Phố Wall bối rối vì chứng khoán Mỹ
Nhà đầu tư lạc quan
Thị trường trái phiếu cuối cùng cũng đã nghe theo thông điệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất. Trong khi đó, các nhà đầu tư cổ phiếu hầu như vẫn bỏ ngoài tai lời của các các quan chức ngân hàng trung ương.
Tuy tâm lý trên thị trường tài chính đã trầm xuống trong nửa cuối tuần trước, các nhà đầu tư chứng khoán vẫn chống cự lại lực cản từng gây hại cho các đợt phục hồi trong quá khứ: lãi suất gia tăng.
Trong bối cảnh hàng hoạt quan chức Fed đe dọa sẽ hành động mạnh mẽ hơn sau khi dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát vẫn rất nóng, lợi suất trái phiếu Kho bạc đã lập đỉnh ba tháng và các nhà đầu tư đã nâng kỳ vọng về mức đỉnh lãi suất. Nhưng chỉ số S&P 500 kết tuần chỉ giảm 0,3% và chỉ số Nasdaq 100 còn nhích thêm 0,4%.
Theo ông Marko Kolanovic, quản lý cấp cao của JPMorgan, lịch sử cho thấy khi giá trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm điều chỉnh mạnh, chỉ số Nasdaq 100 sẽ trượt dốc 5-10%. Các cổ phiếu công nghệ nhiều biến động có nguy cơ giảm còn mạnh hơn.
Trái với mất mát của trái phiếu, cổ phiếu vẫn duy trì được sức mạnh. Song, diễn biến này có thể sẽ không kéo dài lâu. Đây là điềm xấu với những nhà đầu tư có danh mục cân bằng đã bị tổn thất nặng nề sau sự sụp đổ đồng thời của trái phiếu và cổ phiếu hồi năm ngoái.
Ông Christian Mueller-Glissmann, chiến lược gia cấp cao tại Goldman Sachs, nói với Bloomberg: “Rủi ro chính là thị trường đang lặp lại một số diễn biến của năm trước. Nếu chúng ta có rủi ro lạm phát cao và biến động vĩ mô lớn thì trái phiếu và cổ phiếu có thể sẽ suy sụp cùng lúc. Đây là mối lo lớn nhất của chúng tôi sau khi tâm lý lạc quan của thị trường thay đổi”.
Phố Wall bi quan
Cả trái phiếu lẫn cổ phiếu đều có khởi đầu năm thuận lợi. Nhưng dữ liệu thị trường lao động, nhà đất và doanh số bán lẻ mạnh mẽ bất ngờ cùng với những tuyên bố diều hâu của các quan chức Fed đã kéo giá trái phiếu Kho bạc đi xuống (lợi suất và giá trái phiếu biến động ngược chiều). Còn trong tháng 2, cổ phiếu gần như đi ngang và giữ vững mức tăng trong tháng 1.
Ông Nicole Webb, Phó Giám đốc cấp cao tại Wealth Enhancement Group, cho biết: “Chúng tôi không kỳ vọng thị trường cổ phiếu sẽ duy trì được sức bền do không thấy khả năng Fed sẽ đổi hướng đi của lãi suất trong tương lai gần”.
Các quan chức ngân hàng trung ương được cho là không tán thành đà tăng liên tục của cổ phiếu bởi chúng có nguy cơ kích thích tiêu dùng và thổi bùng giá cả.
Hiện tại, cả cổ phiếu lẫn nền kinh tế đều đang đi lên, và thường thì sự kết hợp này là điều đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, một diễn biến quá tốt có thể trở thành điềm xấu nếu sự bền bỉ của thị trường tài chính trở thành một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng chi tiêu thỏa sức và không kiềm chế bản thân.
- TIN LIÊN QUAN
-
Mối nguy tiềm tàng từ khối nợ gần 1.000 tỷ USD của người tiêu dùng Mỹ 19/02/2023 - 17:40
Các nhà đầu tư cổ phiếu đang đặt cược vào kịch bản lý tưởng là nền kinh tế duy trì dược tốc độ tăng trưởng còn lạm phát thì hạ nhiệt nhanh chóng trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, chuyên gia Mueller-Glissmann của Goldman Sachs nói rằng rất có thể nhà đầu tư đang mắc sai lầm. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận định Fed có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm, nhưng để khống chế được lạm phát thì tăng trưởng cần phải chậm lại.
Ông Mueller-Glissmann nói: “Nếu Fed phải thắt chặt chính sách hơn nữa để kiểm soát được lạm phát thì tăng trưởng sẽ giảm tốc. Thị trường cổ phiếu đang phản ánh vào giá kịch bản ‘không hạ cánh’ nhưng chúng tôi không tin tưởng vì suy nghĩ này quá lạc quan”.
Goldman Sachs khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì vị thế phòng thủ đối với các tài sản rủi ro, bao gồm mua quyền chọn bán và tăng cường tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, giảm tỷ trọng của trái phiếu bởi ngân hàng dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục tăng.
Ông nhận xét: “Thị trường đang đánh giá sai cả về lạm phát lẫn lãi suất. Thách thức trong thời gian tới là thị trường sẽ rất dễ bị tổn thương bởi những thông tin đáng thất vọng về tăng trưởng và lạm phát”.