Nhìn lại quan hệ Iran-Saudi Arabia trong hơn 10 năm qua: Từ đoạn tuyệt đến bắt tay làm hòa
Ngày 10/3, Iran và Saudi Arabia đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao sau nhiều năm rạn nứt. Các quan chức an ninh hàng đầu từ hai nước đã đạt được thỏa thuận trên trong các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh.
Trước đó, hai cường quốc Hồi giáo dòng Shia và dòng Sunni tại Trung Đông đã mâu thuẫn trong nhiều năm. Sự rạn nứt trong quan hệ hai nước đã làm gia tăng căng thẳng tại vùng Vịnh và làm sâu sắc thêm những cuộc xung đột từ Yemen đến Syria.
Dưới đây là các dấu mốc quan trọng trong gần đây trong quan hệ song phương.
2011 - Mùa xuân Arab
Mùa xuân Arab đã chứng kiến làn sóng biểu tình chống chính phủ trên khắp Trung Đông. Saudi Arabia cáo buộc Iran kích động các cuộc biểu tình chống lại Hoàng gia Bahrain và đã gửi hơn 1.000 binh sĩ để ngăn chặn các cuộc biểu tình. Song Iran phủ nhận cáo buộc.
2011 - Chiến tranh Syria
Quan hệ Saudi Arabia-Iran một lần nữa trở nên căng thẳng sau khi Chiến tranh Syria nổ ra vào năm 2011. Iran, quốc gia theo dòng Hồi giáo Shia, đã hậu thuẫn Tổng thống Bashar al-Assad và cấp nguồn tài chính lẫn lực lượng quân sự để chiến đấu với phiến quân theo dòng Hồi giáo Sunni.
Saudi Arabia, quốc gia theo dòng Hồi giáo Sunni lại ủng hộ các lực lượng nổi dậy, song sau đó đã gia nhập một liên minh do Mỹ lãnh đạo để chiến đấu với tổ chức Hồi giáo cực đoan ISIL (ISIS) từ năm 2014.
2015 - Chiến tranh ở Yemen
Khi nội chiến ở Yemen bắt đầu vào năm 2015, Saudi Arabia đã ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận và chĩa mũi dùi vào phiến quân Houthi. Trong khi đó, Iran lại ủng hộ phiến quân này.
2015 - Vụ giẫm đạp ở Mecca
Năm 2015, một vụ giẫm đạp ở Mecca trong lễ hành hương Hajj hàng năm đã gây ra căng thẳng giữa quan hệ hai nước. Iran cáo buộc chính phủ Saudi Arabia về việc quản lý yếu kém sự kiện quan trọng nhất trong lịch Hồi giáo. Khoảng 2.000 người hành hương đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp trong đó có hơn 400 người mang quốc tịch Iran.
2016 - Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Iran
4 tháng sau vụ giẫm đạp ở Mecca, Saudi Arabia đã hành quyết nhà lãnh đạo nổi tiếng Nimr al-Nimr của dòng Hồi giáo Shia, một người đã chỉ trích chính phủ Saudi Arabia.
Đám đông người người Iran phản đối vụ hành quyết Nimr al-Nimr đã tổ chức biểu tình tại thủ đô Tehran, xông vào đốt phá Đại sứ quán Saudi Arabia. Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, cũng đã cảnh báo về vụ hành quyết Nimr. Sau đó, Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Tehran.
2016 - Iran cấm tham gia lễ hành hương Hajj
Cùng năm 2016, Iran không cho người dân tới thánh địa Mecca tham gia lễ hành hương Hajj và Saudi Arabia khởi động một kênh truyền hình bằng tiếng Ba Tư với các chương trình về cuộc hành hương.
Riyadh cho biết kênh truyền hình trên sẽ phát sóng các nghi lễ trong lễ hành hương Hajj và những lời cầu nguyện từ nhà thờ Hồi giáo lớn ở Mecca.
Lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, đã chỉ trích Saudi Arabia về cách thức nước này điều hành lễ hành hương Hajj và đề xuất các nước Hồi giáo chấm dứt quyền kiểm soát của Riyadh đối với cuộc hành hương.
2017 - Phong tỏa Qatar
Tháng 6/2017, Saudi Arabia và các đồng minh tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập áp đặt phong tỏa đối với Qatar. Các nước này cho rằng Qatar quá gần gũi với Iran và ủng hộ khủng bố. Doha đã phủ nhận những cáo buộc này. Sau đó, quan hệ giữa Qatar và các nước đã được cải thiện vào tháng 1/2021.
2017 - Riyadh đánh chặn tên lửa
Vào tháng 11/2017, Saudi Arabia đã chặn một tên lửa đạn đạo bay qua Sân bay Quốc tế Riyadh. Nước này khẳng định rằng tên lửa do Iran cung cấp và được phóng từ lãnh thổ do phiến quân Houthi ở Yemen nắm quyền kiểm soát.
Theo hãng thông tấn của Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman bin Abdulaziz đã nói với Ngoại trưởng Anh khi đó là ông Boris Johnson rằng hành động của Iran, có thể được coi là một hành động chiến tranh chống lại Saudi Arabia.
2017 - Thủ tướng Lebanon từ chức
Cùng tháng 11/2017, Thủ tướng Lebanon, Saad Hariri, đã bất ngờ từ chức do sức ép từ phía Iran thông qua lực lượng Hezbollah. Sau đó, ông đã rút lại quyết định từ chức của mình. Động thái này đã khiến Lebanon rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Đây được coi là một phần trong nỗ lực của Saudi Arabia nhằm chống lại ảnh hưởng của Iran ở nước này.
2018 - Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
Vào tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Động thái nhận được sự hoan nghênh từ cả Saudi Arabia và Israel.
Thái tử Mohammed Bin Salman đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Mỹ rằng nếu Tehran có vũ khí hạt nhân, nước này sẽ làm theo càng sớm càng tốt. Nhà lãnh đạo tối cao của Iran đã gọi Thái tử Mohammed Bin Salman là một “Hitler” mới.
2019 - Các vụ tấn công vào Saudi Arabia
Năm 2019, Saudi Arabia đã đổ lỗi cho Iran về một loạt các cuộc tấn công vào các mục tiêu tại vương quốc này, trong đó có cả cuộc tấn công vào ngành công nghiệp dầu mỏ làm gián đoạn tạm thời một nửa sản lượng thô của Saudi Arabia. Tuy nhiên, Iran phủ nhận cáo buộc. Trong khi đó, phe nổi dậy tại Yemen đã đứng ra nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công.
2020 - Thiếu tướng Qassem Soleimani bị ám sát
Khi chỉ huy quân đội Iran Qassem Soleimani thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Baghdad, phương tiện truyền thông Saudi đã hoanh nghênh cuộc tấn công.
2021 - Iran và Saudi Arabia tổ chức các cuộc đàm phán
Vào tháng 4/2021, tại Baghdad, Iran và Saudi Arabia đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi cắt đứt quan hệ chính thức.
2022 - Đàm phán nhiều hơn
Từ tháng 4 – 9/2022, Iran và Saudi đã tổ chức 4 vòng đàm phán, với Iraq và Oman là trung gian.
Sau khi Iran và Saudi Arabia tổ chức vòng đàm phán thứ 5, một cố vấn hàng đầu cho nhà lãnh đạo Iran Khamenei đã kêu gọi hai bên mở lại các đại sứ quán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Saudi Arabia để bàn bạc với Thái tử Mohammed bin Salman.
2023 - Thỏa thuận khôi phục quan hệ
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đến thăm Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 2. Ngày 10/3, Riyadh và Tehran tuyên bố đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao trong vòng hai tháng.