Lịch họp năm 2023 của Fed: Diễn ra vào những ngày nào? Dự kiến còn mấy lần tăng lãi suất?
Các cuộc họp của Fed – ngân hàng trung ương Mỹ - luôn là sự kiện quan trọng được các nhà đầu tư từ Mỹ tới Việt Nam lưu tâm theo dõi, nhất là trong môi trường tiền tệ thắt chặt và kinh tế có nhiều bất trắc như hiện nay.
Mỗi quyết sách của Fed có khả năng gây ra những biến động lớn trên các thị trường chứng khoán – tài chính. Những thay đổi nhỏ nhất trong thông báo của Fed và phát biểu của các quan chức đều được nhà đầu tư nghiên cứu kỹ và tìm đủ mọi cách diễn giải như thể đó là mật mã dẫn tới bản đồ kho báu.
Mỗi năm, cơ quan có quyền quyết định chính sách tiền tệ của Fed là Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tổ chức 8 cuộc họp thường kỳ, cách nhau khoảng 1,5 tháng.
Cuộc họp đầu tiên của năm 2023 đã diễn ra vào ngày 31/1 – 1/2. Tại đây, các quan chức Fed đã quyết định nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 25 điểm cơ bản (bps).
Cuộc họp tiếp theo dự kiến được tổ chức vào ngày 21 – 22/3 và cuộc họp cuối cùng trong năm 2023 diễn ra vào ngày 12 – 13/12. Trong các cuộc họp diễn ra vào tháng 3, 6, 9 và 12 hàng năm, quan chức Fed không chỉ quyết định chính sách lãi suất và cung tiền mà còn công bố thêm dự báo tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, ….
Kết quả của cuộc họp bao gồm quyết định tăng/giảm/giữ nguyên lãi suất và điều tiết cung tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) được công bố ngay sau cuộc họp, cụ thể là buổi chiều của ngày họp thứ 2.
Ví dụ, với cuộc họp chính sách ngày 21 – 22/3 tới đây, kết luận sẽ được thông báo vào chiều ngày 22 theo giờ Mỹ. Chủ tịch Fed cũng sẽ tổ chức một buổi họp báo vào chiều 22/3 để giải thích quyết định của FOMC và trả lời thêm câu hỏi của báo giới. Do chênh lệch về múi giờ, chiều 22/3 theo giờ Mỹ là rạng sáng ngày 23/3 theo giờ Việt Nam.
Biên bản của cuộc họp FOMC, trong đó có nêu chi tiết ý kiến thảo luận của các thành viên, chỉ được công bố ba tuần sau cuộc họp. Ví dụ, biên bản của cuộc họp ngày 31/1 - 1/2 mới đây sẽ được công bố vào ngày 22/2.
Trong những trường hợp đặc biệt, Fed có thể tổ chức phiên họp bất thường để kịp thời ứng phó với những biến động trong nền kinh tế và thị trường tài chính.
Chẳng hạn vào tháng 3/2020 khi COVID-19 đổ bộ vào đất Mỹ, Fed đã họp hai phiên bất thường vào ngày 3/3 và 15/3 để liên tiếp hạ lãi suất về gần 0, sau đó hủy bỏ lịch họp thường lệ vào ngày 17 - 18/3.
Dự báo lãi suất năm 2023
Cuối năm 2022, lãi suất quỹ liên bang của Mỹ nằm trong khoảng 4,25 – 4,5%. Các quan chức Fed dự kiến lãi suất sẽ tăng ba lần trong năm 2023, mỗi lần thêm 25 bps, và đạt mức đỉnh 4,75 – 5%.
Sau cuộc họp ngày 31/1 – 1/2, lãi suất này được nâng lên khoảng 4,5 – 4,75% và được dự báo sẽ còn tăng thêm hai lần nữa.
Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế mới được công bố đang làm thay đổi toan tính của thị trường tài chính cũng như một số nhà hoạch định chính sách.
Fed có hai nhiệm vụ chính là ổn định giá cả và tối đa hóa việc làm. Khi lạm phát cao và thất nghiệp thấp, Fed sẽ không ngần ngại nâng lãi suất.
Tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng lần lượt 6,4% và 6% so với cùng kỳ 2022, đều cao hơn dự báo của các nhà kinh tế và gấp ba lần mức mục tiêu 2% của Fed.
Doanh số bán lẻ tháng đầu năm tăng tới 3%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021 và lớn hơn nhiều so với dự báo 1,9% của các chuyên gia do Dow Jones khảo sát.
Trong khi đó, số việc làm mới được tạo ra trong tháng 1 lên tới 517.000, vượt xa dự báo của các nhà kinh tế và gấp đôi con số của tháng 12. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,4%, thấp nhất trong 53 năm.
Hôm 14/2, ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York đồng thời là Phó Chủ tịch FOMC, cho rằng khoảng hợp lý của lãi suất quỹ liên bang vào ngày cuối năm nay là từ 5% lên tới 5,5%. Nói cách khác, ông Williams đã tính đến khả năng tăng lãi suất mạnh hơn dự báo trước đó.
