|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc chiến công nghệ với Mỹ cản đường Trung Quốc trở thành nền kinh tế số một thế giới

10:39 | 08/02/2023
Chia sẻ
Nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 39,8% GDP của Trung Quốc, nhưng để lĩnh vực này vươn tới tiềm năng cao nhất thì Trung Quốc cần đến các con chip bán dẫn cao cấp. Nỗ lực kiềm tỏa công nghệ Trung Quốc của Mỹ đã khiến nhiều tổ chức quốc tế trì hoãn hoặc hủy bỏ dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

(Hình minh họa: Henry Wong/ SCMP)

Gót chân Achilles 

Chip bán dẫn thường được ví như trái tim, giúp thúc đẩy sự đổi mới công nghệ. Nhưng với việc Mỹ hạn chế xuất khẩu các linh kiện bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc, ngày càng nhiều người đặt câu hỏi liệu nền kinh tế thứ hai thế giới có thể duy trì nhịp đập trong bao lâu.

Các công nghệ lõi là gót chân Achilles của Trung Quốc và chúng là mục tiêu dễ dàng cho chiến lược kiềm tỏa công nghệ Trung Quốc của Mỹ.

Nếu không làm chủ được những con chip phức tạp cần thiết cho các sản phẩm công nghệ, niềm hy vọng vượt mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới của Trung Quốc có thể sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Ông Jun Zhang, Giáo sư địa lý kinh tế tại Đại học Toronto, cho biết: “Chip là nền tảng của nền kinh tế hiện đại. Theo ước tính sơ bộ, mỗi 1 nhân dân tệ chip có thể tạo ra sản lượng kinh tế trị giá 100 nhân dân tệ”.

Ông cho biết Trung Quốc đang đối mặt với áp lực “chưa từng có” từ Mỹ. Năng lực cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc phụ thuộc vào quy mô chiến lược kiềm tỏa của Mỹ.

Lệnh cấm vận công nghệ của Mỹ là một trong những lý do nhiều tổ chức quốc tế đã bắt đầu đẩy lùi hoặc hủy bỏ dự báo rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết.  

Nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp 39,8% cho GDP Trung Quốc và được coi là động cơ chính cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng để đạt được tiềm năng cao nhất, Trung Quốc cần chip bán dẫn.

Một chuỗi các ngành công nghệ - từ xe tự lái cho đến trí tuệ nhân tạo – đã ngay lập tức nhận thấy nỗi đau từ các biện pháp của Mỹ. Trong thời gian tới, thiệt hại kinh tế sẽ càng gia tăng.

Ông Dan Wang, nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics, viết trong báo cáo xuất bản tháng trước: “Hầu như mọi công ty phần cứng tại Trung Quốc đều phải đối phó với hậu quả từ các hạn chế sâu rộng mà Mỹ công bố. Những lệnh trừng phạt này sẽ cản trở tiến bộ trong ngành bán dẫn của Trung Quốc”.

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021, ông Biden đã nhanh chóng ra sức kiềm tỏa công nghệ Trung Quốc.

Tháng 8 năm ngoái, ông Biden ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học để thúc đẩy sự phát triển ngành chất bán dẫn của Mỹ thông qua các khoản trợ cấp trị giá 52,7 tỷ USD. Tiếp đến vào tháng 10, chính quyền của ông mở rộng đáng kể danh sách các hạn chế công nghệ đối với Trung Quốc, tập trung vào chip bán dẫn tiên tiến và phần mềm sản xuất chip.

Các nỗ lực kiềm tỏa gia tăng trong tháng trước sau khi Mỹ bắt tay với Hà Lan và Nhật Bản để hạn chế việc cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc.

Dự kiến Liên minh Châu Âu (EU) sẽ ban hành Đạo luật Chip EU trong năm nay và điều này sẽ khiến tình thế càng trở nên phức tạp với Trung Quốc. Đạo luật này được kỳ vọng là sẽ tăng gấp đôi tỷ trọng của châu Âu trong năng lực sản xuất chip toàn cầu lên khoảng 20%.

Cách đối phó của Trung Quốc

Trung Quốc không đưa ra ước tính chính thức về những tổn thất kinh tế tiềm tàng nhưng Bắc Kinh đã chỉ trích rằng Washington đang lạm dụng ưu thế thống trị thị trường của mình và tuyên truyền sai lệch về chính sách tự chủ công nghệ.

Kể từ khi ông Tập trở thành Chủ tịch Trung Quốc 10 năm trước, các nhà chức trách đã đặt tự chủ công nghệ lên làm ưu tiên chính trị hàng đầu. Cách làm này cho thấy họ lo sợ Trung Quốc sẽ bị nước ngoài bóp nghẹt trong các công nghệ lõi.

Ông Tập xác định chip cao cấp, thiết bị máy móc công nghiệp, thiết bị điện cơ bản, phần cứng, vật liệu, phần mềm và thuật toán là những điểm nghẽn lớn của Trung Quốc. Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tự cung cấp chip từ mức 30% vào năm 2019 lên 70% vào năm 2025.

Tờ Tân Hoa Xã đưa tin rằng sau các lệnh trừng phạt gần đây nhất của Mỹ, Bộ Chính trị Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp kín vào cuối tháng 1 để thảo luận hướng cải thiện năng lực tự chủ công nghệ của nước này.

Nhờ có sự ủng hộ của giới lãnh đạo cấp cao nhất, nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ nhận được thêm nguồn lực và tài chính để tăng tốc quá trình thay thế công nghệ nước ngoài.

Bắc Kinh đã triển khai một cơ chế toàn quốc mới để đạt được các mục tiêu công nghệ bằng cách huy động tài trợ của chính phủ, sự góp sức của doanh nghiệp và nhân sự trong khu vực công lẫn tư nhân.

Chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc đang bắt kịp rất nhanh với Mỹ. Trong năm 2022, khoản chi này tăng 10,4% lên mức cao kỷ lục 3.090 tỷ nhân dân tệ (khoảng 455 tỷ USD), tương đương khoảng 2,55% GDP quốc gia.

Trung Quốc đã nhanh chóng hình thành hệ sinh thái thiết bị, linh kiện và vật liệu phục vụ cho chip bán dẫn. Nhưng các nhà sản xuất chip vẫn tụt hậu khá xa so với các đối thủ toàn cầu.

Ông Hyung-Gon Jeong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, nhận xét: “Chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu tập trung quanh các công ty Mỹ và ảnh hưởng của Trung Quốc tương đối yếu. Nền kinh tế tỷ dân sẽ chịu tác động tiêu cực nếu các công ty đa quốc gia lần lượt rời khỏi Trung Quốc do lệnh trừng phạt của Mỹ”.

Nhiều doanh nghiệp ngoại đã chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc nhằm cắt giảm chi phí hoặc do lo ngại các vấn đề chính trị. Điều này đã buộc các nhà chức trách Trung Quốc cam kết mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường kinh doanh để giữ chân doanh nghiệp.

Giang