|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc kêu gọi hoà bình cho Ukraine sau khi Mỹ cảnh báo không nên hỗ trợ vũ khí cho Nga

18:45 | 27/02/2023
Chia sẻ
Hôm 27/2, Trung Quốc cho biết họ đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho Ukraine, trái ngược với lời cảnh báo của Mỹ rằng Bắc Kinh có thể đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga.

Hôm 27/2, Trung Quốc cho hay nước này đang nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho Ukraine. Trong khi trước đó, Mỹ cảnh báo rằng chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho đồng minh Nga.

Ngay trước khi Nga động binh với Ukraine, Bắc Kinh đã tuyên bố mối quan hệ hợp tác “không giới hạn” với Moscow. Sau khi chiến sự nổ ra, Bắc Kinh luôn từ chối lên án cuộc tấn công của Nga, gần đây nhất là tại cuộc họp của nhóm G20.

Tuy nhiên, vào ngày 24/2/2023 (tức kỷ niệm một năm diễn ra cuộc chiến), Trung Quốc đã công bố một kế hoạch gồm 12 điểm, kêu gọi hai bên ngừng bắn và dần dần hạ thang căng thẳng.

Phía Trung Quốc cũng cảnh báo rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không nên và cuộc xung đột thực tế không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.

Kiev đã bày tỏ thái độ tiếp thu ý kiến của Bắc Kinh, nhưng cũng nhắc lại rằng hai bên khó có thể hoà bình nếu Nga không rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine, một yêu cầu mà có lẽ Moscow sẽ không đồng ý.

Song, các đề xuất của Trung Quốc đã phần nào nhận được sự ủng hộ, dù có phần thận trọng, từ các nước đồng minh NATO của Ukraine.

Chia sẻ trên đài ABC, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay: “Bất kỳ đề xuất nào giúp thúc đẩy hoà bình ở Ukraine đều đáng được cân nhắc. Chúng tôi đang xem xét những khuyến nghị của Trung Quốc”.

Phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. (Ảnh: AP).

Ngày 27/2, Trung Quốc cho biết thêm rằng họ đang giữ liên lạc với tất cả các bên trong cuộc chiến, bao gồm chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Bắc Kinh khẳng định lập trường của họ rất rõ ràng.

“Điều cốt lõi là [chúng ta nên] thúc đẩy hoà bình, đối thoại và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine”, phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.

Trong khi đó, các nước NATO cho biết họ đang cố gắng ngăn cản Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, có thể bao gồm cả máy bay không người lái.

Quân đội Nga đang phải chật vật để giành lợi thế ở miền đông Ukraine, trong khi Kiev đang chuẩn bị cho một cuộc phản công bằng vũ khí hiện đại của phương Tây, trong đó có cả xe tăng chiến đấu mà các nước đồng minh đã cam kết cung cấp gần đây.

Cuối tuần qua, Giám đốc CIA William Burns cho biết cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Bắc Kinh đang cân nhắc viện trợ quân sự cho Nga, dù hai bên chưa đi đến quyết định cuối cùng.

“Nếu Trung Quốc chọn con đường đó, họ sẽ phải trả giá đắt”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo trên CNN.

Mặt khác, cũng vào cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi “những biên giới mới” trong mối quan hệ với Bắc Kinh và hàm ý rằng người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm đến thăm Moscow.

Ông Putin coi cuộc chiến tại Ukraine là trận chiến vì sự sống còn của Nga trước một phương Tây hung hãn, theo Reuters. “Họ có một mục tiêu duy nhất là phá vỡ Liên Xô cũ và Liên bang Nga ngày nay”, ông nói trên kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1.

Đáp lại, NATO và phương Tây đã bác bỏ nhận định của ông chủ Điện Kremlin. Họ nhấn mạnh mục tiêu khi hỗ trợ Ukraine là giúp nước này đẩy lùi cuộc xâm chiếm đất của Nga.

Reuters cho rằng, lập trường của Tổng thống Putin hiện nay cho phép ông tự do hơn trong việc lựa chọn các vũ khí có thể sử dụng trong tương lai, không loại trừ các vũ khí hạt nhân.

Cùng ngày 27/2, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, một đồng minh của ông Putin, đã cảnh báo rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine có nguy cơ gây ra thảm hoạ hạt nhân toàn cầu. Ông Medvedev hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga.

Khả Nhân

Nghiên cứu giảm thuế phí năm 2025, kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến tháng 6/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025.