|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Căng thẳng Mỹ - Trung thêm nóng vì khinh khí cầu bị bắn rơi

08:54 | 06/02/2023
Chia sẻ
Một khinh khí cầu của Trung Quốc đã bị bắn hạ nhưng những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung đang tiếp tục lên cao. Bắc Kinh chỉ trích việc Washington bắn rơi khinh khí cầu dân sự của nước ngày là hành động thái quá và dọa trả đũa.

Một máy bay tiêm kích của Mỹ bay gần khinh khí cầu của Trung Quốc, ngày 4/2/2023. (Ảnh: Reuters).

Một khinh khí cầu màu trắng của Trung Quốc được Mỹ phát hiện vào hôm 3/2 khi đang bay qua không phận bang Montana, nơi có Căn cứ Không quân Malmstrom. Đây là một trong những căn cứ có chứa tên lửa hạt nhân đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ.

Chiếc khinh khí cầu này lớn tương đương với ba chiếc xe bus gộp lại, có lúc bay sang không phận Canada rồi quay lại Mỹ, bay theo hướng đông nam đến bang Kansas và Missouri ở độ cao khoảng 60.000 – 65.000 feet (tức là 18 – 20 km).

Phía Mỹ cho rằng đây là một thiết bị do thám của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên rằng ông đã ra lệnh cho không quân Mỹ bắn rơi chiếc khinh khí cầu mà không gây tổn hại cho dân thường ở mặt đất.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã điều động một máy bay tiêm kích tối tân F-22 Raptor để bắn hạ khinh khí cầu này bằng một tên lửa ở vùng biển Đại Tây Dương ngoài khơi bang South Carolina. Mỹ đang tìm cách thu thập các mảnh vỡ từ chiếc khinh khí cầu này để nắm thêm thông tin.

Phía Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu này là một phương tiện “dân sự không người lái” được dùng cho “các mục đích khí tượng” và nghiên cứu. Bắc Kinh cho biết khí cầu này đã bị gió thổi đi lệch hướng chứ không được điều khiển bay đến Mỹ.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng khinh khí cầu này khó mang lại nhiều giá trị thông tin so với các vệ tinh do thám của Trung Quốc ở trên quỹ đạo.

Khinh khí cầu của Trung Quốc đang rơi sau khi bị máy bay Mỹ phóng tên lửa bắn rơi, ngày 4/2/2023. (Ảnh: Reuters).

Ông Tiền Kỳ Tham, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói trong một thông cáo ngày 5/2 rằng việc Mỹ dùng tên lửa để bắn rơi một khí cầu dân sự “rõ ràng là một phản ứng thái quá”, đồng thời cho biết Trung Quốc “có quyền sử dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với trường hợp tương tự”.

Trong một thông cáo khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi hành động của Mỹ “là một sự vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế”.

CNBC dẫn lời nhà nghiên cứu cao cấp David Sacks tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế nhận định: “Trung Quốc sẽ ra các thông cáo với lời lẽ gay gắt, nhưng tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ có bất cứ hành động đáp trả nào”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự định đến thăm Trung Quốc bắt đầu từ thứ Hai 6/2, nhưng đã quyết định hoãn lại sau khi khinh khí cầu nói trên bị phát hiện trên không phận Mỹ cuối tuần trước.

Nhà nghiên cứu David Sacks nhận định rằng Bắc Kinh không muốn chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc kể từ năm 2018 lại bị hoãn như vậy.

Ngoại trưởng Blinken hôm 3/2 cho biết ông đã liên lạc qua điện thoại với nhà ngoại giao cấp cao Vương Nghị của Trung Quốc để nói rằng việc đưa khinh khí cầu tới Mỹ là “một hành động vô trách nhiệm” và “gây tổn hại nghiêm trọng tới các cuộc thảo luận chuẩn bị diễn ra giữa hai nước”.

Cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc chế giễu quyết định bắn rơi khinh khí cầu mà phía Mỹ đưa ra, một số khác tỏ thái độ tức giận. Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) gọi hành động này là “một phản ứng thái quá rõ ràng”.

Ông Craig Singleton, một nhà nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ ở Washington D.C., nhận định rằng việc sắp xếp một chuyến thăm khác cho ông Blinken sẽ là một thách thức lớn đối với chính quyền Joe Biden nếu như Trung Quốc không đưa ra được một lời giải thích thuyết phục hơn và đầy đủ hơn về cáo buộc gián điệp liên quan tới khinh khí cầu.

Đức Quyền