|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc và Nga ngậm ngùi vì khó vượt Mỹ trong lĩnh vực không gian

09:01 | 27/02/2023
Chia sẻ
Liên minh vũ trụ giữa Trung Quốc và Nga có vẻ khá tiềm năng, bởi nó kết hợp sức mạnh công nghệ của Bắc Kinh và kinh nghiệm không gian của Moscow. Song, nỗ lực của hai nước để đối chọi Mỹ chưa tạo ra thành tựu nào.

Đối tác ít được Bắc Kinh nhắc đến

Các hãng truyền thông nhà nước thường xuyên ca ngợi những thành tựu và tham vọng to lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian vũ trụ, bao gồm cả kế hoạch xây dựng tiền đồn phục vụ mục đích nghiên cứu trên mặt trăng.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, có một điều mà các cơ quan truyền thông này có xu hướng không đề cập đến. Đó chính là Nga, đối tác thân thiết của Trung Quốc trong địa hạt hàng không vũ trụ.

Năm 2021, khi Bắc Kinh và Moscow công bố kế hoạch cùng hợp tác nghiên cứu mặt trăng, liên minh giữa hai nước dường như khá mạnh bởi nó kết hợp ưu thế công nghệ của Trung Quốc với kinh nghiệm dày dặn của Nga trong không gian.

Song, ngay cả trước khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine diễn ra, giới chuyên gia đã ngờ vực về những gì mà Moscow có thể mang lại cho Bắc Kinh, Bloomberg cho hay.

Một tên lửa mang theo tàu Thần Châu-15 tới trạm vũ trụ Tiangong của Trung Quốc. Tên lửa khởi hành từ trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở tỉnh Cam Túc. (Ảnh: Getty Images).

Mariel Borowitz, Phó Giáo sư tại Viện Công nghệ Georgia, cho hay: “Nga vẫn là một trong những tay chơi lớn nhất trong cuộc đua không gian, nhưng đánh giá kỹ, bạn sẽ thấy ngân sách, nhân sự và năng lực của Nga đã suy giảm”.

Kể từ sau chiến sự Nga - Ukraine, Trung Quốc đã ít nhắc đến mối quan hệ đối tác với Nga trong lĩnh vực không gian, ngay cả khi các nhà ngoại giao của nước này khẳng định quan hệ hai bên rất vững chắc.

Đại diện của Trung Quốc tại Đại hội Vũ trụ Quốc tế hồi tháng 9 năm ngoái không nhắc đến Nga khi thảo luận về dự án mặt trăng. Truyền thông Trung Quốc cũng không đề cập đến Nga trong các bản tin về chương trình không gian của Bắc Kinh.

Borowitz nói: “Trung Quốc đang cố gắng không nhấn mạnh vai trò của Nga”.

Chuyến thăm dự kiến của ông Yury Borisov, người đứng đầu chương trình không gian của Nga, tới Trung Quốc ngay trong tuần này khó có thể thay đổi quỹ đạo đó.

Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Borisov nói với truyền thông Nga rằng hai nước đã có một thoả thuận không gian mới, nhưng các quan chức Trung Quốc vẫn chưa xác nhận thông tin này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chứng tỏ rằng họ có thể hoàn thành nhiều mục tiêu riêng, bao gồm việc tự xây dựng một trạm vũ trụ trên quỹ đạo.

Giáo sư He Qisong tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Hoa Đông cho biết chương trình không gian của Trung Quốc “gần như đã bắt kịp, hoặc thậm chí đã vượt qua Nga”.

“Mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, chẳng hạn như dự án trạm nghiên cứu mặt trăng chung, mang tính biểu tượng hơn là tạo ra giá trị thực tế”, ông nhận định.

Bây giờ, Bắc Kinh đang gặp khó khăn ở chỗ là làm sao đẩy lùi sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Còn thua xa Mỹ

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang tìm cách sử dụng chương trình không gian của mình như một công cụ quyền lực mềm để cạnh tranh với Mỹ.

Đây là một lý do cho thấy Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) dự kiến của Bắc Kinh và Moscow sẽ chào đón thêm các quốc gia khác.

Song, trong khi gần hai chục quốc gia đã tham gia Hiệp định Artemis do Washington hậu thuẫn, thì chưa nước nào đăng ký ILRS của Trung Quốc và Nga.

 

Trong số những nước đã tham gia Hiệp định Artemis những tháng gần đây có Nigeria và Rwanda, các quốc gia châu Phi đầu tiên có động thái này.

Hành động của Nigeria và Rwanda là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực thu hút sự ủng hộ ngoại giao từ các nước châu Phi của Trung Quốc.

Một đòn đau khác xuất hiện vào tháng 1, khi người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết liên minh 22 quốc gia thành viên này không có kế hoạch cho các phi hành gia của họ đến trạm vũ trụ mới hoàn thành của Trung Quốc.

Ông Mark Hilborne, giảng viên khoa Nghiên cứu Quốc phòng tại King’s College, cho hay: “Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau, và tại thời điểm này, Mỹ có nhiều đối tác hơn Trung Quốc”.

Mặt khác, chiến sự tại Ukraine đã gây ảnh hưởng đến chương trình không gian của Nga. Sau khi cuộc chiến nổ ra, vào tháng 4 năm ngoái, ESA đã ngừng hợp tác với cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga ở nhiều dự án, bao gồm một số chuyến thám hiểm mặt trăng và dự án gửi tàu vũ trụ lên sao Hoả.

Nga cũng mất quan hệ kinh doanh với OneWeb - dự án được hỗ trợ bởi chính phủ Anh, tập đoàn viễn thông Ấn Độ Bharti và tập đoàn công nghệ Nhật Bản SoftBank. Vào tháng 3 năm ngoái, công ty vệ tinh có trụ sở tại London này đã đình chỉ toàn bộ các vụ phóng từ bệ phóng do Nga kiểm soát.

vậy, chương trình không gian của Nga vẫn chưa sụp đổ, các phi hành gia Nga và Mỹ vẫn chung sống cùng nhau trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tuy nhiên, Nga cho biết họ sẽ rời ISS sau năm 2024.

Việc Nga bị cô lập khỏi các dự án không gian quốc tế cho thấy Trung Quốc cần phải tìm thêm đối tác, đặc biệt là ngay tại thời điểm các nước đang chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới của hoạt động thương mại không gian.

Nếu đồng minh duy nhất của Trung Quốc trong không gian là Nga, thì Bắc Kinh có thể sẽ phải chùn bước, để cho Washington thiết lập những quy tắc mới cho nền kinh tế vũ trụ này.

 

Trung Quốc đã đạt được một số thành công trong việc thu hút các đối tác tiềm năng. Trong chuyến công du tới Arab Saudi vào tháng 12/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hoan nghênh các phi hành gia từ vương quốc dầu mỏ và các quốc gia vùng Vịnh khác tới trạm vũ trụ của Trung Quốc.

Các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc và UAE sẽ hợp tác trong một số dự án chung, bao gồm chương trình phát triển tàu thám hiểm mặt trăng, hai nước cho hay trong một tuyên bố chung.

Ngoài ra, vào tháng 1, một công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến đã ký một thỏa thuận sơ bộ với chính phủ Djibouti để xây dựng một sân bay vũ trụ ở quốc gia Đông Phi này. Sân bay sẽ có 7 bệ phóng vệ tinh và 3 bệ thử tên lửa.

Khả Nhân