|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vàng mạnh lên, USD yếu đi: Mỹ đang phải trả giá vì vũ khí hóa tiền tệ

12:17 | 24/04/2023
Chia sẻ
Việc Mỹ vũ khí hóa đồng USD đã thúc đẩy các quốc gia khác tìm tới những giải pháp thay thế như vàng hay tiền kỹ thuật số.

Theo Financial Times, nhiều nhà phân tích đang có chung nhận định rằng USD đang suy yếu, nhưng vị thế là đồng tiền thống trị thế giới sẽ không bị biến mất bởi “không có sự thay thế nào” trong tương lai.

Tuy nhiên, tác giả Ruchir Sharma, Chủ tịch của Rockefeller International, cảnh báo rằng nhiều quốc gia đang chạy đua nhằm tìm giải pháp thay thế cho USD, và sự tự mãn của Mỹ sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình tìm kiếm.

Giá vàng tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Một trong những ứng cử viên sáng giá nhất trong việc thay thế cho USD hiện nay là vàng.

Trong 6 tháng vừa qua, giá kim loại quý này đã tăng 20%. Tuy vậy, nhu cầu đi lên của vàng không được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư lớn và nhỏ tìm kiếm công cụ phòng ngừa rủi ro lạm phát và lãi suất. Thay vào đó, những người mua vào nhiều lại là các ngân hàng trung ương (NHTW) đang tìm cách giảm mạnh dự trữ USD và tìm kiếm một phương tiện lưu trữ an toàn.

Các ngân hàng trung ương đang mua vàng nhiều hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi dữ liệu được tổng hợp từ năm 1950. Hoạt động mua vào của các NHTW hiện chiếm 33% nhu cầu vàng toàn cầu hàng tháng.

Sự bùng nổ này đã giúp đẩy giá vàng lên mức gần kỷ lục và cao hơn 50% so với những gì mà các mô hình dựa trên lãi suất thực tế dự báo. 

Các ngân hàng trung ương từ nhiều nền kinh tế mới nổi đang đẩy mạnh hoạt động mua vàng trong những năm gần đây.

9 trong số 10 ngân hàng trung ương mua vàng nhiều nhất nằm ở các nước đang phát triển, bao gồm Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Ba quốc gia này đang đàm phán với Brazil và Nam Phi (hai thành viên còn lại trong khối BRICS) để tạo ra một loại tiền tệ mới, thách thức USD.

Mục tiêu trước mắt của các quốc gia này là giao dịch trực tiếp với nhau bằng đồng nội tệ. Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã tuyên bố: “Hàng đêm, tôi tự hỏi tại sao tất cả các quốc gia phải giao dịch bằng USD”. Ông lập luận rằng một giải pháp thay thế sẽ giúp “cân bằng địa chính trị trên toàn thế giới”.

Bởi vậy, tài sản lâu đời và truyền thống nhất - vàng - hiện đang trở thành phương tiện trong cuộc nổi dậy của các ngân hàng trung ương chống lại USD. Thông thường, cả USD và vàng đều được coi là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, hiện nay, vàng được nhìn nhận là nơi an toàn hơn nhiều.

Trong cuộc khủng hoảng ngân hàng vào tháng 3, vàng tiếp tục tăng giá, trong khi đồng USD lại đi xuống. Sự khác biệt trong chuyển động của cả hai loại tài sản này chưa bao giờ lớn như vậy.

Trong khi vàng tăng giá, sức mạnh đồng USD lại suy yếu.

Vậy tại sao các quốc gia mới nổi lại muốn chống lại hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên đồng USD được xây dựng kể từ khi Thế chiến II kết thúc? Theo tác giả Ruchir Sharma, nguyên nhân là bởi Mỹ và đồng minh đang ngày càng coi các biện pháp trừng phạt tài chính như một vũ khí.

Theo ông Sharma, hiện nay, 30% số quốc gia trên toàn cầu đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Mỹ, EU, Nhật Bản và Anh. Vào đầu những năm 1990, tỷ lệ này chỉ là 10%. Đồng thời, cho đến gần đây, hầu hết các nạn nhân đều là quốc gia nhỏ.

Tuy vậy, vào năm ngoái, những nền kinh tế lớn, đứng đầu là Mỹ đã phát động một chiến dịch trừng phạt toàn diện vào Nga vì xung đột Ukraine, cắt đứt các ngân hàng của Moscow khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu dựa trên USD. Đột nhiên, các quốc gia khác nhận ra rằng mình cũng có thể trở thành mục tiêu.

Ông Sharma nhận định rằng do quá tin tưởng vào sức mạnh của USD, Mỹ đã coi các biện pháp trừng phạt như một công cụ hiệu quả để chống lại Nga, mà không phải sử dụng tới quân đội. Tuy nhiên, cái giá mà Washington phải trả là lòng trung thành với USD dần lung lay.

Những đồng minh của của Mỹ như Philippines hay Thái Lan giờ đây cũng đang tham gia thỏa thuận thương mại để giao dịch mà không cần đến USD. Hiện có 110 ngân hàng trung ương tìm cách tung ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, gấp 3 lần so với năm 2020, chiếm 95% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn cầu. Nhiều ngân hàng đang thử nghiệm những loại tiền kỹ thuật số này trong thương mại song phương.

Tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối đã giảm hơn 13% kể từ năm 2000.

Mỹ đã tự mãn

Nhu cầu cao đối với đồng USD giúp giảm chi phí vay nước ngoài, một đặc quyền mà Mỹ đang rất cần ngày nay. Trong số 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu, Mỹ có tỷ lệ thâm hụt tài khóa và tài khoản vãng lai cao thứ hai sau nước Anh. Vị thế đầu tư quốc tế ròng (NIIP)/GDP của Mỹ cũng cao thứ hai, chỉ sau Bồ Đào Nha.

Theo ông Sharma, rủi ro với Mỹ là sự tự tin với đồng USD ngày càng tăng, được nuôi dưỡng bởi câu chuyện “không có lựa chọn thay thế”. Câu chuyện này dựa trên niềm tin của toàn thế giới vào các thể chế và luật pháp của Mỹ. Tuy nhiên, việc vũ khí hóa đồng USD đã làm suy yếu niềm tin trên.

 

Sức mạnh đồng USD cũng dựa trên niềm tin vào khả năng trả nợ của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ cũng đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn tiền từ nước ngoài.

Tuyến phòng thủ cuối cùng của đồng USD là việc Trung Quốc - nền kinh tế duy nhất đủ lớn và tập trung để thách thức sức mạnh tiền tệ từ Mỹ - đang trong tình trạng nợ nần còn tồi tệ hơn.

Ông Sharma cho rằng khi phải dựa vào sự yếu kém của đối thủ để duy trì sức mạnh, Washington nên nghiêm túc xem xét lại mình. Khi phải đối mặt với những thách thức từ vàng hay tiền kỹ thuật số, Mỹ nên tìm cách củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính, chứ không phải tự mãn với vị thế siêu cường của mình.

Minh Quang