|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc cho vay giá rẻ để kích thích tiêu dùng nhưng người dân lại đem tiền chơi chứng khoán

16:33 | 15/02/2023
Chia sẻ
Một số người Trung Quốc lợi dụng lãi suất thấp của các khoản vay tiêu dùng để thanh toán nợ vay mua nhà hoặc đầu tư chứng khoán nhằm kiếm lời.

Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải. (Ảnh: Aaron Goodman). 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng thúc đẩy tiêu dùng trong nước để vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, nỗ lực của ông đã vấp phải rào cản mới khi người dân Trung Quốc sử dụng trái mục đích các khoản vay tiêu dùng giá rẻ.

Khi các ngân hàng Trung Quốc tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm cho vay, một số người đã lợi dụng lãi suất thấp để vay tiền và trả nợ vay thế chấp trước hạn hoặc hoặc đầu tư cổ phiếu thay vì mua hàng hóa.

Hành vi trên có nguy cơ gây hại cho nỗ lực của Bắc Kinh trong việc phục hồi nền kinh tế thông qua lĩnh vực tiêu dùng, tờ Bloomberg đánh giá.

Cô Sally, nhân viên tài chính 37 tuổi, vừa dùng hai khoản vay tiêu dùng tổng trị giá 798.000 nhân dân tệ (tương đương 117.100 USD) để trả hết khoản vay mua nhà. Hai khoản vay này có lãi suất hàng năm lần lượt là 3,2% và 3,65%, thấp hơn hẳn lãi suất vay thế chấp của cô là 5,65%.

Cô nói với Bloomberg: “Mọi khoản vay tiêu dùng mà các ngân hàng giới thiệu cho tôi đều có lãi suất dưới 4%. Tôi đang tính sẽ đăng ký vay kinh doanh để trả nốt khoản nợ của một căn nhà khác, bởi lãi suất phải trả khi vay theo diện này chỉ là 3,2%”.   

 

“Bất an”

Theo bà Shen Meng, Giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co, Chủ tịch Tập Cận Bình và các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông đang phải đối mặt với rào cản tâm lý từ người tiêu dùng. Bất chấp các biện pháp khuyến khích của chính phủ, người dân vẫn do dự mở hầu bao do không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

Niềm tin người tiêu dùng tại Trung Quốc đã xuống dốc vì COVID-19, dư nợ vay tín dụng ngắn hạn giảm mạnh từ mức đỉnh cuối năm 2019. Ngược lại, các hộ gia đình đã tích lũy số tiền tiết kiệm khổng lồ.

Bà Shen giải thích: “Dù chính phủ có khích lệ thì mọi người cũng không sẵn sàng chi tiêu bởi họ không biết ngày mai sẽ ra sao. Và khi thấy bất an về tương lai thì lẽ tự nhiên là người dân sẽ thực hiện các biện pháp đề phòng cho lúc khó khăn sau này”.

Làn sóng trả nợ vay thế chấp trước hạn ở Trung Quốc bắt đầu từ năm ngoái và ngày càng mạnh lên khi Bắc Kinh loay hoay tìm cách khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào ngành bất động sản.

Khủng hoảng nhà đất đã phá vỡ niềm tin lâu năm của người dân Trung Quốc rằng bất động sản là cách chắc chắn nhất để tích lũy của cải và khiến người mua nhà nảy sinh tâm lý nhanh chóng trả hết nợ vay thế chấp.

Lợi nhuận cao

Tháng trước, cơ quan quản lý ngành ngân hàng của Trung Quốc đã yêu cầu các nhà băng tăng cường giám sát việc sử dụng các khoản vay tiêu dùng và nói rõ với người vay rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm hợp đồng khi sử dụng tiền vay cho mục đích khác. Hình phạt đối với người đi vay bao gồm thu nợ trước hạn hoặc đình chỉ tín dụng.

Tuy vậy, anh Frank, nhân viên công nghệ 29 tuổi, vẫn vay 300.000 nhân dân tệ dưới hình thức vay tiêu dùng để rót thêm tiền vào các cổ phiếu hạng A ở Trung Quốc. Anh cho biết các khoản đầu tư này đã đem lại tỷ suất lợi nhuận 20-30% mỗi năm trong vài năm qua. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng 6% trong năm nay sau khi lao dốc 22% trong năm 2022.

Anh Frank cho biết: “Lãi suất thấp đến mức tôi nghĩ rằng tại sao mình không tận dụng chúng? Khoản nợ gốc càng lớn, lợi nhuận tôi thu được càng cao”.

Để được cấp tiền, anh Frank chỉ cần gửi biểu mẫu thông tin cá nhân cơ bản trên ứng dụng di động của ngân hàng rồi đến quầy để kiểm tra danh tính. Vài tiếng sau anh nhận được tin nhắn đã đủ điều kiện và vài phút sau tiền được chuyển vào tài khoản của anh.

Quy trình cho vay trôi chảy đến mức anh còn không nhớ ngân hàng có yêu cầu anh tuyên bố sẽ không sử dụng tiền cho mục đích nào khác ngoài tiêu dùng hay không.

Anh Jack, một nhân viên tài chính ở Thâm Quyến, cũng có kế hoạch sử dụng khoản vay tiêu dùng trị giá 200.000 nhân dân tệ để chơi cổ phiếu. Ngân hàng liên tục mời chào anh về chương trình cho vay của họ, gọi đến 10 cuộc điện thoại mỗi ngày. Anh cho biết: “Thật ra tôi không có nhu cầu vay lắm, nhưng ngân hàng cứ liên tục quảng cáo khoản vay giá rẻ”.

Các hoạt động như vậy đang thu hút sự chú ý của các nhà quản lý. Hôm 10/2, cơ quan giám sát ngân hàng ở tỉnh Liêu Ninh đã cảnh báo trên trang web của họ về những rủi ro khi thay thế bất hợp pháp các khoản vay thế chấp bằng nợ tiêu dùng hoặc kinh doanh.

Tháng 9 năm ngoái, giới chức trách Trung Quốc đã phạt một số ngân hàng lớn nhất nước 12,2 triệu nhân dân tệ vì một số vi phạm, bao gồm không kiểm tra các khoản vay kinh doanh cá nhân và vay tiêu dùng dẫn đến việc khách hàng sử dụng tiền sai mục đích trên thị trường bất động sản.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.