Men đều được một quỹ cổ phần tư nhân rót vốn nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu khinh khí cầu quân sự - dân sự, Reuters tìm hiểu được.

Ở diễn biến khác, nguồn tin của Bloomberg nói rằng một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ cho biết khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc có các bộ phận do phương Tây sản xuất. Trên thân khí cầu có dòng chữ tiếng Anh, nguồn tin nói.

Hiện Bloomberg chưa rõ liệu dòng chữ được phát hiện trước khi khí cầu bị bắn rơi hôm 4/2 hay được tìm thấy trong những mảnh vụn.

Thông tin trên khiến một số người nghi vấn rằng liệu Mỹ hay các công ty phương Tây khác có đang giúp Trung Quốc sản xuất khinh khí cầu hay không. Nhà Trắng vẫn đang trong quá trình điều tra.

Khả Nhân

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.