Ngày 16/2, ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, cho biết ông ủng hộ nâng lãi suất tới 50 bps trong cuộc họp ngày 1/2 thay vì mức 25 bps thường thấy. Ông muốn đưa lãi suất lên mức đủ cao để chống lạm phát càng sớm càng tốt.
Cùng ngày 16/2, bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, phát biểu rằng Fed “vẫn còn nhiều việc phải làm” và “cần đưa lãi suất lên trên 5% rồi giữ ở mức này trong một thời gian” để hạ lạm phát xuống ngưỡng mục tiêu 2%.
Bà Michelle Bowman, một trong 7 thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, nói ngày 17/2: “Tôi nghĩ chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài trước khi chạm tới mục tiêu lạm phát 2% và chúng tôi sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất quỹ liên bang cho đến khi đạt được nhiều tiến bộ hơn”.
Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Bank of America và Goldman Sachs từng dự báo Fed nâng lãi suất 25 bps trong ba cuộc họp đầu tiên của năm 2023, tức là các ngày 1/2, 22/3 và 3/5.
Sau khi các dữ liệu tháng 1 được công bố, cả Bank of America và Goldman Sachs đều dự báo thêm một lần nâng lãi suất nữa trong cuộc họp ngày 14/6. Sau đó, Fed được cho là giữ lãi suất ở mức cao 5,25 – 5,5% trong một thời gian rồi mới tính đến chuyện nới lỏng.
Giao dịch trên thị trường tài chính cho thấy nhà đầu tư hiện đang dự báo lãi suất sẽ lên khoảng 5,25 – 5,5% trước tháng 7.
12 người quyết định chính sách tiền tệ của Mỹ gồm những ai?
Fed có 12 ngân hàng thành viên ở các khu vực khác nhau của nước Mỹ, đồng thời có một Hội đồng thống đốc gồm 7 thành viên.
Chủ tịch Hội đồng thống đốc hiện nay là ông Jerome Powell, Phó Chủ tịch là bà Lael Brainard. Cả 7 thành viên Hội đồng thống đốc cùng với Chủ tịch chi nhánh New York của Fed đều chắc chắn có chân trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan có thẩm quyền quyết định cung tiền và lãi suất.
4 thành viên còn lại của FOMC được chọn luân phiên từ 11 chủ tịch chi nhánh Fed, ngoại trừ chi nhánh New York.
Trong năm nay, 12 thành viên của Ủy ban FOMC bao gồm:
Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Fed, Jerome Powell làm Chủ tịch Ủy ban
Chủ tịch chi nhánh New York của Fed, John Williams làm Phó Chủ tịch Ủy ban
6 thành viên Hội đồng thống đốc gồm ông Michael Barr, bà Michelle Bowman, bà Lael Brainard, bà Lisa Cook, ông Philip Jefferson, và Christopher Waller làm ủy viên.
4 chủ tịch chi nhánh của Fed gồm ông Austan Goolsbee (chi nhánh Chicago), ông Patrick Harker (Philadelphia), ông Neel Kashkari (Minneapolis) và bà Lorie Logan (Dallas) cùng làm ủy viên.
Tất cả chủ tịch ngân hàng khu vực cùng với lãnh đạo các phòng ban của Fed đều có thể tham dự cuộc họp FOMC, tuy nhiên chỉ có 12 thành viên chính thức kể trên mới được phép biểu quyết chính sách cuối cùng.
Chi nhánh New York của Fed là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm thực hiện chính sách tiền tệ do FOMC ban hành, đòng thời đóng vai trò là đại diện của toàn bộ hệ thống Fed trên thị trường tiền tệ.
Fed chi nhánh New York còn là ngân hàng duy nhất của Bộ Tài chính Mỹ, nắm giữ lượng tiền gửi khổng lồ của Bộ Tài chính và cũng là nơi cất giữ kho vàng lớn nhất thế giới. Nhiều ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đưa vàng đến cất giữ tại Fed chi nhánh New York.
Vì những vai trò quan trọng nói trên, Chủ tịch Fed chi nhánh New York luôn luôn là Phó Chủ tịch FOMC.
Ngoài ra, chi nhánh New York này cũng thực hiện các chức năng và nhiệm vụ tương tự như những ngân hàng khu vực khác của Fed, ví dụ như giám sát hoạt động của các định chế tài chính và nghiên cứu chính sách.
Chính sách tài khóa (thuế và chi tiêu công) cần được bàn thảo rất căng thẳng trong Quốc hội với hàng trăm nghị sỹ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa “cò kè bớt một thêm hai” để hướng chính sách đi theo ý mình.
Trái lại, chính sách tiền tệ được quyết định một cách nhanh chóng và đều đặn bởi một số ít quan chức chuyên về kinh tế - tài chính của Fed.