|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

EU phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức nào mà Chủ tịch EU muốn 'tái cân bằng'?

15:29 | 06/04/2023
Chia sẻ
Chuyến thăm của Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu tới Trung Quốc nhằm tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine cũng như "tái cân bằng" mối quan hệ giữa hai nền kinh tế. EU hiện đang có mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc cao hơn cả Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh hôm 5/4/ (Ảnh: Gonzalo Fuentes/Reuters).

Tìm giải pháp cho Ukraine; "tái cân bằng" quan hệ kinh tế

Theo CNN, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen sẽ đến Bắc Kinh nhằm thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về nhiều vấn đề như hòa bình Ukraine cũng như mối quan hệ kinh tế EU.

Tổng thống Macron đã đến Trung Quốc vào chiều ngày 5/4, tuy nhiên không rõ khi nào bà von der Leyen sẽ hạ cánh. Ông Macron đang đi cùng một phái đoàn gồm khoảng 50 lãnh đạo doanh nghiệp tới Bắc Kinh. Ông dự kiến sẽ có cuộc gặp riêng với ông Tập và bà von der Leyen vào cuối ngày 6/4.

Chuyến thăm kéo dài ba ngày diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang khẩn trương tìm con đường hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine cũng như cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh - đối tác thương mại hàng đầu của EU và đồng minh thân thiết với Moscow.

Trong nhiều tháng, ông Macron đã thể hiện quan điểm rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết xung đột tại Ukraine. Nguồn tin từ Điện Elysee đã mô tả Bắc Kinh có thể tạo ra “tác động thay đổi cuộc chơi” cho xung đột Ukraine, do mối quan hệ của nước này với Moscow. Một phần mục đích của chuyến thăm là nhằn tìm ra “cách để xác định các giải pháp” nhằm kết thúc xung đột.

Theo Reuters, ngoài câu chuyện Ukraine, kinh tế cũng sẽ là một chủ đề được các nhà lãnh đạo đưa ra bàn luận. Chủ tịch von der Leyen cho biết EU không thể tách rời khỏi Trung Quốc, nhưng sẽ cần giảm thiểu rủi ro và “tái cân bằng” các mối quan hệ kinh tế.

Hiện Trung Quốc là đối tác mua hàng hóa nhiều thứ ba của EU, đồng thời là nhà xuất khẩu lớn nhất tới khối. Vào năm ngoái, Liên minh châu Âu đã mua từ Trung Quốc 626 tỷ EUR hàng hóa, trong khi chỉ xuất khẩu ngược lại 230 tỷ EUR, tạo ra mức thâm hụt 396 tỷ EUR - cao hơn cả thâm hụt thương mại Mỹ - Trung năm 2022.

 

Thâm hụt thương mại

Thâm hụt thương mại hàng hóa giữa EU và Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ sau đại dịch COVID. Năm 2012, EU nhập siêu 118 tỷ USD từ Trung Quốc. Đến năm 2022, con số đã lên thành 396 tỷ USD.

Trong giai đoạn từ 2012 đến 2022, hoạt động nhập khẩu của EU từ Trung Quốc đã tăng gấp 2,5 lần, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 74%. Hiện nay, Bắc Kinh đang phục vụ 20,8% nhu cầu hàng hóa nhập khẩu, nhưng lại chỉ mua 9% hàng hóa xuất khẩu của EU.

Thâm hụt giữa hai nền kinh tế đang tăng nhanh trong những năm qua.

EU mua bán gì với Trung Quốc?

Vào năm 2022, mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu nhiều nhất sang EU là thiết bị liên lạc (mã SITC là 764). Tiếp theo đó là máy xử lý dữ liệu (mã SITC là 752). Những sản phẩm này cũng là thế mạnh xuất khẩu của Trung Quốc và đóng góp lớn vào thặng dư thương mại của Bắc Kinh với Mỹ, EU và nhiều nền kinh tế khác.

 

Ở chiều ngược lại, sản phẩm mà châu Âu bán được nhiều nhất cho Trung Quốc là xe có động cơ - đa phần là xe ô tô (mã SITC là 781). Ngoài ra, các loại dược phẩm, máy bay cũng là thế mạnh xuất khẩu của châu Âu.

Xuất khẩu của EU sang Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/3 nhập khẩu.

Xuất nhập khẩu ô tô

Các nhà sản xuất ô tô ở EU đã thành công trong việc xuất khẩu ô tô sang Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu đạt 24,2 tỷ EUR vào năm ngoái, tăng trưởng khoảng 57% so với 2012. Khoảng 80% xuất khẩu ô tô của EU đến từ Đức, và Trung Quốc là thị trường quan trọng thứ ba của châu Âu. Khoảng 15% ô tô xuất khẩu của EU là tới Trung Quốc.

Mẫu xe BMW 3 Series với trục cơ sở kéo dài (LWB) chỉ dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Các hãng xe châu Âu như BMW, Volkswagen thường có nhiều mẫu xe đặc biệt cho thị trường này. (Ảnh: BMW).

Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh đang có thế mạnh về xe điện (EV) so với châu Âu. Xuất khẩu EV từ Trung Quốc sang EU đã tăng vọt từ chưa đầy 800 triệu EUR vào năm 2020 lên 6,9 tỷ EUR vào năm ngoái.

Một nghiên cứu của PwC chỉ ra rằng 800.000 ô tô sản xuất tại Trung Quốc sẽ được bán ở châu Âu vào năm 2025, gần gấp đôi so với 2022. Gần một nửa trong số này là những nhà sản xuất ô tô phương Tây, có nhà máy tại Trung Quốc, chẳng hạn như BMW hay Renault. Phần còn lại đến từ những nhà sản xuất Trung Quốc, chẳng hạn như MG hay BYD.

Trung Quốc đang xuất khẩu ngày càng nhiều xe sang EU, kéo thặng dư thương mại của châu Âu xuống thấp.

Khoáng sản quan trọng

Ủy ban Châu Âu đã đề xuất "Kế hoạch Công nghiệp Xanh", tập trung vào việc đảm bảo nguồn nguyên liệu thô, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất công nghệ sạch và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Châu Âu hiện phải phụ thuộc 98% vào Trung Quốc cho nguồn cung đất hiếm, được sử dụng trong các loại turbine gió, pin hydrogen hoặc pin điện. Với lithium - kim loại dùng để sản xuất pin điện - sự phụ thuộc của châu Âu vào Trung Quốc là 97%. Đối với magie, một trong 34 "nguyên liệu quan trọng" của EU, mức độ phụ thuộc là 93%.

Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc chỉ là nơi tinh chế và xử lý khoáng sản chứ chứ không phải nơi khai thác. EU đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tự xử lý 40% nguyên liệu thô quan trọng mà khối tiêu thụ.

Năng lượng sạch

EU nhập khẩu 80% tấm pin mặt trời từ Trung Quốc, đạt kim ngạch 21 tỷ EUR vào năm 2022. Theo Đạo luật Công nghiệp Net Zero đã được đề xuất của EU, bên tham gia đấu thầu vào các dự án năng lượng xanh sẽ khó trúng thầu hơn nếu đến từ các quốc gia cung cấp cho EU từ 65% nhu cầu một sản phẩm cụ thể, chẳng hạn như pin mặt trời, turbine gió hay máy bơm nhiệt.

Đạo luật là một phần trong nỗ lực của EU nhằm tự sản xuất ít nhất 40% tấm pin mặt trời, pin và các thiết bị cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.  

Minh Quang