|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lợi ích cho Trung Quốc và Trung Đông khi quan hệ Iran - Saudi được nối lại

06:41 | 14/03/2023
Chia sẻ
Các nhà phân tích nhận định việc Iran và Saudi Arabia nhất trí thiết lập lại quan hệ ngoại giao trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian có thể tạo ra những hệ quả trên diện rộng. Song, phát triển hơn nữa quan hệ song phương dựa trên thỏa thuận này sẽ là một thách thức.

 Lá quốc kỳ của Iran và Saudi Arabia tung bay trong gió. (Ảnh:  VCG)

Theo thỏa thuận được ký kết tại Bắc Kinh ngày 10/3, các ngoại trưởng hai nước sẽ gặp nhau để thảo luận về các sứ mệnh ngoại giao trong vòng hai tháng, đánh dấu sự kết thúc 7 năm cắt đứt quan hệ.

Tại Iran, thỏa thuận này nhìn chung được hoan nghênh. Các quan chức cấp cao đánh giá đây là một bước hướng tới giảm căng thẳng và củng cố an ninh khu vực. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông bảo thủ chủ yếu tập trung vào cách thức thỏa thuận này báo hiệu một “thất bại” đối với Mỹ và Israel.

Năm 2016, Riyadh đã cắt đứt quan hệ với Tehran, sau khi Saudi Arabia hành quyết nhà lãnh đạo nổi tiếng Nimr al-Nimr của dòng Hồi giáo Shia và những người biểu tình tại Tehran đã xông vào Đại sứ quán Saudi Arabia đốt phá. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, đã lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo Saudi Arabia.

Tuy nhiên, hiện nay không một quan chức Iran hay phương tiện truyền thông nhà nước nào thể hiện sự bi quan khi các cuộc đàm phán, bắt đầu vào tháng 4/2021, cuối cùng đã mang lại kết quả sau những nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã đến thăm Saudi Arabia vào tháng 12 và tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vào tháng trước.

Việc Iran và Saudi Arabia nối lại quan hệ đã nhận được hoan nghênh lạc quan của Iraq, Oman, những quốc gia đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán trước đó, và các nước trong khu vực trong khi Mỹ hoan nghênh một cách thận trọng.

Triển vọng sau thỏa thuận

Theo ông Diako Hosseini, nhà phân tích chính trị tại Tehran, thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia là một bước phát triển tích cực nhưng chỉ là một trong nhiều bước.

Trả lời Al Jazeera, ông Hosseini nói: “Saudi Arabia sẽ vẫn thận trọng trong các giao dịch kinh tế với Iran vì nước này không muốn bị Mỹ trừng phạt. Và bình thường hóa không đồng nghĩa với việc hai bên tin tưởng lẫn nhau. Dù vậy, việc giảm căng thẳng tại Yemen, Lebanon, Syria và Iraq vẫn có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên".

Ông Hosseini nói thêm rằng chấm dứt cuộc chiến kéo dài 8 năm tại Yemen, nơi Iran và Saudi Arabia ủng hộ các bên đối lập, có thể là bước quan trọng nhất của thỏa thuận, nhưng đây sẽ là một mục tiêu khó đạt được.

Ông nói: “Mức độ mất lòng tin cao và tình trạng cạnh tranh địa chính trị có thể đảo ngược xu hướng giảm căng thẳng. Để đạt được thành công, cả hai nước cần bắt đầu những nỗ lực liên tục và lâu dài, đồng thời thử những giải pháp đáng tin cậy để đảm bảo lợi ích chung”.

Trung Quốc trở thành trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi  Arabia (Ảnh: Saudi Press Agency/DPA/Reuters) 

Theo ông Hosseini, Trung Quốc là người chiến thắng lớn trong thỏa thuận, vì đã củng cố phạm vi tiếp cận của mình trên toàn khu vực.

Ông nói: “Thực tế là, không chỉ Trung Quốc trở thành người bảo lãnh cho thỏa thuận mà còn cho thấy rằng Mỹ không thể bỏ qua vai trò của Bắc Kinh trong các thỏa thuận an ninh của Vịnh Ba Tư, một khu vực mà các nguồn dự trữ năng lượng và vị trí địa lý chiến lược đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc hơn với Mỹ”.

Ông Thomas Juneau, Phó Giáo sư tại Trường Quan hệ Công chúng và Quốc tế của Đại học Ottawa, cho rằng thỏa thuận ngày 10/3 có thể giúp giảm căng thẳng hơn là giải quyết những khác biệt sâu sắc.

Trả lời Al Jazeera, ông nói : “Căng thẳng Iran-Saudi đã lên xuống trong nhiều thập kỷ, nhưng tình trạng căng thẳng song phương luôn ở mức cao”. Theo ông, Saudi Arabia đang tìm cách thoát khỏi cuộc xung đột kéo dài tại Yemen, do đó, thỏa thuận với Tehran có thể dẫn đến một thỏa thuận với phiến quân Houthis do Iran hậu thuẫn.

Ý nghĩa của các thỏa thuận trong quá khứ

Iran và Saudi Arabia đã có một lịch sử đầy sóng gió trong vòng chưa đầy một thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Mối quan hệ này cũng chứng kiến nhiều thăng trầm kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran.

Tehran và Riyadh đã trở nên thân thiết hơn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Iran Mohammad Khatami và hai nước đã ký một thỏa thuận hợp tác chung vào năm 1998, sau đó là một thỏa thuận hợp tác an ninh vào năm 2001.

Theo ông Sina Toossi, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Quốc tế, có trụ sở tại thủ đô Washington, việc hai thỏa thuận đã được ký kết từ nhiều thập kỷ trước được đề cập trực tiếp trong văn bản của thỏa thuận ngày 10/3 và được hai bên cam kết thực hiện là một bước tiến đáng kể.

Trả lời Al Jazeera, ông Toossi nói: “Việc đề cập đến những thỏa thuận trong quá khứ có thể được coi là một tín hiệu nhắc nhở về mối quan hệ tích cực đã tồn tại giữa Iran và Saudi Arabia vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Bằng cách đề cập đến giai đoạn quan hệ tích cực này, thỏa thuận có thể được coi là một nỗ lực nhằm lấy lại tinh thần hợp tác giữa hai nước.”


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trà My