|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc mở chiến dịch chống tham nhũng trong ngành tài chính ngay thời điểm kinh tế bấp bênh

11:05 | 07/04/2023
Chia sẻ
Trung Quốc đang tiến hành điều tra hàng loạt công ty tài chính hàng đầu, giữa lúc nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia cảnh báo động thái này có thể làm tổng thương tâm lý của nhà đầu tư.

Theo CNN, các ngân hàng và công ty bảo hiểm Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đã điều tra hơn chục giám đốc điều hành cấp cao tại các tổ chức tài chính quan trọng nhất trong năm nay.

Theo CCDI, ba tên tuổi lớn đứng đầu hệ thống tài chính Trung Quốc đã bị điều tra hoặc buộc tội, trong đó có ông Li Xiaopeng - cựu chủ tịch của China Everbright, một trong những tập đoàn tài chính lớn và lâu đời nhất của nước này. Ông Li bị tình nghi “vi phạm nghiêm trọng luật pháp và kỷ luật”, CCDI cho biết hôm 5/4.

Everbright tuyên bố “hoàn toàn ủng hộ” quyết định trên và sẽ “hoàn toàn hợp tác” với cuộc điều tra về ông Li, người đã điều hành ngân hàng này trong 4 năm.

Ngày 31/3, các nhà chức trách đã mở một cuộc điều tra tương tự với Liu Liange, cựu chủ tịch Bank of China - ngân hàng lớn thứ 4 tại Trung Quốc. Ông Liu đã từ chức vào tháng trước với lý do “điều chỉnh công việc”.

Vào tháng 1, Chủ tịch của China Life Insurance Company, ông Wang Bin đã bị buộc tội nhận hối lộ và giấu tiền tiết kiệm ở nước ngoài. Ông bị CCDI điều tra lần đầu hồi tháng 1/2022.

Các nhà phân tích cho rằng ông Bao Fan, chủ ngân hàng đầu tư China Renaissance, cũng có thể là mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng. Ông Bao Fan vừa mất tích hồi tháng 2/2023, nhưng sau đó xuất hiện và cho biết đang “hợp tác với cơ quan điều tra”.

Tuần trước, CCDI tuyên bố sẽ kiểm tra hơn 30 công ty nhà nước lớn, bao gồm những gã khổng lồ như China Investment Corporation (CIC) - quỹ tài sản quốc gia trị giá hơn 1.000 tỷ USD của Bắc Kinh; Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB); Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc ….

Cựu Chủ tịch Bank of China, Liu Liange, được chụp tại Milan, Italy, vào tháng 7/2019. (Ảnh: Luca Bruno/AP).

Ông Chongyi Feng, phó giáo sư Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết: “[Những cuộc điều tra hiện nay] là làn sóng mới trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình [...] ”.

Kiểm soát ngành tài chính

Năm nay, cuộc chiến chống tham nhũng đang tập trung vào lĩnh vực tài chính. Ông Feng cho rằng có hai lý do để Bắc Kinh nhắm vào các chủ ngân hàng. “Tài chính là lĩnh vực cuối cùng trong ba lĩnh vực then chốt để ông Tập khẳng định quyền kiểm soát, sau quân đội và bộ máy an ninh [nội bộ]”, ông Feng ví ngành tài chính là “túi tiền” của nhà nước.

Chủ tịch Tập cũng cần kiểm soát lĩnh vực này để đối phó với “khủng hoảng kinh tế và tài chính ngày càng sâu sắc tại Trung Quốc” cũng như chuẩn bị cho một “cuộc chiến tài chính” với Mỹ.

4 ngân hàng lớn nhất thế giới đều đến từ Trung Quốc.

Bắc Kinh đang đối mặt với một loạt thách thức trong nước và trên thế giới. Thị trường nhà ở đang trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Thất nghiệp ở nhóm tuổi thanh niên vẫn ở mức cao. Chính quyền địa phương đang gặp khó với gánh nặng nợ nần và đã phải cắt giảm phúc lợi.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, dẫn đến căng thẳng leo thang trong lĩnh vực công nghệ và đầu tư.

Đầu tư vào Trung Quốc ngày càng trở nên bấp bênh khi môi trường kinh doanh xấu đi và doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị.

Khi nền kinh tế cố gắng phục hồi, Bắc Kinh đã trấn an khu vực tư nhân và mời gọi doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng có thể khiến nhà đầu tư lo lắng.

Theo thống kê gần đây nhất của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC), ngành ngân hàng và bảo hiểm nước này có tài sản lên tới 60.000 tỷ USD, tương đương 340% GDP hàng năm của Trung Quốc.

Mâu thuẫn mục tiêu?

Sau khi CEO mất tích, cổ phiếu của China Renaissance đã giảm 27% so với giữa tháng 2. Trước đó, nỗ lực chỉnh đốn lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh cũng khiến hàng trăm tỷ USD vốn hóa nhiều doanh nghiệp lớn như Alibaba bốc hơi.

 

Cổ phiếu của China Renaissance đã bị đình chỉ giao dịch ở Hong Kong. 

 

Ông Neil Thomas, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, nhận định: “Chiến dịch [chống tham nhũng] gần đây có thể làm tổn thương tâm lý của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, những người vốn đã lo lắng về môi trường chính trị”.

“Ông Tập vừa muốn vực dậy nền kinh tế Trung Quốc, vừa muốn nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng với doanh nghiệp tư nhân. Những mục tiêu này không triệt tiêu lẫn nhau, nhưng mục tiêu sau có khả năng hạn chế mục tiêu trước”.

“Cần phải trừng phạt mạnh tay hơn … tham nhũng trong các lĩnh vực như tài chính, doanh nghiệp nhà nước và mua bán ngũ cốc, nơi tập trung quyền lực, thâm dụng vốn cao và giàu tài nguyên”, CCDI tuyên bố.

Các chủ ngân hàng sẽ phải từ bỏ tham vọng trở thành “tinh hoa tài chính” và ngừng sao chép “cách thức của phương Tây”. Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Bao Fan - CEO của China Renaissance - bị thông báo mất tích. 

Ông Tập “có thể coi việc nhắm đến các nhân vật cấp cao trong ngành như CEO Bao Fan là một chiến lược hiệu quả để khiến toàn bộ lĩnh vực tài chính tuần thủ mạnh mẽ và chủ động hơn các mệnh lệnh chính trị”, ông Thomas nhận định. 

Vào năm 2020, ông trùm bất động sản Ren Zhiqiang đã mất tích trong vài tháng sau khi lên tiếng phản đối chính sách chống dịch COVID. Ông Ren sau đó đã bị kết án tù 18 năm vì tội tham nhũng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.