[Infographic] Các đòn trừng phạt dồn dập giữa Nga và phương Tây trong năm đầu xung đột Ukraine
Ngày 24/2 một năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các đồng minh phương Tây đã nhanh chóng cung cấp cho Ukraine những gói viện trợ về mặt nhân đạo, tài chính, quân sự, giúp Kiev chống đỡ lại các đợt tấn công của Nga.
Cùng với cuộc đối đầu về quân sự trên chiến trường, Ukraine và đồng minh phương Tây cũng tấn công Nga trên nhiều phương diện khác như ngoại giao, chính trị, kinh tế. Để đối đầu với Nga trên những mặt trận này, phe Ukraine đã sử dụng tới công cụ trừng phạt.
Theo Castellum.AI, kể từ ngày 24/2/2022 đến 22/2/2023, Moscow đã phải chịu đựng thêm 11.327 lệnh trừng phạt. Cùng với 2.695 lệnh trừng phạt trước xung đột, Nga đã vượt qua Iran, trở thành đất nước bị phương Tây cô lập nhiều nhất thế giới.
Các lệnh trừng phạt bao gồm nhiều lĩnh vực, từ tài chính, năng lượng, thương mại, cho tới cả những cá nhân, và văn hóa của Nga. Một số lệnh trừng phạt thậm chí còn nhắm tới những lĩnh vực nằm ngoài chính trị, chẳng hạn như thể thao.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nga ngày 21/2, Tổng thống Putin đã nhận xét: "Các biện pháp trừng phạt chỉ là một công cụ" để khiến người dân Nga "phải chịu đau khổ".
“Nhưng họ đã tính toán sai, và nền kinh tế Nga tỏ ra mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì phương Tây mong đợi,” ông Putin khẳng định.
Các lệnh trừng phạt đã tác động lên kinh tế Nga, góp phần khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này đi xuống 2,1% trong năm ngoái. Tuy nhiên, mức sụt giảm này thấp hơn rất nhiều so với những gì mà các quốc gia phương Tây, tổ chức quốc tế, hay chính Moscow từng dự đoán.
Đồng thời, chính những quốc gia tham gia vào trừng phạt cũng đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế, khi lạm phát vọt lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm. Nga cũng đang tìm ra những cách để hạn chế ảnh hưởng của trừng phạt, chẳng hạn như xoay trục sang châu Á.
Sau đây là Infographic tổng hợp lại cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây trong năm vừa qua.