Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng khinh khí cầu do thám căn cứ quân sự khắp thế giới
Cuối tuần trước, Không quân Mỹ đã phát hiện và bắn rơi một khinh khí cầu lớn của Trung Quốc bay qua không phận Mỹ ra Đại Tây Dương. Washington cáo buộc đây là một thiết bị do thám quân sự trong khi Bắc Kinh tuyên bố đây là thiết bị theo dõi khí tượng bị gió thổi đi lệch hướng.
Trong một cuộc họp báo ngày 8/2, Chuẩn tướng Patrick S. Ryder, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết trong vài năm qua, khinh khí cầu của Mỹ đã bị phát hiện ở vùng trời Mỹ Latinh, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Đông Á và châu Âu. “Chúng tôi coi đây là một phần của chương trình do thám bằng khinh khí cầu của Trung Quốc”, Chuẩn tướng Ryder nói.
Trong một cuộc họp báo khác, Ngoại trưởng Antony Blinken cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ đã chia sẻ thông tin về chương trình gián điệp bằng khinh khí cầu của Trung Quốc với hàng chục quốc gia, thông qua các cuộc họp ở Washington cũng như qua đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài.
“Chúng tôi [chia sẻ thông tin] bởi vì Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất của chương trình rộng lớn này. [Nỗ lực do thám bằng khinh khí cầu] đã vi phạm chủ quyền của các quốc gia trên 5 châu lục”, Ngoại trưởng Blinken nói.
Theo New York Times, các quan chức Mỹ cho biết khinh khí cầu có nhiều ưu điểm so với vệ tinh bay quanh trái đất theo quỹ đạo thông thường.
Thứ nhất, khinh khí cầu bay gần mặt đất hơn nên các camera đơn giản trên khinh khí cầu có thể ghi được những hình ảnh rõ nét hơn nhiều so với với vệ tinh ở cao trên quỹ đạo. Các thiết bị do thám khác được lắp đặt trên khinh khí cầu có thể bắt được các tín hiệu không chạm tới tầm của vệ tinh.
Hôm 7/2, tờ Washington Post đã đăng tải thông tin chi tiết về chương trình do thám của Trung Quốc và khẳng định chương trình này được vận hành một phần từ hòn đảo chính của tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc.
Quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc được thúc đẩy bởi niềm tin rằng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) phải bắt kịp với các đối thủ hiện đại như Mỹ, đồng thời cần phát triển các vũ khí và chiến lược để gây bất ngờ. Khinh khí cầu đã trở thành một phần nhỏ nhưng rất sôi động của chiến lược này.
Trường Đại học Công nghệ Quốc phòng của Trung Quốc có một nhóm các nhà nghiên cứu chuyên về khinh khí cầu. Từ đầu năm 2020, tờ Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính của quân đội Trung Quốc, đã đăng một bài báo miêu tả khu vực gần không gian vũ trụ “đã trở thành chiến trường mới của chiến tranh hiện đại”.
Trong những năm gần đây, tờ báo này đã nhiều lần khuyến nghị các sỹ quan Trung Quốc phải nghiêm túc xem xét tiềm năng của khinh khí cầu.
Một bài báo vào tháng 12/2021 đã viết rằng khinh khí cầu “là một con mắt mạnh mẽ trên bầu trời giúp phát hiện các mục tiêu bay tầm thấp hoặc trên mặt đất. Trong tương lai, các nền tảng khinh khí cầu có thể trở thành một sát thủ ẩn mình đáng sợ, giống như tàu ngầm ở dưới đáy đại dương”.
Khinh khí cầu có thể giúp lấp các chỗ trống trong hệ thống vệ tinh tình báo và do thám của Trung Quốc. Theo ông John K. Culver, một cựu sỹ quan cấp cao tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), các dữ liệu do khinh khí cầu thu thập có thể bao gồm điều kiện không khí và mạng lưới liên lạc mà vệ tinh ở ngoài không gian không thể tiếp cận được.
