|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Tập gắng sức cải thiện hình ảnh sứt mẻ của Trung Quốc

10:27 | 06/04/2023
Chia sẻ
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thể hiện Trung Quốc là đất nước "đáng tin, đáng yêu và đáng kính" trong mắt cộng đồng quốc tế.

Ông Tập vẫy tay chào sinh viên Thái Lan khi đến thăm Đại học Chulalongkorn ở Bangkok hồi năm 2011.  (Ảnh: Foreign Policy)

Đầu tiên là tiền đâu?

Theo tờ Bloomberg, ba năm qua là khoảng thời gian tồi tệ đối với hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Tranh cãi về nguồn gốc COVID-19 thổi bùng lên nghi ngờ rằng nước này đang che giấu thông tin quan trọng.

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố mối quan hệ hợp tác “không giới hạn” với Nga chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Putin điều quân sang Ukraine khiến nhiều người lo ngại rằng Bắc Kinh đang lên kế hoạch tấn công Đài Loan.

Ngay cả Phố Wall cũng trở nên hồ nghi hơn sau khi Trung Quốc gia tăng áp lực lên khu vực kinh tế tư nhân, khiến các nhà quản lý quỹ sợ rằng nước này không còn cơ hội đầu tư nữa.

Khảo sát của Pew Research Center năm ngoái phát hiện rằng 80% người tham gia ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Thụy Điển có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc.

Chính trị gia ở những nước này đã dựa vào tâm lý đó để thúc đẩy những chính sách kiềm chế tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Bắc Kinh. Ví dụ, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã thuyết phục Nhật Bản và Hà Lan cùng tham gia nỗ lực hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ chip của Trung Quốc.

Giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã nhận ra xu hướng trên. Hai năm trước, ông Tập nói Trung Quốc cần có hình ảnh “đáng tin, đáng yêu và đáng kính”. Nhưng khác với các nỗ lực kết giao trong quá khứ, lần này Bắc Kinh đối mặt với trở ngại mới: dư luận ở Trung Quốc.

Ông LiuDongshu, Giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, cho biết khi nền kinh tế bùng nổ, ít người Trung Quốc nào phản đối việc chính phủ cung cấp các khoản cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như triển khai thêm hỗ trợ cho các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, khi tăng trưởng chậm lại và các vấn đề như tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ nổi lên, sự phản đối đối với việc chi tiêu ở nước ngoài đã trở nên mạnh mẽ hơn.

Ông nhận xét: “Trung Quốc đang cố gắng chọn các vấn đề dễ giải quyết và có chi phí tương đối thấp để chứng tỏ rằng họ là nhà lãnh đạo toàn cầu. Người Trung Quốc muốn thấy nước họ trở thành cường quốc thế giới, nhưng người Trung Quốc không sẵn sàng cáng đáng chi phí”.

Bước tiến và bước lùi

Hôm 6/3, Trung Quốc đã đồng ý ủng hộ một thỏa thuận tái cấu trúc nợ cho Sri Lanka. Động thái này báo hiệu Bắc Kinh sẽ có lập trường mềm mỏng hơn trong việc giúp đỡ các quốc gia đang phát triển đang lâm vào thế khó vì nợ nần.

Vài ngày sau, Iran và Arab Saudi đồng ý gác lại các bất đồng và khôi phục quan hệ ngoại giao theo thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian và được ký kết tại Bắc Kinh.

Sau đó, đến giữa tháng 3, nguồn tin của tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng ông Tập dự định nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Dường như Bắc Kinh đang trở nên nghiêm túc hơn trong việc khôi phục hòa bình ở châu Âu.

Các nỗ lực đối ngoại của Bắc Kinh chủ yếu là do ông Tập dẫn dắt, còn việc “bắc cầu” kinh tế là nhiệm vụ của Thủ tướng Lý Cường. Sau khi được bổ nhiệm vào ngày 11/3, ông Lý đã ngay lập tức tìm cách thu hút các doanh nhân trong và ngoài nước Trung Quốc.

Trong sự kiện gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu được tổ chức ở Bắc Kinh, ông Lý khuyến khích họ nhìn về tương lai phía trước, “sau cơn mưa trời lại sáng”.

Ông đưa ra thông điệp tương tự khi gặp gỡ một nhóm doanh nhân khác tại tỉnh Hải Nam. Ông tuyên bố: “Đầu tư vào Trung Quốc là lựa chọn vào tương lai tốt đẹp hơn”.

Theo Reuters, vị tân thủ tướng là một trong những quan chức chính phủ liên lạc với tỷ phú Jack Ma và thuyết phục ông hồi hương sau hơn một năm sống ở nước ngoài.

Sự trở lại của Jack Ma đã củng cố cho niềm tin của doanh nghiệp. Tâm lý lạc quan và cổ phiếu Trung Quốc lên cao hơn nữa sau khi Alibaba thông báo sẽ chia tách thành 6 đơn vị riêng biệt và đưa tất cả lên sàn chứng khoán. Động thái này được coi là giải pháp khéo léo để giải quyết những lo ngại của chính phủ về các hành vi phản cạnh tranh và đồng thời tạo ra giá trị cho cổ đông.

Nhưng không phải nỗ lực nào của Trung Quốc cũng thành công. Các mâu thuẫn lâu năm liên quan đến Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan đã tạo ra sự hoài nghi sâu sắc ở Mỹ và châu Âu về lập trường của Trung Quốc. Kế hoạch hòa bình cho Ukraine do Bắc Kinh đề xuất đã bị Washington và Brussels bác bỏ vì quá thiên vị Nga.

Hôm 31/3, giới chức trách Trung Quốc đã mở cuộc điều tra đối với hãng chip hàng đầu của Mỹ là Micron Technology. Thông điệp gửi tới Mỹ và các đồng minh là Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả những nỗ lực do Washington dẫn đầu nhằm cắt đứt nước này khỏi nguồn cung chip tiên tiến.

Gần đây, Trung Quốc còn bắt giữ một số cá nhân làm việc cho công ty thẩm định doanh nghiệp Mintz Group của Mỹ và hãng dược Nhật Bản Astella Pharma. Các vụ điều tra và bắt bớ này có nguy cơ khiến doanh nghiệp nước ngoài ngày càng ngần ngại về việc kinh doanh tại Trung Quốc.

Giang