|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc và Nhật Bản lấy hàng nghìn tỷ USD từ đâu để cho chính phủ Mỹ vay?

20:19 | 08/03/2023
Chia sẻ
Trung Quốc và Nhật Bản là hai trong số những nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ. Mua trái phiếu Kho bạc Mỹ là cách dễ dàng để đầu tư lượng USD khổng lồ nhận được từ giao thương hàng hóa.

Nhật Bản và Trung Quốc đại lục là hai quốc gia cho Mỹ vay nhiều nhất.

Tính đến ngày cuối năm 2022, Nhật Bản và Trung Quốc đại lục là hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của chính phủ Mỹ khi nắm giữ lần lượt 1.076 tỷ và 867 tỷ USD chứng khoán Kho bạc. Hai cường quốc châu Á này đang chiếm tổng cộng khoảng 26,6% tổng nợ nước ngoài của Mỹ.

Thời đỉnh cao, Nhật Bản nắm giữ 1.326 tỷ USD (tháng 11/2021) và Trung Quốc sở hữu 1.317 tỷ USD (tháng 11/2013) chứng khoán nợ do chính phủ Mỹ phát hành. Trong những năm gần đây, cả hai đất nước Đông Á này đều giảm nắm giữ tín phiếu, trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Tỷ trọng nợ nước ngoài của Mỹ do Mỹ và Nhật Bản nắm giữ giảm dần trong các năm qua.

Tại sao Trung Quốc và Nhật Bản lại ưa thích chứng khoán nợ của Mỹ như vậy, và hai nước này lấy tiền đâu để cho Mỹ vay?

Thặng dư thương mại nghìn tỷ USD

Trung Quốc và Nhật Bản là hai trong 4 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, chỉ sau Canada và Mexico. Năm 2022, tổng giá trị giao thương hai chiều Mỹ - Trung đạt 691 tỷ USD và Mỹ - Nhật đạt 229 tỷ USD, lần lượt chiếm 13% và 4% kim ngạch thương mại của Mỹ với thế giới.

Trung Quốc và Nhật Bản là hai trong 10 đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất.

Điểm chung trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản và Trung Quốc là Mỹ luôn chịu thâm hụt trong nhiều thập kỷ qua. Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, kể từ khi có số liệu lịch sử vào năm 1985 đến hết 2022, Mỹ luôn nhập siêu với cả Nhật Bản và Trung Quốc.

Chênh lệch thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản tương đối ổn định trong gần 40 năm qua, dao động lên xuống trong khoảng 40 – 90 tỷ USD mỗi năm. Nguyên nhân là cả hai nước đều phát triển ổn định trong giai đoạn này, nền kinh tế ít thay đổi đột biến.

Trái lại, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng chóng mặt từ 10 tỷ USD vào năm 1990 lên đỉnh lịch sử  418 tỷ USD vào năm 2018 khi Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump phát động chiến tranh thương mại, áp thuế lên hàng nhập khẩu. Năm 2022 vừa qua, Trung Quốc có thặng dư 383 tỷ USD với Mỹ.

Trung Quốc và Nhật Bản có thặng dư thương mại với Mỹ liên tục trong hàng chục năm qua.

Mỹ thâm hụt thương mại tức là số tiền mà Mỹ chi ra để nhập khẩu hàng hóa lớn hơn so với số tiền mà Mỹ thu về từ xuất khẩu hàng hóa. Từ 1985 đến 2022, tổng giá trị nhập siêu của Mỹ với Nhật Bản là 2.424 tỷ USD, với Trung Quốc lên tới 6.544 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Trung Quốc nhận về lượng USD khổng lồ từ hoạt động bán hàng sang Mỹ, nhưng việc trả lương cho công nhân cũng như thanh toán trong nước phải được thực hiện bằng nhân dân tệ.

Vì vậy, doanh nghiệp Trung Quốc bán USD để mua nhân dân tệ, qua đó làm giảm giá trị của USD và tăng giá trị đồng tiền Trung Quốc. Chính phủ tại Bắc Kinh không muốn đồng nội tệ lên giá vì gây ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Do đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) in thêm tiền nhân dân tệ để mua USD của doanh nghiệp, giúp tỷ giá ổn định.

Hành động can thiệp trên thị trường ngoại hối của PBoC vừa đảm bảo hàng hóa Trung Quốc có lợi thế so với các quốc gia khác, vừa giúp chính phủ có lượng USD khổng lồ trong tay.

Thay vì chỉ cầm tiền mặt không sinh lợi, Bắc Kinh dùng USD để mua trái phiếu và tín phiếu Kho bạc Mỹ và hưởng lãi suất vài phần trăm mỗi năm, tùy giai đoạn.

Nhờ thặng dư thương mại lớn, Trung Quốc thường duy trì dự trữ ngoại hối trên 3.000 tỷ USD, bao gồm các tài sản có thanh khoản cao bằng USD cũng như những đồng tiền mạnh khác. 

Câu chuyện với Nhật Bản cũng tương tự. Môi trường lạm phát và lãi suất siêu thấp (thậm chí dưới 0) ở Nhật Bản kể từ đầu thập niên 1990 đến nay khiến cho trái phiếu Kho bạc Mỹ càng trở nên hấp dẫn.

Kể từ đầu 2022 đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 8 lần để chống lạm phát trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) giữ lãi suất đi ngang, việc Nhật Bản đầu tư số tiền thu được từ thặng dư thương mại vào trái phiếu Kho bạc Mỹ là lựa chọn logic.

Liên tục từ giữa năm 2019 đến nay, Nhật Bản đều đứng trên Trung Quốc trong danh sách những chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Mối quan hệ Mỹ - Nhật vẫn luôn thân thiết, trong khi mâu thuẫn Mỹ - Trung liên tục nổi lên vì vấn đề chiến tranh thương mại, gián điệp kinh tế, tình báo quân sự, Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, và gần đây là xung đột Nga – Ukraine.

Trung Quốc không khỏi lo ngại khi thấy Nga bị Mỹ cắt đứt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế, các tài sản ở Mỹ đều bị phong tỏa. Nếu sau này Mỹ đoạn tuyệt với Trung Quốc, số chứng khoán Kho bạc Mỹ mà Bắc Kinh đang nắm giữ cũng sẽ bỗng chốc trở nên vô giá trị.

Song song với việc giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ, Trung Quốc đã liên tục gia tăng lượng vàng trong kho dự trữ quốc gia, từ 79 tỷ USD hồi đầu năm 2019 lên 125 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Đức Quyền - Song Ngọc