|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường gấu của chứng khoán Mỹ vẫn chưa kết thúc?

17:06 | 23/02/2023
Chia sẻ
Bất chấp sự gia tăng của lợi suất, xu hướng chung của thị trường chứng khoán Mỹ trong đầu năm 2023 là đi lên. Tuy nhiên, rất có thể đây chỉ là giai đoạn phục hồi tạm thời trước khi thị trường tiếp tục xuống dốc.

Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Getty Images). 

Liệu chứng khoán Mỹ có đang bước vào giai đoạn cuối của đợt phục hồi trong thị trường gấu? Hay chứng khoán Mỹ đã tiến vào thời kỳ mới tươi sáng hơn?

Những tín hiệu rối rắm từ thị trường và nền kinh tế đang khiến các nhà đầu tư đau đầu tìm cách lý giải sự thay đổi của chứng khoán Mỹ trong năm nay.

Lợi suất đang trên đà tăng. Một lần nữa, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lại nhăm nhe tiến tới mốc 4%. Nhưng bất chấp sự sụt giảm hai ngày qua, chứng khoán vẫn tăng vọt trong năm nay, đặc biệt là những cổ phiếu công nghệ đầu cơ, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết.

Những cổ phiếu bị vùi dập nặng nề nhất trong năm ngoái khi lợi suất đi lên giờ lại là nhóm tăng mạnh nhất. Nói ngắn gọn, năm ngoái, lợi suất trái phiếu gia tăng là yếu tố tiêu cực với cổ phiếu. Nhưng năm nay, cổ phiếu không chịu nhiều ảnh hưởng bởi lợi suất, cho đến gần đây.

Suy thoái lùi xa

Có thể, giai đoạn này chỉ là sự gián đoạn ngắn hạn của thị trường gấu từng khiến chứng khoán Mỹ ngã quỵ trong năm 2022. Các đợt phục hồi tương tự cũng diễn ra vào tháng 3 và mùa hè năm ngoái. Trong các giai đoạn này, cổ phiếu cũng trụ vững trong nhiều tuần trước sự gia tăng của lãi suất rồi mới đổ gục.

Những người lo ngại về sự chia tách giữa cổ phiếu và trái phiếu chỉ vào lực mua mạnh mẽ của những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân yêu thích đang vượt trội so với thị trường chung. Nhu cầu cao dành cho các cổ phiếu và quỹ đầu tư đơn lẻ đã hỗ trợ thị trường, giúp triệt tiêu áp lực từ lợi suất gia tăng.

Có thể nhà đầu tư nhỏ lẻ phản ứng chậm hơn đối với sự thay đổi của lợi suất trái phiếu so với các tổ chức lớn có đội ngũ chuyên gia kinh tế hùng hậu, hoặc có thể họ không thèm quan tâm đến lợi suất.

Hoặc, cũng có thể các nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng cổ phiếu có lý do chính đáng để đi lên. Lý do khả dĩ duy nhất là họ nghĩ ra là nguy cơ đối với lợi nhuận doanh nghiệp đã giảm xuống, do đó hệ số P/E nên tăng cao hơn và theo lý thuyết thì điều này có thể bù đắp cho áp lực từ lợi suất gia tăng.

 

 

Mối đe dọa lớn nhất tới lợi nhuận doanh nghiệp là suy thoái, và rõ ràng mối nguy này có vẻ không còn cao như trước.

Nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững trước các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và hàng loạt kịch bản rủi ro khác – từ Trung Quốc, châu Âu và Nga – đều diễn ra tốt hơn dự kiến. VIX, chỉ số đo lường sự biến động của thị trường chứng khoán Mỹ, vẫn đang ở ngưỡng thấp hơn mức trung bình của năm ngoái.

Thời kỳ mới

Rắc rối của phe lạc quan là lập luận nói trên, khi áp dụng vào thị trường năm ngoái, không thực sự phù hợp. Khi đó, mọi dấu hiệu cho thấy nền kinh tế bền bỉ đều khiến cổ phiếu đi xuống, bởi điều đó có nghĩa là Fed cần tăng lãi suất lên cao hơn nữa, càng làm tăng nguy cơ suy thoái.

WSJ đã đưa ra một lời giải thích khác. Chứng khoán có thể đang ở trong kỷ nguyên mới, cổ phiếu không còn nhạy cảm với lợi suất như trước.

Suy thoái sẽ không đến sớm như dự đoán trước đây, do đó dữ liệu kinh tế mạnh mẽ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, chứ không chỉ là Fed sẽ thắt chặt chính sách. Lối suy nghĩ này làm giảm tác động của lợi suất trái phiếu. Lạm phát cũng đã hạ nhiệt khi các chuỗi cung ứng trở lại bình thường.

Hôm 21/2, các dữ liệu kinh tế mà thị trường nhận được tốt đến mức việc lợi suất gia tăng và cổ phiếu đi xuống là điều hiển nhiên. Trong tương lai thị trường sẽ tiếp tục có những ngày như vậy. Nhưng lợi suất không còn có thể tăng thêm nhiều như năm ngoái.

Nhưng theo tờ WSJ, đợt phục hồi của thị trường hiện nay vẫn giống “cú nảy của con mèo chết”, hiện tượng thường xuyên diễn ra trong các thị trường gấu kéo dài. Dĩ nhiên, đầu tư chứng khoán không chỉ cần đến việc quan sát lợi suất – nhưng khó có thể tin rằng lợi suất không còn ý nghĩa gì nữa.

Giang