|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc đương đầu với cuộc khủng hoảng tài khóa 8.300 tỷ USD

16:01 | 17/04/2023
Chia sẻ
Quy mô các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán của chính quyền địa phương Trung Quốc đã lên đến gần 50% GDP năm 2022, buộc Bắc Kinh phải tìm cách xử lý khôn khéo để tránh hiểm họa khôn lường.

Thị trường bất động sản lao dốc các chính quyền địa phương Trung Quốc càng phụ thuộc vào nợ vay thông qua các LGFV. (Ảnh: AP/Nikkei Asia). 

Quả bom nổ chậm

Trung Quốc là một trong những quốc gia nợ nần nhiều nhất trên thế giới. Nhưng cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn chưa gặp phải một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện, dù đã vài lần rơi vào tình huống thót tim.

Năm 2019, lần đầu tiên trong hàng thập kỷ, chính phủ trung ương phải tiếp quản một ngân hàng khu vực để ngăn người dân hoảng sợ và rút tiền ồ ạt. Năm ngoái, làn sóng công ty bất động sản vỡ nợ dẫn đến việc người mua nhà đe dọa ngừng trả nợ vay thế chấp.

Trong cả hai trường hợp, tình hình đều được xoa dịu. Một số ý kiến còn cho rằng Trung Quốc đã trở nên an toàn hơn với nhà đầu tư sau khi Bắc Kinh siết chặt quản lý đối với các ngân hàng địa phương ngang ngược và các nhà phát triển bất động sản liều lĩnh.

Nhưng Trung Quốc vẫn còn một quả bom nổ chậm nữa cần được tháo gỡ: Nợ của các công ty huy động vốn cho chính quyền địa phương (LGFV). Sử dụng LGFV giúp chính quyền địa phương vay mượn để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nền kinh tế mà không cần ghi nợ vào bảng cân đối kế toán chính thức, và họ đã làm như vậy suốt nhiều năm.

Trong năm 2022, nợ của LGFV đã tăng lên 57.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 8.300 tỷ USD), tương đương 48% GDP Trung Quốc, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

 

Các khoản vay của LGFV có quy mô gần bằng nợ của chính phủ trung ương và chính quyền địa phương cộng lại. Ngoài nợ vay ngân hàng, LGFV còn thường xuyên huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm khoảng 40% toàn bộ thị trường. Tổng các khoản vay trái phiếu chưa thanh toán của chúng lên đến khoảng 36.000 tỷ nhân dân tệ (tức hơn 5.200 tỷ USD) vào năm ngoái. 

Theo tờ Bloomberg, các nhà đầu tư đang run sợ. Năng lực hoàn trả nợ của LGFV còn tệ hơn các nhà phát triển bất động sản, bởi mục tiêu của chúng là cung cấp dịch vụ công chứ không phải là vì lợi nhuận. Trong khi đó, các trái chủ lại không được trả công xứng đáng cho những rủi ro mà họ phải chịu. Trung bình lãi suất trái phiếu của 1.800 LFGV chỉ vào khoảng 4,3%.

Tệ hơn nữa, sau sự sa sút của thị trường bất động sản, các chính quyền địa phương có thể không còn khả năng giúp đỡ LGFV khi cần thiết. Trước thời COVID-19, khoảng 20% thu nhập của chính quyền địa phương đến từ tiền bán đất. Năm ngoái, nguồn thu quan trọng này đã giảm mạnh 23%.

Trên thực tế, các địa phương đang phải dựa vào LGFV để giải quyết rắc rối tài khóa. Năm 2022, khi các nhà phát triển bất động sản rút lui để chấn chỉnh dòng tiền, các LGFV đã mua hơn một nửa số đất dân cư được bán và khiến cho bảng cân đối kế toán của chúng càng xấu đi.

Giải pháp không chắc chắn

Các tỉnh thành không mấy khá giả ở Trung Quốc đang tìm cách vận động chính phủ cứu trợ. Trong bài đăng trên mạng giờ đã bị xóa, tỉnh Quý Châu cho biết họ đang phải chật vật giải quyết vấn đề nợ nần. Tháng 12 năm ngoái, công ty Zunyi Road & Bridge Engineering Construction Group, một trong những LGFV ở Quý Châu, đã nhận được một kiểu cứu trợ từ các ngân hàng chủ nợ, chuyển đổi 15,6 tỷ nhân dân tệ nợ vay ngắn hạn thành các khoản vay lãi suất thấp trong 20 năm.

Trong quá khứ, Bắc Kinh từng tiến hành các cuộc giải cứu trên quy mô lớn. Trong cuộc kiểm toán năm 2014, khoảng 2/3 các khoản nợ của LGFV đã được công nhận rõ ràng là nợ của chính quyền. Trong 4 năm tiếp theo, hơn 12.000 tỷ nhân dân tệ các khoản nợ như vậy được chuyển đổi thành trái phiếu chính thức của chính quyền địa phương. Nhưng khối nợ 57.000 tỷ nhân dân tệ hiện tại thì lại ở một tầm cỡ khác hẳn. Chính phủ Trung Quốc đang ở trong tình thế cực kỳ bấp bênh.

Với một chút may mắn và lòng tin của nhà đầu tư, Trung Quốc có thể sẽ hóa giải được cuộc khủng hoảng nợ địa phương.

Bà Xiaoxi Zhang, chuyên gia về hệ thống tài chính Trung Quốc của Gavekal Dragonomics, đã đưa ra một lưu ý thú vị. Các tỉnh nghèo nhất thường là những khu vực gặp rắc rối lớn nhất, ví dụ như Quý Châu. Nhưng các khoản nợ chưa thanh toán từ LGFV của những tỉnh này cũng thường nhỏ hơn, một phần bởi chúng bị coi là rủi ro và không thể phát hành trái phiếu dễ dàng. Do đó, khi một trong những tỉnh này khiến nhà đầu tư trái phiếu hoảng sợ, Bắc Kinh vẫn có đủ nguồn lực để chuyển đổi tất cả thành trái phiếu chính quyền chính thức.

Tuy nhiên, lập luận trên dựa vào một giả định lớn, đó là cú sốc tiếp theo sẽ bị kích hoạt bởi những tỉnh như Quý Châu, vốn đã nhiều lần thất hứa với các chủ nợ tư nhân. Nhưng nếu bất ngờ đến từ những khu vực giàu có hơn như Chiết Giang hoặc Giang Tô – cũng là các tỉnh phát hành nhiều trái phiếu nhất – thì không ai có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra.

Bắc Kinh có thể sẽ không kiềm chế được hậu quả và phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nguy hiểm, không kém gì vụ sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ. 

Giang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.