“Dữ liệu được thu thập bởi khinh khí cầu bay qua Mỹ hoặc các đồng minh của chúng ta ở phía tâyy Thái Bình Dương có thể mang rất nhiều giá trị cho lực lượng tên lửa Trung Quốc bằng cách tăng cường năng lực xác định mục tiêu và hiểu biết về điều kiện khí quyển”, ông Culver, hiện là nhà nghiên cứu cấp tại tại Hội đồng Đại Tây Dương, trả lời câu hỏi của New York Times.
Các quan chức Mỹ cho biết cơ quan tình báo nước này dưới thời Tổng thống Joe Biden đã hiểu thêm rất nhiều về quy mô và mức độ của chương trình khí cầu do thám của Trung Quốc. Mỹ đã phát hiện nhiều lần khinh khí cầu bay vào vùng trời Mỹ nhưng không công bố rộng rãi cho dân chúng biết.
Trung Quốc phản bác
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định khinh khí cầu màu trắng mà Mỹ phát hiện hôm 3/2 là thiết bị dân sự để thu thập thông tin về thời tiết. Bắc Kinh cũng cáo buộc việc Mỹ bắn rơi khí cầu này là phản ứng thái quá, đồng thời đe dọa biện pháp trả đũa.
Chuẩn tướng Patrick Ryder cho rằng nếu khinh khí cầu này thực sự chỉ phục vụ mục đích dân sự thì Bắc Kinh lẽ ra phải báo trước cho Washington. “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã không [báo trước]. Trung Quốc đợi đến khi bị gọi thẳng tên rồi mới lên tiếng. Tôi chỉ nói như vậy thôi”.
Khi bị phát hiện, khinh khí cầu của Trung Quốc đang bay qua một trong những căn cứ quân sự của Mỹ chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, điều này càng làm Mỹ nghi ngờ khinh khí cầu trên phục vụ mục đích do thám quân sự.
Mỹ đã theo dõi các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc thu thập thông tin từ hàng chục quốc gia trên khắp thế giới, quan chức Mỹ nói. Một số hoạt động của Trung Quốc có vẻ được tập trung ở khu vực Thái Bình Dương, nhiều khinh khí cầu bị phát hiện trong không phận của đồng minh và đối tác của Mỹ.
Khinh khí cầu Trung Quốc dưới thời Donald Trump
Đại tướng Glen D. VanHerck, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh phía Bắc kiêm Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ, mới đây thừa nhận rằng Lầu Năm góc dưới thời Tổng thống Donald Trump đã để lọt khinh khí cầu Trung Quốc.
Nói đúng hơn, Mỹ không phát hiện ra khí cầu Trung Quốc lúc đang bay trong không phận Mỹ mà đến sau khi đã bay qua rồi mới nhận ra. Mỹ giữ kín các thông tin này để Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ không biết gì về chương trình khinh khí cầu của Bắc Kinh.
“Tôi phải nói là chúng tôi đã không phát hiện ra những mối đe dọa đó, và đây là một khoảng trống về phạm vi nhận thức”, Đại tướng VanHerck nói về khinh khí cầu Trung Quốc.
Ông Jake Sullian, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết chính quyền Joe Biden đã cải thiện năng lực quốc phòng để phát hiện ra những mối đe dọa mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump không biết tới, trong đó có khinh khí cầu Trung Quốc.
Ông John F. Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, hôm 6/2 cho biết khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua Mỹ ít nhất ba lần dưới thời Donald Trump.
Quan chức cấp cao dưới thời Tổng thống Trump khẳng định không nhận được thông tin gì về các khí cầu do thám của Trung Quốc khi còn đương chức. Cựu Tổng thống Trump tuyên bố việc khí cầu Trung Quốc bay vào Mỹ là “tin giả”. Ông John Ratcliffe, Giám đốc Tình báo Quốc gia dưới thời Donald Trump, cũng phủ nhận việc khí cầu Trung Quốc xâm nhập vào Mỹ khi ông đương chức.